Báo Hoa Học Trò, tờ báo kỷ niệm tuổi học đường



Bài viết của nhà báo Nguyễn Như Mai, Trưởng ban biên tập đầu tiên của báo Hoa Học Trò, cố vấn chương trình Đường lên đỉnh Olympia - VTV.

Hoa Học Trò số 1 ra mắt ngày 15/10/1991 dày có 20 trang cả bìa, khổ 19x27cm. Giấy đen, chữ nhỏ Co 10, không màu. Bìa giấy láng in màu. Thế là sang lắm rồi, giá bán 600VNĐ. Đó là giá khuyến mãi, sau này đến số 3 bìa không láng đã phải bán giá 700 Đ.

Hình ảnh bìa là cô bé Vũ Lan Hương rất dễ thương, mặc bộ quần áo dân tộc. Lan Hương là đại biểu học sinh Tuyên Quang về dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc được PV trẻ Hoài Linh "chộp" được.

Các trang mục như đã bày cỗ sẵn mời bạn đọc vào cuộc. Bài vở hầu như chưa có sẵn, phải “đặt hàng” các nhà văn, nhà báo, chọn lọc các sáng tác và thư từ của bạn đọc lứa tuổi mới lớn của báo TNTP.

Trên trang bìa 2, mở đầu bằng bài HHT chào bạn nói lên định hướng của tờ báo. Mở mục “Nhật ký để ngỏ” hoàn toàn mới, phải nhờ nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn “làm chân gỗ” viết bài, lấy tên tác giả là cô con gái Thùy Trâm. (Bí quyết làm báo: Khi đưa ra trang mục mới thường phải có bài làm mồi, đôi khi phải nhờ “chân gỗ”. Chẳng hạn, Nhật ký để ngỏ số 4 ký tên Quỳnh Chi thực ra là của Nguyễn Như Mai).

Mở đầu trên trang 3 là bản nhạc ca khúc “hót’ nhất đương thời Một thoáng quê hương của nhạc sĩ Từ Huy. Lôi kéo được sự đóng góp của những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi: Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà, Trần Hoài Dương; thơ của Trần Mạnh Hảo và Phùng Ngọc Hùng… Bên cạnh đó nổi bật tác phẩm của tuổi học trò: “Pê lê trắng”- truyện ngắn của Hoàng Dạ Thi (con gái nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ) gửi từ Huế ra. Học trò bình thơ học trò mở ra để chính các em đăng thơ và bình thơ lẫn nhau.

Các bài vở và trang mục khác đều đậm chất học trò. CLB Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... mới chỉ dàn dựng, nhưng rất đa dạng các thể loại.

Những thông tin độc đáo nhìn ra thế giới được chọn lọc hấp dẫn và có tính gợi mở. Đặc biệt có “Văn phòng “Di Vu” Hoa Học Trò ngay từ số đầu tiên đã nổi đình đám vì cách trả lời hài hước, dí dỏm và thông minh của anh Chánh Văn. Anh Chánh là ai trở nên một câu hỏi tò mò và thú vị.

Có thể coi số đầu tiên như những mô hình để đến số 2, tiếp tục chào mời các em tham gia tờ báo của chính mình. Đến số 4 hầu như đã định hình bởi các tác giả tuổi hoa chiếm lĩnh hầu hết mặt báo Hoa.

Từ Nha Trang, một cô bé lấy nickname Mây Tím gửi ra đăng Nhật ký để ngỏ rất dễ thương (Sau này mới biết Mây Tím là Trần Đức Hạnh, FB Dây Leo Xanh). Bài thơ Đưa em vào tuổi mây của Đương Huyền Phương “Em mười sáu tập làm thơ mười bảy” như một “tuyên ngôn” làm dậy sóng biển thơ học trò. Nhiều gương mặt đầu tiên đã nhập cuộc như: Đào Phong Lan (Play Ku), Nguyễn Thanh Huyền (Lam Điền, Hải Dương), Bùi Minh (TP Hồ Chí Minh), Hà Quang Minh (Hà Nội), Phạm Thúy Hòa (Vĩnh Phú), Trần Hương Linh (Nam Định)...

Các nhà thơ đàn anh cũng dành ưu ái cho HHT, như Định Hải, Bùi Chí Vinh, Phùng Ngọc Hùng, Vân Long, Phạm Đức…Đặc biệt nhạc sĩ Văn Cao còn viết tặng độc giả Hoa Học Trò bài thơ “Tuổi thơ” chép tay rất chỉn chu. Thơ học trò ngay lập tức đã tạo cảm hứng để các nhạc sĩ sáng tác cho tuổi học trò. Đầu tiên chính là ca khúc Tuổi mười sáu của nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ của Bùi Minh. Rồi đến những ca khúc một thời rất được học trò khắp nới yêu thích: Tia nắng hạt mưa (nhạc Khánh Vinh phổ thơ Lệ Bình), Ngồi đằng sau người ta (phổ thơ Phạm Thúy Hòa)...

Tất nhiên, không phải ai cũng có tài viết văn, làm thơ, mỗi số báo đều có mục “Thử tài của bạn” đăng ảnh diễn viên, nhân vật nổi tiếng để “đánh đố” mời bạn đọc viết bài. Mỗi số dành chừng 25 giải thưởng cho bạn đọc, nhưng không ngờ số bài gửi về quá sức tưởng tượng, mà đều viết chuẩn xác. Tòa soạn đành phải nâng số người đoạt giải lên 50 suất. Giá trị giải không lớn, nhưng miễn là có tên trên báo là sướng rồi.

Tuổi học trò thích giao lưu kết bạn. Thể theo yêu cầu đó, trên báo mở mục “Nhịp cầu tuổi hoa”. Không ngờ các bạn hưởng ứng…quá trời. Thư về tòa soạn mỗi ngày hàng…bao tải. Ban đầu còn cố đăng cho các bạn, nhưng chẳng mấy chốc chị Phạm Bích Vân phụ trách trang phải xin phép tạm ngừng vì “nhịp cầu bị tắc nghẽn” do quá tải!


Căn phòng "đại bản doanh" báo Hoa Học Trò xưa, ngồi trong cùng là nhà báo Đoàn Công Huynh - anh Chánh Văn của thế hệ 7x, 8x và 9x đời đầu.
(ảnh: Hoài Linh)


Gặp gỡ Hương Đầu Mùa tại tòa soạn báo Hoa Học Trò năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 25 năm báo Hoa Học Trò ra số đầu tiên.

Có thể nói, thành công của HHT ngay từ đầu là đã chiếm được trái tim, tình cảm của bạn đọc, đã thực hiện đúng “tuyên ngôn” là HHT ra đời vì bạn, cho bạn, HHT chính là bạn!

Nhà báo Nguyễn Như Mai



Hoa Học Trò (còn gọi là H2T, HHT) trước đây là một tuần san của báo Thiếu niên Tiền phong (nay là ấn phẩm của báo "Tiền phong"), là tờ báo mang các nội dung về giải trí, tâm lý hay những câu chuyện dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Số đầu tiên của Hoa Học Trò bắt đầu phát hành từ ngày 15 tháng 10 năm 1991, dưới sự hỗ trợ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.



Xem thêm