monaco


Monaco, tên chính thức là Thân vương quốc Monaco (tên gọi tiếng Việt phổ biến nhưng không chính xác: Công quốc Monaco), là một quốc gia-thành phố có chủ quyền tại châu Âu. Monaco có ba mặt tiếp giáp với nước Pháp và mặt còn lại giáp với Địa Trung Hải và trung tâm của công quốc cách nước Ý khoảng 16 km (9,9 dặm). Diện tích của Monaco là 1,98 km² (0,76 mi²) và dân số năm 2011 là 35.986 người. Monaco là nước có GDP trên danh nghĩa cao nhất thế giới bình quân đầu người là 215.163 Đô la Mỹ và là quốc gia có mật độ dân cư cao nhất trên thế giới. Monaco cũng có tuổi thọ cao nhất thế giới với con số 90, và là nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Sau những lần lấn biển gần đây, tổng diện tích của Monaco là 2,05 km² (0,79 mi²).

1 Địa lý

Monaco là một đất nước ở khu vực Tây Âu, nằm ở một eo biển nhỏ phía nam nước Pháp, bên bờ biển Côte d’Azur. Lãnh thổ Monaco trải dài trên 3 km, bề rộng không vượt quá từ 200 m đến 300 m, gồm bốn khu đô thị: Monaco-Ville, Monte Carlo, Condamine, Fontvieille.

2 Lịch sử

Monaco là nơi định cư của người Phoenicia từ thời Cổ đại. Năm 1215, người Genova đến xây dựng một lâu đài kiên cố trên khu đất thuộc Monaco hiện nay. Quyền kiểm soát lãnh thổ này lại chuyển sang cho dòng họ Grimaldi năm 1297.
Monaco là xứ bảo hộ của Tây Ban Nha (1524-1641) rồi đến Pháp (1641-1793) và bị sáp nhập vào Pháp từ năm 1793 đến năm 1814, đến năm 1861 Monaco mới được độc lập khỏi Pháp. Từ năm 1865, liên minh thuế quan đã nối kết Monaco với Pháp và hiệp định cơ bản năm 1918 thừa nhận quyền đại diện ngoại giao của thân vương quốc. Monaco gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1993, và vẫn duy trì hiệp định chung về thuế quan với Pháp.
Hiến pháp năm 1911 quy định Monaco là một nước quân chủ lập hiến, Thân vương là quốc trưởng. Ban lãnh đạo gồm một thủ hiến và 4 quan chức trong hội đồng Chính phủ. Thủ hiến là một công dân Pháp do Thân vương chọn từ những người do Pháp giới thiệu.
Thỏa ước Versailles năm 1918 cho phép Pháp có quyền “giúp bảo vệ hạn chế”.
Thân vương cũng chia sẻ quyền lực với Hội đồng quốc gia (Quốc hội) gồm 24 thành viên làm việc theo nhiệm kỳ 5 năm

+ Các Thân vương Monaco:

Francois - Rainier I: 1297 - 1301; Phụ thuộc vào Cộng hòa Genoise - Ghibelline từ 1301 - 1331
Charles I - Rainier II: 1331 - 1357, riêng Rainier II lên đồng cai trị với cha cho tới khi cha mất (1352 - 1357)
Louis - Jean I: 1395
Louis I: 1397 - 1402
Jean I - Ambroise - Catalan: 1419 - 1454, riêng Ambroise cai trị đến 1427 thì thoái vị, Catalan cai trị trong vai tháng của năm 1427 thì mất sớm.
Claudine: 1457 - 1458
Lamberto: 1458 - 1494
Jean II: 1494 - 1505
Lucien: 1505 - 1523
Honoré I: 1523 - 1581
Charles II: 1581 - 1589
Hercule: 1589 - 1604
Honoré II: 1604 - 1662
Louis I: 1662 - 1701, Thân vương Monaco
Antonio I: 1701 - 1731
Louise Hippolyte: 1731
Jacques I: 1731 - 1751
Honoré III: 1751 - 1795

=> Thuộc Pháp (1793 - 1814):

Joseph Barriera
Armand Louis de Gontaut
Henri Grégoire
Grégoire Marie Jagot: 1793 - 1814; Napoleon I

Honoré IV: 1814 - 1819
Honoré V: 1819 - 1841
Florestan I: 1841 - 1856
Charles III: 1856 - 1889
Albert I: 1889 - 1922
Louis II: 1922- 1949
Rainier III: 1949 - 2005
Albert II: 2005 - nay
Jacques II: (sẽ kế vị)

3 Chính trị

Ngày 17 tháng 12 năm 1962, Hiến pháp Monaco được ban hành, quy định quyền lập pháp thuộc về Thân vương và Hội đồng quốc gia (bao gồm 24 thành viên được bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm). Quyền hành pháp được Thân vương giao cho Thủ tướng và 5 Cố vấn Chính phủ (Bộ trưởng). Quyền tư pháp hoàn toàn độc lập với Chính phủ, thuộc về các toà án. Nguyên thủ quốc gia là Thân vương Albert II (kế vị năm 2005). Thủ tướng là Jean Paul Proust. Cố vấn Chính phủ về Quan hệ đối ngoại và các vấn đề Kinh tế và Tài chính quốc tế là Frank Biancheri.
Monaco có 8 Đại sứ quán bổ nhiệm tại 17 quốc gia (tính đến ngày 1 tháng 5 năm 2008), chủ yếu tại Tây Âu, Mỹ và Toà thánh Vatican. Monaco có 2 Đại sứ không thường trực, được bổ nhiệm tại Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Bồ Đào Nha. Ngoài ra, có 4 Phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế: tại New York bên cạnh Liên Hợp Quốc, tại Genève bên cạnh các tổ chức chuyên trách của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ, tại Strasbourg bên cạnh Hội đồng châu Âu và tại Bỉ bên cạnh Liên minh châu Âu. Monaco có 113 Lãnh sự quán hoạt động tại 62 quốc gia, hai Tổng Lãnh sự quán tại London và New York.
Có 2 đại sứ quán thường trú tại Monaco là Sứ Quán Pháp và Sứ Quán Italia. 42 quốc gia bổ nhiệm Đại sứ kiêm nhiệm Monaco từ Paris, Madrid hoặc Bruxelles. Ngoài ra có 74 lãnh sự quán được bổ nhiệm tại Monaco.

4 Kinh tế

Kinh tế Monaco chủ yếu dựa vào du lịch. Dịch vụ ngân hàng và các sòng bạc được thành lập từ năm 1862. Chính sách thuế quan ưu đãi thu hút các công ty nước ngoài. Các ngành công nghiệp gồm có: chế tạo mĩ phẩm, hóa chất, điện tử, đóng tàu, xây dựng... Monaco hoàn toàn hợp nhất thuế quan với Pháp để thu và giảm thuế mậu dịch, đồng thời tham gia vào hệ thống thị trường EU qua liên minh thuế quan với Pháp.
Dịch vụ du lịch và thu thuế từ các sòng bạc là nguồn thu nhập chủ yếu của Monaco (25% PIB). Ngành ngân hàng-tài chính phát triển mạnh và đều. Ngành công nghiệp tập trung chủ yếu vào công nghiệp nhẹ, không huỷ hoại môi trường và có hàm lượng giá trị gia tăng cao chiếm 8% nguồn thu nhập ngân sách.
Tuy chưa là thành viên chính thức của EU nhưng Monaco có quan hệ mật thiết với tổ chức này thông qua Hiệp định chung về thuế quan với Pháp. Đồng tiền của Monaco cũng là đồng euro.

5 Dân tộc

Dân cư Monaco có điều khác thường là người Monegasque bản địa hiện chỉ chiếm thiểu số trên đất nước của mình. Phần lớn cư dân là người Pháp (28%), sau đó là người Monegasque (21.6%), người Ý (19%), người Anglo-Saxon (7,5% Anh & 1% Hoa Kỳ), người Đức, người Thụy Sĩ và người Bỉ mỗi dân tộc chiếm khoảng từ 2,5 đến 3%; 15% dân cư tự nhận là thuộc các dân tộc “khác”.

6 Ngôn ngữ

Ngôn ngữ chính thức của Monaco là tiếng Pháp. Ngôn ngữ quốc gia theo truyền thống là Monégasque, nhưng hiện chỉ được một thiểu số nhỏ dân cư sử dụng. Ngôn ngữ này tương tự như Tiếng Ligurian được sử dụng tại Genoa. Ở khu vực cũ của Monaco, các bảng hiệu trên đường phố được thể hiện bằng cả tiếng Pháp và Monégasque. Tiếng Ý cũng được một phần khá lớn cư dân Monaco sử dụng, đa số họ những người nhập cư từ Ý. Tiếng Anh được cư dân người Anh và Mỹ sử dụng.

7 Tôn giáo

7.1 Công giáo

Điều 9 của Hiến pháp Monaco công nhận Công giáo La Mã là giáo hội chính thức của Monaco, và là tôn giáo chiếm đa số với 83,2% dân số. Tự do tôn giáo cũng được hiến pháp bảo đảm. Giáo hội Công giáo Monaco là một phần của Giáo hội Công giáo Rôma, dưới sự lãnh đạo tinh thần của Giáo hoàng và giáo triều Rôma. Tổng Giáo phận Monaco là một phần của Giáo hội Công giáo địa phương Pháp. Đất nước này tạo thành một tổng giáo phận duy nhất.

7.2 Anh giáo

Có một nhà thờ Anh giáo (Giáo hội của Thánh Phaolô), nằm tại Avenue de Grande Bretagne ở Monte Carlo. Có 135 cư dân theo Anh giáo trong thân vương quốc, tuy nhiên nhà thờ này cũng đang phục vụ một số lượng lớn đáng kể tín hữu Anh giáo tạm thời trong nước, chủ yếu là khách du lịch. Nhà thờ Anh giáo Monaco là một phần của giáo phận Anh giáo ở châu Âu.

8 Hành chính

Monaco là quốc gia có diện tích nhỏ thứ hai trên thế giới chỉ sau Vatican. Monaco cũng là nền quân chủ nhỏ thứ hai trên thế giới và là nước có mật độ dân số cao nhất trên thế giới. Quốc gia này chỉ bao gồm một khu tự quản (commune, xã). Không có ranh giới địa lý giữa đất nước và thành phố Monaco mặc dù trách nhiệm của chính quyền cấp trung ương và cấp thành phố là khác nhau. Theo Hiến pháp 1911, thân vương quốc được chia thành 3 khu tự quản:
Monaco (Monaco-Ville), phần thành phố cũ trên một mũi đất đá thẳng ra Địa Trung Hải, hoặc được gọi đơn giản là Le Rocher (khối đá), nơi mà cung điện tọa lạc;
Monte Carlo, khu vực nhà ở của cư dân và các khu nghỉ dưỡng và Sòng bạc Monte Carlo ở phía đông và đông bắc;
La Condamine, phần đông bắc bao gồm khu vực cảng Hercule.
Các khu tự quản được sáp nhập thành một vào năm 1917, sau khi người dân cao buộc chính quyền áp dụng phương thức “chia để trị” và được thay thế bằng “phường”. Hiện Monaco được chia thành 10 phường cộng thêm Le Portier, là phường đang được đề nghị thành lập: Monaco-Ville, Monte Carlo/Spélugues, La Rousse/Saint Roman, Larvotto/Bas Moulins, Saint Michel, La Condamine, La Colle, Les Révoires, Moneghetti/ Bd de Belgique, Fontvieille, Le Portier.

9 Giáo dục

9.1 Các trường tiểu học và trung học

Monaco có 10 trường công đang hoạt động, bao gồm: 7 nhà trẻ và tiểu học, với các trường trung học: Collège Charles III, Lycée Albert 1er (đào tạo về công nghệ), Lycée technique et hôtelier de Monte-Carlo (đào tạo nghề khách sạn). Ngoài ra còn có 2 trường tư, bao gồm cả viện François d’Assise Nicolas Barré và École des Sœurs Dominicaines. Trường tư còn lại là Trường quốc tế Monaco (International School of Monaco).

9.2 Các trường cao đẳng và đại học

Có một trường đại học nằm ở Monaco, cụ thể là Đại học Quốc tế Monaco (IUM), một trường dạy bằng tiếng Anh chuyên về đào tạo kinh doanh, được điều hành bởi Viện des Hautes Études et économiques Commerciales (INSEEC).

Nhận xét