Na Uy, tên chính thức là Vương quốc Na Uy, là một quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến tại Bắc Âu chiếm phần phía tây Bán đảo Scandinavie. Nước này giáp biên giới với Thuỵ Điển, Phần Lan, và Nga. Khoảng cách từ các phần phía bắc và phía nam Na Uy lớn hơn rất nhiều so với khoảng cách từ đông sang tây. Đường bờ biển dài dọc theo Bắc Đại Tây Dương của quốc gia này là nơi có những fjord (vịnh hẹp) của họ.
Vương quốc Na Uy còn gồm lãnh thổ của các đảo Svalbard và Jan Mayen tại Bắc Cực. Chủ quyền của Na Uy với Svalbard được đặt ra trên cơ sở Hiệp ước Svalbard, nhưng nó không được áp dụng cho Jan Mayen. Đảo Bouvet tại Nam Đại Tây Dương và những lời tuyên bố chủ quyền với Đảo Peter I và Vùng đất Nữ hoàng Maud tại Nam Cực cũng là những vùng phụ thuộc bên ngoài của quốc gia này, nhưng không phải là một phần của Vương Quốc.
Từ sau Thế Chiến II, kinh tế Na Uy phát triển nhanh chóng, hai thập kỉ đầu chủ yếu nhờ vào hàng hải, từ đầu những năm 1970 chủ yếu dựa vào khai thác và chế biến lượng lớn dầu mỏ tại Biển Bắc và Biển Na Uy. Ngày nay, Na Uy được xếp hạng là nước thịnh vượng nhất thế giới với khối lượng dự trữ vốn trên đầu người cao nhất thế giới. Tháng 8 2009, Dự trữ quốc gia Na Uy tuyên bố họ sở hữu khoảng 1% chứng khoán toàn cầu. Hiện nay Na Uy là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ bảy và công nghiệp dầu khí đóng góp khoảng một phần tư cho tổng GDP. Sau khủng hoảng tài chính quốc tế 2007-2009, các chuyên gia ngân hàng đã coi đồng Krone Na Uy là một trong những đồng tiền vững chắc nhất thế giới.
Na Uy được xếp hạng cao nhất về phát triển con người từ năm 2001 tới năm 2006. Nước này cũng được xếp hạng là quốc gia an toàn nhất thế giới năm 2007 theo một cuộc khảo sát của Global Peace Index.

1 Tên gọi

Tên gọi của Na Uy trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung. Trong tiếng Anh quốc gia này được gọi là “Norway”. Bằng tiếng Trung, “Nor-way” được phiên âm thành Nuó wēi, âm Hán Việt là “Na Uy”.
Nhiều nhà từ nguyên học tin rằng quốc hiệu Na Uy (Bokmål: Norge; Nynorsk: Noreg) bắt nguồn từ các Ngôn ngữ Bắc German và nó có nghĩa là “con đường dẫn về hướng bắc”, trong tiếng Bắc Âu cổ sẽ là nor veg hay *norð vegr. Tên gọi của Na Uy trong tiếng Bắc Âu cổ và Nynorsk khá giống với từ trong tiếng Sami cổ có nghĩa “dọc theo bờ biển” hay “dọc biển” - được nhận diện trong từ nuorrek hiện tại ở tiếng Sami Lule. Sự hiện diện của dấu prosecutive case cổ (thỉnh thoảng cũng được gọi là prolative trong nghiên cứu ngôn ngữ Finno-Ugria) ủng hộ suy luận rằng từ Sami là bản xứ và không phải đã được vay mượn từ các ngôn ngữ Bắc Germanic.
Trong các ngôn ngữ bản xứ khác của Na Uy, cái tên lần lượt là: Sami Lule: Vuodna; Nam Sami: Nøørje; Tiếng Phần Lan/Kven: Norja. Tên chính thức là: tiếng Na Uy: Kongeriket Norge (bokmål), Kongeriket Noreg (nynorsk); Sami Lule: Vuona gånågisrijkka; Nam Sami: Nøørjen gånkarijhke; Tiếng Phần Lan/tiếng Kven: Norjan kuningaskunta.

2 Lịch sử

Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy con người đã có mặt tại Na Uy ngay từ Thiên niên kỷ thứ 10 trước Công Nguyên (12.000 năm trước). Nghiên cứu khảo cổ cho thấy họ hoặc tới từ những vùng phía nam (bắc Đức), hay đông bắc (bắc Phần Lan hay Nga). Từ đó họ định cư dọc bờ biển.
Ở thế kỷ thứ IX, dường như Na Uy gồm một số vương quốc nhỏ. Theo truyền thống, Harald Fairhair đã tập hợp các tiểu quốc nhỏ thành một vào năm 872 của Công Nguyên sau Trận Hafrsfjord. Ông trở thành vị vua đầu tiên của nước Na Uy thống nhất.
Thời kỳ Viking (thế kỷ thứ VIII tới thế kỷ XI) là một trong những giai đoạn thống nhất và mở rộng. Người Na Uy đã lập các khu định cư tại Iceland, Quần đảo Faroe, Greenland và nhiều phần của Anh Quốc và Ireland và tìm cách định cư tại L’Anse aux Meadows ở Newfoundland, Canada (“Vinland” của sử thi của Erik Thorvaldsson). Người Na Uy đã thành lập các thành phố Limerick, Dublin, và Waterford của Ireland và thành lập các cộng đồng thương mại gần các khu định cư Celtic của Cork và Dublin sau này trở thành hai thành phố quan trọng nhất của Ireland. Sự lan tràn của Thiên chúa giáo ở Na Uy trong giai đoạn này phần lớn nhờ các vị vua truyền giáo Olav Tryggvasson (995-1000) và St. Olav (1015-1028), dù Haakon the Good là vị vua Thiên chúa giáo đầu tiên của Na Uy. Các truyền thống Norse đã dần thay thế trong các thế kỷ thứ IX và thứ X.
Năm 1349, nạn dịch Tử thần Đen đã giết hại khoảng 40% tới 50% dân số Na Uy, khiến nước này suy sụp cả về xã hội và kinh tế. Trong cuộc suy thoái này, có lẽ Triều đại Fairhair đã kết thúc năm 1387. Bề ngoài có vẻ chính trị hoàng gia ở thời điểm ấy đã dẫn tới nhiều hiệp đoàn cá nhân giữa các quốc gia Bắc Âu, cuối cùng dẫn tới việc ngôi vua của Na Uy, Đan Mạch, và Thuỵ Điển rơi vào tay Nữ hoàng Margrethe I của Đan Mạch khi nước này gia nhập Liên minh Kalmar với Đan Mạch và Thuỵ Điển. Dù Thuỵ Điển cuối cùng đã rút lui khỏi liên minh năm 1523, Na Uy tiếp tục ở lại với Đan Mạch trong 434 năm cho tới năm 1814. Trong chủ nghĩa lãng mạn quốc gia ở thế kỷ XIX, giai đoạn được một số người gọi là “Đêm trường 400 Năm”, bởi tất cả hoàng gia, giới học giả và quyền lực hành chính ở các vương quốc được tập trung tại Copenhagen, Đan Mạch. Các yếu tố khác cũng góp phần vào sự suy sụp của Na Uy trong giai đoạn này. Với sự xuất hiện của Đạo Tin Lành năm 1537, Tổng giám mục tại Trondheim bị giải tán, và các nguồn thu của nhà thờ được phân chia cho triều đình ở Copenhagen tại Đan Mạch. Na Uy mất nguồn hành hương ổn định tới thánh tích của St. Olav tại hầm mộ Nidaros, và cùng với đó, là đa phần nguồn liên hệ với đời sống văn hoá và kinh tế với phần còn lại của châu Âu. Ngoài ra, trong thế kỷ XVII Na Uy cũng bị mất một phần diện tích lãnh thổ khi mất các tỉnh Båhuslen, Jemtland, và Herjedalen cho Thuỵ Điển, sau những cuộc chiến tranh giữa Đan Mạch-Na Uy và Thuỵ Điển.
Sau khi Đan Mạch-Na Uy bị Anh Quốc tấn công, họ tham gia vào liên minh với Napoleon, và vào năm 1814 thấy mình đang ở bên thua cuộc trong Các cuộc chiến tranh của Napoléon và trong tình thế nguy ngập với nạn đói năm 1812. Vị vua Oldenburg của Đan Mạch Na Uy buộc phải nhường Na Uy cho Thuỵ Điển, trong khi các tỉnh cũ của Na Uy là Iceland, Greenland và Quần đảo Faroe vẫn tiếp tục thuộc về triều đình Đan Mạch. Na Uy lợi dụng cơ hội này để tuyên bố độc lập, chấp nhận một hiến pháp dựa trên mô hình hiến pháp Mỹ và Pháp, và bầu vị thái tử người Đan Mạch Christian Fredrik lên làm vua ngày 17 tháng 5 năm 1814. Tuy nhiên, quân đội Thuỵ Điển đã buộc Na Uy phải gia nhập một liên minh cá nhân với Thuỵ Điển, lập ra triều đại Bernadotte nắm quyền cai trị Na Uy. Theo thoả thuận này, Na Uy giữ hiến pháp tự do và các định chế độc lập của mình, ngoại trừ quan hệ đối ngoại. Xem thêm Na Uy năm 1814.
Giai đoạn này cũng chứng kiến sự nổi lên của phong trào văn hoá Chủ nghĩa quốc gia lãng mạn Na Uy, khi người Na Uy tìm cách định nghĩa và thể hiện một bản sắc quốc gia riêng biệt. Phong trào này liên quan tới mọi nhánh văn hoá, gồm cả văn học (Henrik Wergeland, Bjørnstjerne Bjørnson, Peter Christen Asbjørnsen, Jørgen Moe, Henrik Ibsen), hội họa (Hans Gude, Adolph Tidemand), âm nhạc (Edvard Grieg), và thậm chí trong cả chính sách ngôn ngữ, những nỗ lực nhằm xác định một ngôn ngữ viết bản xứ cho Na Uy đã dẫn tới các hình thức ngôn ngữ viết chính thức hiện nay cho Tiếng Na Uy: Bokmål và Nynorsk.
Christian Michelsen, một ông trùm ngành tàu bè và là một chính khách, đã làm Thủ tướng Na Uy từ năm 1905 tới năm 1907. Michelsen giữ vai trò quan trọng trong cuộc ly khai hoà bình của Na Uy với Thuỵ Điển ngày 7 tháng 7 năm 1905. Sự bất mãn ngày càng tăng của Na Uy về liên minh với Thuỵ Điển hồi cuối thế kỷ XIX cộng với chủ nghĩa quốc gia đã thúc đẩy nhanh sự tan rã của liên minh. Sau một cuộc trưng cầu dân ý xác định sự ưa chuộng của người dân với chế độ quân chủ hơn một nền cộng hoà, chính phủ Na Uy đã đề xuất trao ngôi báu Na Uy cho Hoàng tử Đan Mạch Carl và Nghị viện đã nhất trí bầu ông. Ông lấy tên Haakon VII, theo các vị vua khi Na Uy độc lập thời Trung Cổ. Năm 1898, tất cả mọi nam giới đều được trao quyền bầu cử, sau đó phụ nữ năm 1913.
Trong Thế Chiến I, Na Uy là một nước trung lập. Na Uy cũng tìm cách tuyên bố trung lập trong Thế Chiến II, nhưng đã bị các lực lượng Đức xâm lược Na Uy ngày 9 tháng 4 năm 1940. Na Uy không hề chuẩn bị trước cho một cuộc tấn công bất ngờ như vậy của Đức, nhưng các cuộc kháng cự quân sự vẫn diễn ra trong hai tháng, lâu hơn bất kỳ một quốc gia nào khác bị người Đức xâm lược, ngoại trừ Liên bang Xô viết. Trong Chiến dịch Na Uy, Kriegsmarine mất nhiều tàu chiến kể cả chiếc tuần dương hạm Blücher. Những trận chiến Vinjesvingen và Hegra đã trở thành những cứ điểm kháng cự cuối cùng của người Na Uy ở phía nam nước này vào tháng 5, trong khi các lực lượng vũ trang ở phía bắc tung ra các cuộc tấn công vào các lực lượng Đức trong Các trận đánh Narvik, cho tới khi họ buộc phải đầu hàng ngày 10 tháng 6 sau khi mất sự hỗ trợ của Đồng Minh đi cùng sự thất trận của nước Pháp. Vua Haakon và chính phủ Na Uy tiếp tục cuộc chiến trong hoàn cảnh tị nạn tại Rotherhithe, Luân Đôn. Vào ngày cuộc xâm lược diễn ra, vị đồng lãnh đạo của Đảng Quốc gia-Xã hội nhỏ Nasjonal Samling - Vidkun Quisling - đã tìm cách lên nắm quyền lực, nhưng đã bị quân chiếm đóng Đức gạt ra rìa. Quyền lực thực sự nằm trong tay chính quyền chiếm đóng Đức, Reichskommissar Josef Terboven. Quisling, với tư cách bộ trưởng tổng thống, sau này đã thành lập một chính phủ liên minh dưới sự quản lý của Đức. Các cơ sở tại Na Uy đã chế tạo nước nặng, một nguyên liệu chủ chốt chế tạo vũ khí hạt nhân, và cuối cùng đã bị người Đức bỏ lại sau nhiều nỗ lực phá huỷ cơ sở Vemork của người Na Uy, người Anh và người Mỹ. Trong những năm chiếm đóng của Phát xít, người Na Uy đã xây dựng một phong trào kháng chiến mạnh chống lại các lực lượng chiếm đóng Đức bằng cả chiến tranh vũ trang và bất tuân dân sự. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn với Đồng Minh, là vai trò của hải quân thương mại Na Uy. Ở thời điểm xảy ra cuộc xâm lược, Na Uy có hạm đội tàu biển thương mại đứng hàng thứ tư thế giới (cũng như có tốc độ nhanh nhất và hiệu quả nhất). Công ty tàu biển Na Uy Nortraship đã nằm dưới sự điều khiển của Đồng Minh trong suốt cuộc chiến và tham gia vào mọi chiến dịch từ việc sơ tán Dunkirk tới cuộc đổ bộ vào Normandy.
Sau cuộc chiến, những thành viên đảng Dân chủ Xã hội lên nắm quyền và lãnh đạo quốc gia trong hầu hết thời gian cuộc chiến tranh lạnh. Na Uy đã gia nhập NATO năm 1949, và trở thành một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Hai cuộc trưng cầu dân ý nhằm gia nhập Liên minh châu Âu (được gọi là Cộng đồng châu Âu năm 1972) đã thất bại với tỷ số mong manh năm 1972 và 1994. Những nguồn dự trữ dầu mỏ và khí gas lớn đã được khám phá trong thập niên 1960, dẫn tới sự bùng nổ kinh tế sau đó.

3 Địa lý, Khí hậu và Môi trường

Na Uy gồm phần phía tây của Scandinavie ở Bắc Âu. Bờ biển lởm chởm, bị chia cắt bởi nhiều vịnh hẹp (fjord) và khoảng 50.000 hòn đảo, trải dài hơn 2.500 km. Na Uy có 2.542 km đường biên giới trên bộ chung với Thuỵ Điển, Phần Lan, và Nga ở phía đông. Từ phía tây tới phía nam, Na Uy giáp với Biển Na Uy, Biển Bắc, và Skagerak. Biển Barents nằm ở các bờ biển phía bắc Na Uy..
Với diện tích 385.155 km² (gồm cả Jan Mayen, Svalbard), Na Uy hơi lớn hơn Đức, nhưng đa phần lãnh thổ là núi non hay vùng đất cao, với sự đa dạng lớn về địa hình tự nhiên do các dòng sông băng thời tiền sử gây nên. Đặc điểm đáng chú ý nhất là các vịnh hẹp: Những rãnh sâu cắt vào đất liền của biển sau sự chấm dứt của Thời kỳ băng hà, vịnh dài nhất là Sognefjorden. Na Uy cũng có nhiều sông băng và thác nước.
Đất đai chủ yếu gồm đá granite cứng và đá gneiss nhưng, đá acđoa, sa thạc và đá vôi cũng thường thấy, và ở những khu vực có độ cao thấp nhất thường có trầm tích biển. Vì Gulf Stream những cơn gió tây, Na Uy có nhiệt độ ấm và lượng mưa lớn hơn ở các vùng có vĩ độ bắc như vậy, đặc biệt dọc theo bờ biển. Lục địa có bốn mùa riêng biệt, với mùa đông lạnh và ít mưa hơn trong đất liền. Vùng cực bắc chủ yếu có khí hậu cận Bắc Cực biển, trong khi Svalbard có khí hậu tundra Bắc Cực.
Có sự khác biệt theo mùa lớn trong ngày. Tại các vùng phía bắc Vòng Bắc Cực, mặt trời mùa hè có thể không bao giờ xuống dưới đường chân trời, vì thế Na Uy được miêu tả là “Vùng đất của Mặt trời lúc nửa đêm.” Trong mùa hè, người dân ở phía nam Vòng Bắc Cực có ánh sáng mặt trời trong vòng gần 20 giờ trong ngày.

3.1 Các thành phố chính

Oslo là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Na Uy hiện nay. Nằm ở phía Đông Nam Na Uy, Oslo trải dài trên nhiều triền núi và quanh các hồ. Đây cũng là một trong những thành phố có giá cả sinh hoạt đắt nhất thế giới.
Thành phố lớn thứ hai của Na Uy là Bergen. Đây là cảng biển lớn nhất vương quốc Na Uy và cũng là trung tâm công nghiệp dầu khí quan trọng hàng đầu quốc gia này.
Trondheim là thành phố lớn thứ ba và là cố đô của Na Uy. Thành phố này từng là kinh đô cả về mặt chính trị, kinh tế lẫn tôn giáo của xứ sở nghìn vịnh này. Hiện nay, Trondheim còn được biết đến là trung tâm giáo dục, khoa học kỹ thuật của Na Uy với rất nhiều trường đại học đóng tại đây. Thành phố Trondheim còn là nơi tổ chức Festival Sinh viên Quốc tế lớn nhất thế giới, cứ hai năm lại được tổ chức một lần. Lần gần nhất là tháng 2 năm 2007.

4 Chính trị

Vương quốc Na Uy là một quốc gia quân chủ lập hiến với một chính phủ theo hệ thống nghị viện. Gia đình Hoàng gia là một nhánh của gia đình hoàng gia Glücksburg, có nguồn gốc từ Schleswig-Holstein ở Đức. Vai trò của nhà Vua, Harald V, chỉ mang tính nghi lễ, nhưng ông có ảnh hưởng như một biểu tượng của sự thống nhất quốc gia. Dù hiến pháp năm 1814 trao cho nhà vua nhiều quyền hành pháp quan trọng, chúng luôna được Hội đồng nhà nước thực hiện dưới danh nghĩa của nhà vua (Hội đồng hay nội các của nhà vua). Những quyền lực được hiến pháp trao cho nhà Vua chỉ là trên danh nghĩa, nhưng trong một số trường hợp có thể là rất quan trọng như trường hợp trong Thế Chiến II, khi nhà Vua tuyên bố sẽ thoái vị nếu chính phủ chấp nhận đề nghị của đức. Hội đồng Nhà nước gồm một Thủ tướng và các bộ trưởng, được chỉ định chính thức bởi đức vua. Chế độ đại nghị đã xuất hiện từ năm 1884 và đòi hỏi rằng nội các không bị sự phản đối của nghị viện, và rằng sự chỉ định của nhà vua chỉ là một thủ tục khi rõ ràng có một đa số trong nghị viện thuộc một đảng hay một liên minh. Nhưng trong trường hợp cuộc bầu cử không có sự chênh lệch rõ rệt của một đảng hay một liên minh, lãnh đạo của đảng thích hợp nhất cho việc thành lập một chính phủ sẽ là vị Thủ tướng được nhà Vua chỉ định. Na Uy từng có nhiều lần có chính phủ thiểu số. Nhà Vua họp với chính phủ vào mỗi thứ sáu tại Hoàng cung (Hội đồng Nhà nước), nhưng các quyết định của chính phủ đã được đưa ra trước đó trong những cuộc họp chính phủ, do thủ tướng lãnh đạo, vào mỗi thứ ba và thứ năm. Nhà vua khai mạc nghị viện vào mỗi tháng 9, ông tiếp nhận các đại sứ tới triều đình Na Uy, và ông là Tư lệnh tối cao danh nghĩa của Lực lượng Phòng vệ Na Uy và là Người đứng đầu Nhà thờ Na Uy.
Nghị viện Na Uy, Stortinget, hiện có 169 thành viên (đã tăng từ 165, bắt đầu từ cuộc bầu cử ngày 12 tháng 9 năm 2005). Các thành viên được bầu ra từ mười chín hạt với nhiệm kỳ bốn năm theo hệ thống đại diện tỷ lệ. Khi bỏ phiếu về vấn đề lập pháp, Storting - cho tới cuộc bầu cử năm 2009 - tự chia làm hai viện Odelsting và Lagting. Trong đa số trường hợp luật được chính phủ đệ trình thông qua một Thành viên Hội đồng Nhà nước, hay trong một số trường hợp là một thành viên của Odelsting trong trường hợp có nhiều lần không đồng thuận trong Storting. Tuy nhiên, hiện nay Lagting hiếm khi có sự bất đồng, đặc biệt khi phê chuẩn các quyết định của Odelsting. Một sửa đổi hiến pháp ngày 20 tháng 2 năm 2007 sẽ bãi bỏ việc chia làm hai viện sau cuộc tổng tuyển cử năm 2009.
Những trường hợp buộc tội hiếm khi xảy ra (lần cuối cùng vào năm 1922, khi Thủ tướng Abraham Berge được tuyên bố trắng án) và có thể được đưa ra chống lại các Thành viên của Hội đồng Nhà nước, của Toà án Tối cao (Høyesterett), hay Storting về những vi phạm họ có thể đã làm trong khả năng chính thức.
Trước một sửa đổi của Hiến pháp Na Uy ngày 20 tháng 2 năm 2007 các truy tố được Odelsting đưa ra và được Lagting và các thẩm phán Toà án tối cao, như một phần của Toà án Tối cao Vương quốc, xét xử. Trong hệ thống mới các trường hợp truy tố sẽ được năm thẩm phán cấp cao nhất của Toà án Tối cao và sáu thành viên không chuyên môn khác xem xét trong một trong các phòng xét xử của Toà án Tối cao (trước kia các trường hợp được xem xét trong phòng Lagting). Các đại diện của Storting không thể là các thẩm phán không chuyên môn. Các truy tố sẽ được Storting đưa ra trong một phiên họp toàn thể. Các đảng phái chính ở Na Uy bao gồm: đảng Lao động, đảng Bảo thủ, đảng Trung tâm, đảng XHCN cánh tả, đảng Nhân dân Thiên chúa giáo, đảng Cộng sản, đảng Tiến bộ, đảng Tự do,... Mặt khác Storting hoạt động như một nghị viện đơn viện và sau cuộc tổng tuyển cử năm 2009 việc phân chia thành Odelsting và Lagting để thông qua luật pháp sẽ bị huỷ bỏ. Lập pháp khi ấy sẽ phải tra qua hai - ba trong trường hợp bất đồng - phiên họp phê chuẩn trước khi được thông qua và gửi tới nhà Vua để chuẩn y.
Tư pháp gồm Toà án Tối cao (mười tám thẩm phán thường trực và một Chánh án tối cao), các toà phúc thẩm, các toà cấp thành phố và quận, và các hội đồng hoà giải. Các thẩm phán thuộc các toà chính quy và được Vua hội đồng chỉ định.
Để thành lập một chính phủ, hơn một nửa thành viên của Hội đồng Nhà nước phải thuộc Nhà thờ Na Uy. Hiện tại, điều này có nghĩa ít nhất mười trong số mười chín thành viên.
Vào tháng 12 mỗi năm, Na Uy tặng một cây thông Noel cho Anh Quốc, để cảm ơn sự hỗ trợ của nước này trong Thế Chiến II. Một buổi lễ dựng cây diễn ra tại Quảng trường Trafalgar.
Trong bản báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2007 của mình Phóng viên Không Biên giới xếp hạng Na Uy ở vị trí đầu tiên (cùng với Ireland) trong số 169 quốc gia.
Na Uy là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, NATO, và Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển.

4.1 Cơ quan lập pháp và hành pháp

Trước đây, Quốc hội Na Uy (Storting) gồm 2 viện: Lagting (tương đương Thượng viện) và Odelsting (tương đương Hạ viện). Kể từ năm 2009, Quốc hội Na Uy bỏ việc phân chia Quốc hội thành Thương viện và Hạ viện và theo chế độ một viện (unicameral) với 169 nghị sĩ, nhiệm kỳ 4 năm.
Chế độ bầu cử của Na Uy dựa trên nguyên tắc bỏ phiếu kín, bầu trực tiếp và theo tỷ lệ. Cả nước có 19 đơn vị bầu cử. Những người chưa có quốc tịch Na Uy thì được quyền tham gia bầu cử ở địa phương, nếu đến ngày bầu cử họ đã sống liên tục ở Na Uy được 3 năm và đáp ứng các điều kiện chung về bầu cử. Quốc hội hiện nay (nhiệm kỳ 2009- 2012) có 169 ghế, trong đó Công Đảng chiếm đa số (64 ghế tương đương 35,4%).
Chính phủ hiện nay là chính phủ đa số liên minh cánh tả (liên minh xanh - đỏ) gồm 3 đảng: Công đảng, Đảng Xã hội chủ nghĩa cánh tả (XHCN), Đảng Trung tâm do ông Jens Stoltenberg (chủ tịch Công đảng) đứng đầu. Chính phủ hiện có 17 Bộ (không bao gồm Văn phòng Thủ tướng).

5 Quan hệ ngoại giao

5.1 Về đối ngoại

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Na Uy điều chỉnh chính sách đối ngoại từ “trung lập hạn chế” sang liên minh quân sự và gia nhập NATO (1949) để có sự đảm bảo của Mỹ và Tây Âu cho an ninh và quốc phòng, vì Na Uy luôn luôn lo ngại ảnh hưởng của Nga. Na Uy tham gia lực lượng phản ứng nhanh của NATO ở Trung Đông, ủng hộ Mỹ trong hầu hết các vấn đề quốc tế. Cùng với các nước Bắc Âu khác, Na Uy chủ trương cải tổ Liên Hiệp Quốc, trong đó có Hội đồng bảo an nhằm đảm bảo dân chủ và quyền bình đẳng giữa các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Na Uy đang thực hiện kế hoạch điều chỉnh quan hệ đối ngoại, tập trung nguồn lực nhiều hơn trong quan hệ với các nước mới nổi (BRIC) gồm có Brasil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ nhằm tận dụng nguồn lực phát triển của các nước này.

5.2 Quan hệ với Liên minh châu Âu

Na Uy chủ trương gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ những năm 70 nhưng chưa được đa số người dân Na Uy ủng hộ. Na Uy vẫn tham gia vào các hoạt động của EU, tiếp tục đóng góp cho quỹ EEA để hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội ở EU. Tuy nhiên, phản đối của người dân Na Uy trong việc gia nhập EU ngày càng tăng (70%) và một số quy định của EU vẫn gặp khó khăn trong việc phê chuẩn ở Na Uy.

5.3 Với châu Á nói chung

Năm 1996, Quốc hội Na Uy thông qua “Chiến lược châu Á” nhằm tăng cường quan hệ chính trị và mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá lâu dài với các nước ở khu vực này. Hiện nay, Na Uy có quan hệ thương mại nhiều với Nhật Bản, Trung Quốc và ngày càng chú trọng đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

5.4 Vấn đề dân chủ, nhân quyền

Là một trong những ưu tiên hàng đầu của Na Uy hiện nay. Bộ Ngoại giao Na Uy chịu sức ép rất lớn từ Quốc hội Na Uy về vấn đề này, do đó, phía Na Uy đánh giá cao cơ chế đối thoại nhân quyền với các nước nói chung và với Việt Nam nói riêng.

6 Hạt và Khu vực đô thị

Na Uy là một quốc gia đơn nhất, được chia thành mười tám hạt hành chính cấp 1 (fylke). Các hạt được quản lý thông qua các hội đồng hạt và thống đốc hạt (được bầu trực tiếp bởi hội đồng hạt). Ngoài ra, Nhà vua và chính phủ có đại diện ở mọi hạt bởi một Fylkesmann, người hoạt động như một Thống đốc. Như vậy, Chính phủ trực tiếp đại diện ở cấp địa phương thông qua các văn phòng của Thống đốc hạt. Các hạt sau đó được chia thành 422 thành phố (cấp hai - kommuner), được quản lý bởi hội đồng thành phố, do một thị trưởng và một nội các điều hành nhỏ đứng đầu. Thủ đô của Oslo được coi là một hạt và một đô thị.
Na Uy có hai lãnh thổ hải ngoại: Jan Mayen và Svalbard. Có ba lãnh thổ phụ thuộc tại Nam Cực và Subantarctic: Đảo Bouvet, Đảo Peter I và Đất Nữ hoàng Maud. Trên hầu hết các bản đồ, có một khu vực không được thống nhất giữa Đất Nữ hoàng Maud và Cực Nam cho đến ngày 12 tháng 6 năm 2015, khi Na Uy chính thức sáp nhập khu vực đó.
Các hạt Na Uy gồm: Østfold, Akershus, Oslo, Hedmark, Oppland, Buskerud, Vestfold, Telemark, Aust-Agder, Vest-Agder, Rogaland, Hordaland, Sogn og Fjordane, Møre og Romsdal, Trøndelag, Nordland, Troms, Finnmark.

7 Kinh tế

Na Uy sở hữu mức GDP trên đầu người đứng thứ 30 và GDP (sức mua tương đương) trên đầu người đứng thứ tám thế giới, và luôn duy trì được vị trí số một thế giới trong bảng Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của UNDP trong năm năm liên tục (2006). Tuy nhiên, Iceland đã hơi vượt hơn Na Uy ở vị trí số một về chất lượng cuộc sống theo Chỉ số Phát triển Con người.
Chi phí cuộc sống tại Na Uy cao hơn ở Hoa Kỳ khoảng 30% và 25% so với Anh Quốc.
Kinh tế Na Uy là một ví dụ về nền kinh tế hỗn hợp, với đặc trưng là một sự phối hợp giữa hoạt động thị trường tự do và sự sở hữu lớn của nhà nước. Chính phủ kiểm soát các ngành chủ chốt, như lĩnh vực dầu mỏ (StatoilHydro) chiến lược, sản xuất năng lượng thuỷ điện Statkraft), chế tạo nhôm (Norsk Hydro), ngân hàng lớn nhất Na Uy (DnB NOR) và công ty cung cấp dịch vụ viễn thông (Telenor). Chính phủ kiểm soát 31.6% công ty niêm yết công chúng. Với các công ty chưa niêm yết thậm chí nhà nước còn sở hữu số vốn lớn hơn (chủ yếu là các giấy chứng nhận sở hữu dầu mỏ trực tiếp).
Các cơ cấu kiểm soát các nguồn tài nguyên dầu mỏ là sự phối hợp giữa sở hữu nhà nước với các công ty khai thác chính tại các giếng dầu Na Uy (StatoilHydro xấp xỉ 62% năm 2007) và sở hữu toàn bộ Petoro (giá trị thị trường khoảng gấp đôi Statoil) và SDFI. Cuối cùng chính phủ kiểm soát việc cấp giấy phép khai thác và sản xuất các giếng dầu.
Quốc gia này sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú gồm dầu mỏ, thuỷ năng, đánh cá, lâm nghiệp, và khoáng chất. Na Uy là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn cao nhất thế giới phần lớn bởi có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên so với quy mô dân số. Thu nhập từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên gồm cả một phần quan trọng từ dầu khí và các ngành công nghiệp liên quan cũng như việc quản lý tốt các nguồn thu từ lĩnh vực này. Na Uy luôn có tỷ lệ thất nghiệp thấp, hiện ở mức dưới 2% (tháng 6 năm 2007). Mức năng suất, cũng như mức lương trung bình trên giờ tại Na Uy thuộc hàng cao nhất thế giới. Các giá trị quân bình của xã hội Na Uy đảm bảo rằng sự cách biệt về lương giữa người công nhân có mức thu nhập thấp nhất và người quản lý cao cấp nhất ở công ty thấp hơn nhiều so với tại các nền kinh tế phương tây khác.
Năm 2006, dầu mỏ và gas chiếm 58% xuất khẩu. Chỉ Nga và Ả Rập Xê Út, một thành viên của OPEC, xuất khẩu nhiều dầu mỏ hơn Na Uy, vốn không phải là một thành viên OPEC. Để giảm bớt sự phát triển quá nóng từ nguồn thu dầu mỏ, sự không chắc chắn của giá dầu, và để tiết kiệm tiền cho một cộng đồng dân số đang già đi, chính phủ Na Uy bắt đầu từ năm 1995 đã để dành các khoản thu (thuế, cổ tức, giấy phép, bán hàng) trong một Quỹ tài sản quốc gia (“Quỹ trợ cấp chính phủ - Toàn cầu”). Đây cũng nhằm giảm bớt vòng bùng nổ và tan vỡ đi liền với việc sản xuất nguyên liệu thô và cách ly ngành công nghiệp phi dầu khí (xem thêm Bệnh dịch Hà Lan).
Vì kích cỡ của nó nguồn vốn đã được đầu tư vào các thị trường tài chính phát triển bên ngoài Na Uy. Quy định ngân sách (“Handlingsregelen”) là chi tiêu không quá 4% quỹ mỗi năm (được cho là khoản thu trung bình hàng năm). Tới tháng 1 năm 2006, quỹ có giá trị 200 tỷ dollar Mỹ, chiếm 70% GDP Na Uy. Trong nửa đầu năm 2007, quỹ hưu trí đã trở thành lớn nhất ở châu Âu, tổng cộng khoảng 300 tỷ dollar, tương đương hơn 62.000 dollar trên đầu người. Ở thời điểm tháng 4 năm 2007, Na Uy có mức dự trữ trên đầu người cao hơn tất cả các nước. Những con số cho thấy quỹ hưu trí của Na Uy sẽ trở thành quỹ tư bản lớn nhất thế giới. Những con số ước tính thận trọng cho rằng quỹ có thể đạt mức 800-900 tỷ dollar Mỹ vào năm 2017. Các nền kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên khác (ví dụ: Nga và Chile) đang tìm cách học tập Na Uy khi thành lập các quỹ tương tự.
Kích thước tương lai của quỹ tất nhiên liên quan mật thiết tới giá dầu và những sự phát triển trên các thị trường tài chính thế giới, nơi quỹ đầu tư.
Những cuộc trưng cầu dân ý năm 1972 và 1994 cho thấy người dân Na Uy muốn ở bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Na Uy cùng với Iceland và Liechtenstein, tham gia vào thị trường chung Liên minh châu Âu thông qua thoả thuận Vùng Kinh tế châu Âu (EEA). Hiệp ước EEA giữa các quốc gia Liên minh châu Âu và các quốc gia EFTA - đã được đưa vào luật pháp Na Uy thông qua “EØS-loven” - miêu tả quá trình áp dụng các quy định của Liên minh châu Âu tại Na Uy và các quốc gia EFTA. Điều này khiến Na Uy trở thành một thành viên tham gia sâu vào đa số các lĩnh vực của thị trường nội bộ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, như nông nghiệp, dầu khí và đánh cá, không hoàn toàn phải tuân thủ Hiệp ước EEA. Na Uy cũng tham gia vào Thoả thuận Schengen và nhiều thoả thuận liên chính phủ khác giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.
Năm 2000, chính phủ bán một phần ba của công ty khi ấy đang là công ty sở hữu quốc gia 100% trong một đợt IPO. Năm sau đó, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chính, Telenor, đã được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán Oslo. Nhà nước cũng sở hữu phần quan trọng trong ngân hàng lớn nhất Na Uy, DnB NOR và hãng hàng không SAS. Từ năm 2000, tăng trưởng kinh tế đã có bước phát triển nhanh, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp tới mức thấp nhất kể từ đầu thập niên 1980.
Đồng tiền tệ quốc gia là Krone Na Uy.

8 Nhân khẩu

Tới năm 2007, dân số Na Uy gồm 4.7 triệu người. Đa số người Na Uy thuộc sắc tộc Na Uy, một nhóm người Germanic Bắc. Người bản xứ người Sami theo truyền thống sống ở các vùng trung tâm và phía bắc Na Uy và Thuỵ Điển cũng như vùng bắc Phần Lan và tại Nga trên Bán đảo Kola. Một cộng đồng thiểu số quốc gia khác là người Kven có nguồn gốc từ những người nói tiếng Phần Lan đã tới miền bắc Na Uy ở thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Cả người Sami và người Kven đều là đối tượng của một chính sách đồng hoá mạnh của chính phủ Na Uy từ thế kỷ XIX cho tới những năm 1970. Vì “quá trình Na Uy hoá” này, nhiều gia đình Sami và Kven hiện tự xác định mình thuộc sắc tộc Na Uy thậm chí họ không có nguồn gốc Germanic thuần chủng. Điều này, cộng với một lịch sử chung sống dài lâu của người Sami và những người Bắc Germanic trên bán đảo Scandinave, khiến những tuyên bố về sắc tộc của dân cư ít phức tạp hơn mong đợi - đặc biệt ở vùng trung và bắc Na Uy. Các nhóm khác tự nhận là thiểu số quốc gia Na Uy gồm người Do Thái, Forest Finns, Roma/Gypsies và người Rumani/Travellers.
Trong những năm gần đây, nhập cư chiếm hơn một nửa tăng trưởng dân số Na Uy. Năm 2006, cơ quan Thống kê Na Uy (SSB) cho biết 45.800 người đã nhập cư vào nước này - cao hơn năm 2005 30%. Đầu năm 2007, có 415.000 người Na Uy có nguồn gốc nhập cư (ví dụ người nhập cư, hay có cha mẹ là người nhập cư), chiếm 8.9% tổng dân số. 310.000 người trong số đó không phải là người phương Tây, gồm các nước cộng sản cũ theo định nghĩa do cơ quan Thống kê Na Uy sử dụng. Các nhóm nhập cư lớn nhất theo nguồn gốc, kích cỡ, là Pakistan, Thuỵ Điển, Iraq, Maroc, Đan Mạch, Nga, Ba Lan và người Việt Nam. Số dân nhập cư từ Iraq đã tăng mạnh trong những năm gần đây, và hiện là nhóm đứng thứ ba sau người Pakistan và người Thuỵ Điển. Những năm gần đây làn sóng người nhập cư từ Trung và Đông Âu cũng tăng mạnh và người Ba Lan được dự đoán sẽ trở thành nhóm nhập cư lớn nhất nếu khuynh hướng này tiếp diễn.
Có 285.000 người nhập cư hợp pháp không có nguồn gốc phương Tây tại Na Uy ở thời điểm tháng 1 năm 2006, phổ biến nhất là Pakistan, tiếp theo là Iraq, Việt Nam và Maroc. Oslo có số dân nhập cư không phải gốc phương Tây lớn nhất với khoảng 99.000, hay 18% dân số. Số dân nhập cư tăng mạnh nhất năm 2006 có nguồn gốc từ Ba Lan, Nga, Đức, Iraq, Thuỵ Điển và Litva. Oslo cũng là thành phố có đa dạng nhất ở Na Uy về người nhập cư và con cháu họ với khoảng một phần tư dân số.

8.1 Tôn giáo

Tương tự như các quốc gia vùng Scandinavie khác, người Na Uy theo một hình thức ngoại giáo Germanic được gọi là ngoại giáo Na Uy. Tới cuối thế kỷ XI, khi Na Uy đã Ki-tô hoá, việc theo và thực hiện các nghi thức tôn giáo Na Uy bị cấm. Tuy nhiên, các đạo luật chống ngoại giáo đã bị dỡ bỏ hồi đầu thế kỷ XX. Nhiều tàn dư của tôn giáo bản xứ và các đức tin Na Uy vẫn còn tồn tại ngày nay, gồm những cái tên, những cái tên liên quan tới các thành phố và địa điểm, những ngày trong tuần, và nhiều phần khác trong ngôn ngữ hàng ngày.
Nhiều người trong cộng đồng thiểu số Sami vẫn giữ tôn giáo shamanistic của họ tới tận thế kỷ XVIII khi họ cải theo Thiên chúa giáo bởi các nhà truyền giáo Đan Mạch-Na Uy.
Theo thống kê hiện nay các tôn giáo ở Na Uy phân ra như sau: Kháng Cách dòng Giáo hội Luther 85.7%, Chính Thống giáo 1%, Công giáo Rôma 1%, Cơ đốc giáo khác 2.4%, Hồi giáo 1.8%, tôn giáo khác 8.1%.
Trong số các tôn giáo không phải Kitô giáo, đạo Hồi là lớn nhất, chiếm khoảng 1.5% tổng dân số: Chủ yếu đạo này là thuộc các cộng đồng người Somalia, Ả Rập, người Albani, người Pakistan và người Thổ Nhĩ Kỳ. Các tôn giáo khác với chưa tới 1% dân số gồm Đạo Do Thái (xem Người Do Thái ở Na Uy), Nhà thờ Jesus Christ của các vị thánh ngày cuối, và Jehovah’s Witnesses. Những người nhập cư từ Ấn Độ đã đưa Hindu giáo tới Na Uy, nhưng chỉ chiếm 0.50% dân số. Phật giáo ở Na Uy có 11 tổ chức, được thống nhất dưới tổ chức Hội Phật giáo Na Uy, với trên dưới 10.000 Phật tử, chiếm 0.42% dân số. Khoảng 1.5% người Na Uy tham gia Hiệp hội Nhân văn Na Uy. Khoảng 5% dân số không theo đạo nào.

8.2 Các ngôn ngữ

Ngôn ngữ Na Uy Bắc Germanic có hai hình thức viết chính thức, Bokmål và Nynorsk. Chúng được sử dụng chính thức như nhau, ví dụ chúng đều được dùng trong hành chính công cộng, trong các trường học, nhà thờ, đài và vô tuyến, nhưng Bokmål được đại đa số người sử dụng, khoảng 85-90%. Khoảng 95% dân số sử dụng tiếng Na Uy như tiếng mẹ đẻ, dù nhiều người nói các thổ ngữ có thể khác biệt rất nhiều so với ngôn ngữ viết. Nói chung các thổ ngữ Na Uy có thể hiểu lẫn nhau, dù một số thổ ngữ có thể đòi hỏi một số cố gắng. Nhiều ngôn ngữ Sami Finno-Ugric được nói và viết trên khắp đất nước, đặc biệt ở phía bắc, bởi người Sami. Nhà nước công nhận những ngôn ngữ đó là ngôn ngữ chính thức và những người sử dụng chúng có quyền được nhận giáo dục bằng ngôn ngữ Sami không cần biết nơi sinh sống, và nhận được thông tin từ chính phủ bằng nhiều ngôn ngữ Sami. Cộng đồng thiểu số Kven nói tiếng Phần Lan/ngôn ngữ Kven Finno-Ugric.
Các ngoại ngữ chính (primærfremmedspråk) được dạy tại Na Uy là tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp. Mọi người có thể liên hệ với chính quyền hay trải qua các kỳ thi bằng bất kỳ ngôn ngữ nào trong ba ngôn ngữ chính trên cũng như hai ngôn ngữ Bắc Germanic (tiếng Đan Mạch và tiếng Thuỵ Điển).
Bất kỳ học sinh Na Uy nào có cha mẹ là người nhập cư đều được khuyến khích học tiếng Na Uy. Chính phủ Na Uy cung cấp các khoá học tiếng cho người nhập cư muốn có được quyền công dân Na Uy.
Tiếng Na Uy rất giống với các ngôn ngữ Bắc Germanic khác, tiếng Thuỵ Điển và tiếng Đan Mạch. Cả ba ngôn ngữ đều có thể hiểu được lẫn nhau và có thể, nói chung, được sử dụng trong giao tiếp giữa người dân các nước vùng Scandinavie.

9 Nhân quyền

Na Uy hiện là nước được xếp hạng cao thứ hai thế giới về Chỉ số Phát triển Con người Liên hiệp quốc, một chỉ số được đưa ra dựa trên tỷ lệ người biết chữ, mức độ giáo dục và thu nhập trên đầu người, dù nước này từng xếp thứ nhất trên danh sách trong sáu năm từ 2001 tới 2006.
Quyền Tự do tư tưởng đã được quy định ở Điều 100 trong Hiến pháp Na Uy. Tự do tôn giáo được ghi trong Điều 2 Hiến pháp, điều này cũng quy định quốc giáo là “Phúc âm Luther”. Báo chí không bị kiểm duyệt. Các tổng biên tập tự mình phải thận trọng, nhằm bảo vệ bí mật cá nhân của mọi người và các quyền dân sự khác.(Vær Varsom-plakaten- Wikipedia Na Uy, xem bản dịch sang tiếng Anh).
Đài phát thanh và truyền hình công cộng không bị sự can thiệp của chính phủ, dù giấy phép truyền thanh, truyền hình phụ thuộc vào tính chất của chương trình. Phát sóng quảng cáo bị quản lý, với một số giới hạn đặc biệt về các thông tin quảng cáo chính trị có trả tiền và quảng cáo trực tiếp tới trẻ em.
Hiến pháp cấm các luật có hiệu lực trong quá khứ, việc trừng phạt dựa trên các luật và các quyết định toà án, và việc sử dụng tra tấn. Tử hình với các tội nặng trong thời gian chiến tranh đã bị huỷ bỏ năm 1979.
Năm 1999, các thoả ước Nhân quyền của Liên hiệp quốc và Hội đồng châu Âu đã được đưa thành luật pháp ở Na Uy (menneskerettsloven) và chúng có quy chế ưu tiên chỉ sau hiến pháp. Tuy nhiên, các luật sư Na Uy đã gia nhập Uỷ ban chống Tra tấn của Hội đồng châu Âu nhằm thể hiện sự lo ngại của mình với sự giam giữ lâu ngày với những người bị kiện tụng và việc sử dụng hình phạt biệt giam ở Na Uy, coi nó là hình thức tra tấn. Thời gian xử lý đơn xin nhập cư dài cũng như việc xử lý những người định cư bất hợp pháp cũng đang bị tranh cãi.
Năm 2005, các thoả ước quốc tế chống phân biệt nam nữ và dòng giống đã được đưa vào (nhưng không vượt hơn) luật pháp Na Uy. Tổ chức Ân xá Quốc tế gần đây đã chú ý tới tình trạng bạo lực chống phụ nữ ở Na Uy và sự thiếu hụt dịch vụ chăm sóc các nạn nhân bạo lực.
Na Uy có chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nam giới. Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt đầu ở tuổi 18 cho lần phục vụ đầu tiên (førstegangstjeneste) trong thời gian sáu tới mười hai tháng (việc này có thể bắt đầu từ tuổi 17 theo sở thích cá nhân). Sau khi hoàn thành giai đoạn nghĩa vụ quân sự đầu tiên, các quân nhân được chuyển sang các đơn vị phục vụ, và có thể được triệu tập cho các đợt huấn luyện theo giai đoạn (repetisjonstjeneste) cho tới tuổi 44. Những người từ chối nghĩa vụ quân sự sẽ phải phục vụ mười hai tháng cho một hoạt động dịch vụ dân sự quốc gia. Nếu người đó từ chối thực hiện hoạt động này (sesjon), theo đó bất kỳ sự từ chối nào với nghĩa vụ quân sự tương lai được đề cập tới, anh ta có thể bị truy tố. Một người dường như thích hợp để thực hiện nghĩa vụ và không phải là một người từ chối thực hiện nghĩa vụ, nhưng vẫn từ chối thực hiện hoạt động quân sự cũng có thể bị truy tố. Những thay đổi trong cơ cấu các lực lượng vũ trang đã dẫn tới nhu cầu về nghĩa vụ quân sự bắt buộc giảm đi, và số nam giới cần thiết cũng đang sụt giảm.
Đồng tính đã chính thức bị loại bỏ khỏi tội danh hình sự năm 1972 và hôn nhân đồng giới dân sự đã được quy định năm 1993. Theo cơ quan Thống kê Na Uy (SSB),192 cuộc hôn nhân đồng giới đã được ghi nhận từ năm 2004. Từ năm 2002, các cặp đồng giới đã có thể được nuôi con của người kia từ những cuộc hôn nhân trước, dù việc cùng nhận con nuôi mãi tới năm 2007 mới được phép.

10 Văn học

Lịch sử văn học Na Uy bắt đầu với những bài thơ Eddaic và thơ skaldic ngoại giáo ở thế kỷ thứ IX và thứ X với những nhà thơ như Bragi Boddason và Eyvindr Skáldaspillir. Sự xuất hiện của Thiên chúa giáo ở khoảng năm 1000 đã đưa Na Uy tiếp xúc với những tri thức, tiểu sử các vị thánh, và lịch sử bằng chữ viết của châu Âu thời Trung Cổ. Hoà trộn với truyền thống khẩu ngữ địa phương và ảnh hưởng của Ireland nó đã dẫn tới giai đoạn phát triển rực rỡ của văn chương ở cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII. Các tác phẩm chính của giai đoạn này gồm Historia Norwegie, Thidreks saga và Konungs skuggsjá.
Thời kỳ Liên minh Scandinave và Liên minh Đan Mạch-Na Uy (1387-1814) có ít tác phẩm văn học Na Uy xuất hiện, ngoại trừ một số tác phẩm đáng lưu ý của Petter Dass và Ludvig Holberg. Trong vở kịch Peer Gynt của mình, Ibsen đã gọi giai đoạn này là “Hai lần hai trăm năm bóng tối/nghiền ngẫm về cuộc đua của những chú khỉ”, dù dòng sau này thường không được trích dẫn nhiều như dòng trước. Trong thời gian liên minh với Đan Mạch, văn viết tiếng Na Uy đã thay thế bởi chữ Đan Mạch.
Hai sự kiện lớn đã thúc đẩy sự hồi sinh của văn học Na Uy. Năm 1811 một trường đại học Na Uy được thành lập tại Christiania. Với tinh thần cách mạng sau các cuộc Cách mạng Mỹ và Pháp, người Na Uy đã ký bản hiến pháp đầu tiên của mình năm 1814. Ngay sau đó, từ sự tù túng văn hoá Na Uy đã đưa lại cho thế giới một loạt các tác gia được công nhận đầu tiên ở Scandinavie, và sau đó là trên toàn thế giới; trong số đó có Henrik Wergeland, Peter Asbjørnsen, Jørgen Moe và Camilla Collett.
Tới cuối thế kỷ XIX, ở Thời Vàng son của văn hoá Na Uy, cái gọi là Bộ bốn Vĩ đại xuất hiện: Henrik Ibsen, Bjørnstjerne Bjørnson, Alexander Kielland, và Jonas Lie. “Các tiểu thuyết nông dân” của Bjørnson, như “En glad gutt” (Một chú bé hạnh phúc) và “Synnøve Solbakken” là kiểu chủ nghĩa lãng mạn quốc gia tiêu biểu của thời gian ấy, trong khi đó các tiểu thuyết và truyện ngắn của Kielland chủ yếu mang tính hiện thực. Dù một người đóng góp quan trọng vào chủ nghĩa lãng mạn Na Uy thời kỳ đầu (đặc biệt là tác phẩm châm biếm Peer Gynt), tên tuổi của Henrik Ibsen chủ yếu được biết tới là người tiên phong với các vở kịch hiện thực như Chú vịt hoang và Một ngôi nhà búp bê, nhiều vở đã gây ra những tiếng vang về đạo đức vì nội dung của nó chính là chân dung của tầng lớp trung lưu.
Ở thế kỷ XX ba tiểu thuyết gia Na Uy đã được trao Giải Nobel văn học: Bjørnstjerne Bjørnson năm 1903, Knut Hamsun cho cuốn sách “Markens grøde” (“Nhựa của đất”) năm 1920, và Sigrid Undset năm 1928. Trong thế kỷ XX các tác gia như Dag Solstad, Jostein Gaarder, Jens Bjørneboe, Kjartan Fløgstad, Lars Saabye Christensen, Johan Borgen, Herbjørg Wassmo, Jan Erik Vold, Rolf Jacobsen, Olaf Bull, Jan Kjærstad, Georg Johannesen, Tarjei Vesaas, Sigurd Hoel, Arnulf Øverland và Johan Falkberget đã có những đóng góp quan trọng cho văn học Na Uy.