Colombia (tiếng Việt: Cộng hòa Cô-lôm-bi-a) là một quốc gia tại Nam Mỹ. Colombia giáp Venezuela và Brasil về phía đông; giáp Ecuador và Peru về phía nam; giáp Đại Tây Dương phía bắc, qua Biển Caribe; và phía tây giáp Panama và Thái Bình Dương. Colombia cùng với Chile là hai quốc gia ở Nam Mỹ giáp cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Colombia là một nước lớn và đa dạng, lớn thứ 4 Nam Mỹ (sau Brasil, Argentina và Peru), với diện tích hơn gấp bảy lần New England; gấp đôi Pháp; chỉ nhỏ hơn một chút so với Arizona, California, Oregon và Washington kết hợp lại.
1 Nguồn gốc tên gọi
Tên gọi “Colombia” lấy theo tên của Christopher Columbus, nhà cách mạng người Venezuela Francisco de Miranda đã dùng tên này cho toàn bộ Tân Thế giới, nhất là các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sau đó, vào ngày 15 tháng 2 năm 1819, Hội nghị Angostura đã thống nhất đặt tên Cộng hòa Colombia cho một quốc gia mới bao gồm lãnh thổ của Tân Granada, Quito và Đại Trấn Venezuela, theo đề xuất của nhà cách mạng Simón Bolivar trong Bức thư từ Jamaica. Năm 1830, khi Venezuela và Ecuador ly khai, phần còn lại của vùng Cundinamarca trở thành một quốc gia, Cộng hòa Tân Granada. Năm 1858 quốc gia này đã chuyển sang thể chế liên bang và đổi tên thành Liên bang Granadine; và sau đó năm 1863 đổi tên thành Hợp chủng quốc Colombia. Năm 1886 quốc gia này đã đổi thành tên như ngày nay: Cộng hòa Colombia. Ban đầu quốc hội hai nước Ecuador và Venezuela đã rất phản đối tên gọi này, cho rằng Colombia đã đơn phương chiếm đoạt một di sản lịch sử chung của cả khu vực, nhưng sau đó cuộc tranh cãi đã nhanh chóng kết thúc.
2 Lịch sử
2.1 Tiền Colombo
Khoảng năm 10000 trước Công Nguyên, các xã hội săn bắn hái lượm đã tổn tại gần nơi hiện là Bogotá (tại “El Abra” và “Tequendama”) họ buôn bán với nhau và với các nền văn hóa sống dọc Châu thổ Sông Magdalena. Bắt đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, các nhóm người Amerindians đã phát triển các hệ thống chính trị gồm các “cacicazgo” với một cơ cấu quyền lực hình kim tự tháp đứng đầu là các tù trưởng. Bên trong Colombia, hai nền văn hóa có hệ thống cacicazgo phức tạp nhất là Tayrona tại vùng Caribe, và Muisca tại các cao nguyên quanh Bogotá, cả hai đều thuộc ngữ hệ Chibcha. Người Muisca được coi là đã sở hữu một trong những hệ thống chính trị phức tạp nhất tại Nam Mỹ, sau người Inca.
2.2 Thuộc địa
Những nhà thám hiểm Tây Ban Nha lần đầu khám phá vùng đất ven biển Caribe vào năm 1500 dưới sự lãnh đạo của Rodrigo de Bastidas. Christopher Columbus đã tới gần Caribe năm 1502. Năm 1508, Vasco Nuñez de Balboa bắt đầu chinh phục lãnh thổ này qua vùng Urabá. Năm 1513, ông cũng là người châu Âu đầu tiên khám phá Thái Bình Dương mà ông gọi là Mar del Sur (hay “Biển phương Nam”), con đường trên thực tế sẽ đưa những kẻ chinh phục Tây Ban Nha tới Peru và Chile. Năm 1525, thành phố châu Âu đầu tiên tại lục địa châu Mỹ được thành lập, là Santa María la Antigua del Darién tại Khu Chocó ngày nay. Dân số chủ yếu sống trên vùng này là hàng trăm bộ tộc Chibchan và “Karib”, hiện được gọi là dân tộc Caribe, và người Tây Ban Nha đã dùng chiến tranh để chinh phục họ, bệnh dịch, công cuộc khai thác và chính cuộc chinh phục này đã đưa lại một thảm họa về nhân chủng làm giảm sút số lượng người bản xứ. Ở thế kỷ mười sáu, người châu Âu bắt đầu đưa nô lệ từ Châu Phi tới.
2.3 Độc lập
Từ đầu những giai đoạn Chinh phục và Thuộc địa, đã có nhiều phong trào phản kháng chống lại ách cai trị Tây Ban Nha, đa số chúng đều bị đàn áp hay quá yếu ớt để có thể mang lại sự thay đổi. Phong trào phản kháng cuối cùng, với mục tiêu đòi độc lập từ Tây Ban Nha, nổ ra khoảng năm 1810, sau khi St. Domingue giành độc lập năm 1804 (Haiti ngày nay), và nước này chỉ có thể cung cấp sự hỗ trợ nhỏ nhoi cho những lãnh đạo phong trào là: Simón Bolívar và Francisco de Paula Santander. Simón Bolívar đã trở thành tổng thống đầu tiên của Colombia/ Fransisco de Paula Santander là Phó tổng thống, và khi Simón Bolívar rút lui, Santander đã trở thành tổng thống thứ hai của Colombia. Cuộc nổi dậy cuối cùng đã giành thắng lợi năm 1819 khi lãnh thổ Phó vương New Granada trở thành nhà nước Cộng hòa Đại Colombia được tổ chức thành một Liên minh cùng Ecuador và Venezuela (Panama từng là một phần của Colombia).
2.4 Tranh giành chính trị
Sự chia rẽ chính trị và lãnh thổ trong nội bộ đã dẫn tới sự ly khai của Venezuela và Quito (Ecuador ngày nay) năm 1830. Ở thời điểm này, cái gọi là “Khu Cundinamarca” đã chấp nhận cái tên “Nueva Granada”, và giữ nó cho tới tận năm 1856 khi nó trở thành “Confederación Granadina” (Liên bang Grenadine). Sau một cuộc nội chiến kéo dài hai năm năm 1863, “Liên bang Colombia” được thành lập và tồn tại tới năm 1886, khi cuối cùng đất nước này trở thành Cộng hòa Colombia. Sự chia rẽ nội bộ tiếp tục diễn ra giữa các lực lượng chính trị lưỡng đảng, thỉnh thoảng gây ra những cuộc nội chiến rất đẫm máu, nổi bật nhất là cuộc nội chiến nghìn ngày (1899 - 1902) cùng với những ý đồ của Mỹ nhằm thiết lập ảnh hưởng trong vùng (đặc biệt trong việc xây dựng và quản lý Kênh đào Panama) đã dẫn tới sự ly khai của Khu Panama năm 1903 và lãnh thổ này đã trở thành một quốc gia. Colombia sa lầy vào cuộc chiến tranh kéo dài một năm với Peru về tranh chấp lãnh thổ liên quan tới Khu Amazonas và thủ phủ Leticia của nó.
2.5 La Violencia
Một thời gian ngắn sau đó, Colombia có nền chính trị khá ổn định, và nó bị ngắt quãng bởi một cuộc xung đột đẫm máu xảy ra trong khoảng thời gian giữa cuối thập kỷ 1940 và đầu thập kỷ 1950, một giai đoạn được gọi là La Violencia (“Bạo lực”). Nguyên nhân của nó là sự căng thẳng gia tăng giữa hai đảng chính trị hàng đầu, cuối cùng đã bùng phát thành bạo lực sau vụ ám sát ứng cử viên Tổng thống Tự do Jorge Eliécer Gaitán ngày 9 tháng 4 năm 1948. Vụ ám sát này đã gây ra những cuộc bạo động tại Bogotá và được gọi là El Bogotazo, tình trạng bạo lực trong những cuộc bạo động lan tràn khắp đất nước và làm thiệt mạng ít nhất 180.000 người Colombia. Từ năm 1953 tới 1964 bạo lực giữa hai đảng chính trị giảm bớt thứ nhất bởi Tổng thống Gustavo Rojas Pinilla đã mất chức Tổng thống Colombia trong một cuộc đảo chính, cuộc đàm phán với phe du kích, và sự xuất hiện của hội đồng quân sự của Tướng Gabriel París Gordillo.
2.6 Mặt trận quốc gia
Sau khi Rojas đã mất chức, hai đảng chính trị Đảng Bảo thủ Colombia và Đảng Tự do Colombia đã đồng ý thành lập một “Mặt trận Quốc gia, “ theo đó hai đảng Tự do và Bảo thủ sẽ cùng điều hành đất nước. Chức tổng thống sẽ được thay thế lần lượt giữa hai đảng với nhiệm kỳ 4 năm trong vòng 16 năm tiếp diễn; hai đảng sẽ chia sẻ quyền lực tương đương ở mọi chức vụ nhà nước. Mặt trận Quốc gia đã chấm dứt “La Violencia”, và chính phủ Mặt trận Quốc gia nỗ lực tiến hành các cuộc cải cách kinh tế, xã hội sâu rộng cùng với sự hợp tác của Liên minh vì Tiến bộ. Cuối cùng, những mâu thuẫn giữa các chính quyền Bảo thủ và Tự do nối tiếp nhau khiến kết quả không được như ý muốn. Dù có những tiến bộ ở một số lĩnh vực, nhiều vấn đề bất công xã hội và chính trị tiếp diễn và các nhóm du kích như FARC, ELN và M-19 chính thức thành lập chiến đấu chống chính phủ và các cơ quan chính trị với những ảnh hưởng từ các học thuyết của cuộc Chiến tranh lạnh.
2.7 Xung đột vũ trang Colombia
Cuối thập niên 1970 và trong suốt thập niên 1980,1990 những tổ hợp ma tuý (drug cartel) giàu mạnh và đầy tính bạo lực xuất hiện, nổi tiếng nhất là Medellín Cartel (dưới sự chỉ huy của Pablo Escobar) và Cali Cartel, trong một giai đoạn đã gây ảnh hưởng tới chính trị, kinh tế và xã hội tại Colombia. Những tổ hợp này cũng đã tài trợ tiền bạc và gây ảnh hưởng tới các nhóm vũ trang bất hợp pháp và phe phái chính trị. Một số bên chống đối lại đã liên minh với các nhóm du kích tạo ra hay gây ảnh hưởng tới các nhóm bán quân sự. Để thay thế hiến pháp năm 1886 trước đó, một hiến pháp mới đã được phê chuẩn năm 1991 (Hiến pháp Colombia năm 1991), sau khi được Hội đồng Lập hiến Colombia soạn thảo. Hiến pháp được thêm vào những điều khoản quan trọng về chính trị, sắc tộc, nhân quyền và bình đẳng nam nữ, chúng sẽ dần được thực hiện, dù tình trạng phát triển không đều, tranh cãi, và tụt hậu vẫn tồn tại. Hiến pháp mới cũng ngăn cấm hành động dẫn độ người mang quốc tịch Colombia sang Hoa Kỳ, các tổ hợp ma túy đã tiến hành vận động hành lanh tại Nghị viện và đưa ra một chiến dịch đe dọa vũ lực nhằm ngăn chặn sự phê chuẩn hành động dẫn độ. Nhiều cuộc tấn công khủng bố và hành quyết kiểu mafia đã diễn ra. Các tổ hợp ma túy cũng đã tìm cách gây ảnh hưởng tới chính phủ cũng như cơ cấu chính trị Colombia, như trường hợp vụ sandal Quy trình 8000. Trong những thập kỷ gần đây nước này tiếp tục gặp phải khó khăn từ ảnh hưởng của các hoạt động buôn bán thuốc phiện và những cuộc chiến tranh du kích như của FARC, và các nhóm bán quân sự như AUC (hiện đã được giải ngũ nhưng một số thành viên vẫn còn hoạt động) cùng với các phe nhóm nhỏ khác đã tham dự vào cuộc xung đột vũ trang đẫm máu. Các tổ hợp ma túy giàu mạnh đã giúp Colombia cân bằng thương mại bằng cách tạo ra một luồng thu ngoại tệ lớn và ổn định, chủ yếu là dollar Mỹ. Mặt khác, các thủ lĩnh ma túy cũng làm bất ổn định chính phủ. Những cuộc nổi loạn của các nhóm khác nhau dẫn tới tình trạng sử dụng hành động bắt cóc và buôn lậu ma tuý để kiếm tiền hoạt động, chúng thường hoạt động tại các vùng nông thôn rộng lớn và hẻo lãnh và thỉnh thoảng có thể gây thiệt hại tới các hệ thống viễn thông và giao thông giữa các vùng. Từ đầu thập niên 1980, những nỗ lực nhằm đàm phán một thỏa thuận giữa chính phủ và các phe phiến loạn khác nhau đã được tiến hành, có trường hợp thành công có trường hợp chỉ một phần phe nổi dậy chịu giải giáp. Một trong những nỗ lực gần đây nhất đã diễn ra khi chính quyền của Tổng thống Andrés Pastrana Arango, đàm phán với FARC trong giai đoạn 1998 và 2002. Cuối thập niên 1990, Tổng thống Andrés Pastrana đã đưa ra một sáng kiến gọi là Kế hoạch Colombia, với hai mục tiêu chấm dứt xung đột vũ trang và thúc đẩy một chiến lược chống ma tuý mạnh. Yếu tố gây tranh cãi nhất của Kế hoạch là chiến lược chống ma tuý, gồm việc tăng hoạt động phun thuốc tiêu diệt cây coca từ trên không. Hành động này bị nhiều phe phái phản đối, họ cho rằng phun thuốc diệt cây từ trên không cũng có thể gây hại tới các loại cây khác, và gây ra những hậu quả xấu tới sức khỏe người dân. Những lời chỉ trích sáng kiến này cũng cho rằng kế hoạch thể hiện một cách tiếp cận mang tính quân sự cho các vấn đề nảy sinh từ tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Trong thời cầm quyền của Tổng thống Álvaro Uribe, người được bầu với lời hứa hẹn áp dụng các biện pháp quân sự với FARC và các nhóm tội phạm khác, một số chỉ số an ninh đã được cải thiện, như số vụ bắt cóc giảm (từ 3700 năm 2000 xuống còn 800 năm 2005) và các vụ giết người cũng giảm hơn 48% từ tháng 7 năm 2002 tới tháng 5 năm 2005. Có ý kiến cho rằng những thành công này đã khuyến khích phát triển kinh tế và ngành du lịch. Những nhà phân tích và phê bình bên trong Colombia đồng ý rằng đã có một số tiến bộ trong nhiều lĩnh vực như đề cập ở trên, nhưng lý do mang lại thành công vẫn chưa được đồng thuận và tính chính xác của những con số cũng là một vấn đề. Một số phe đối lập đã chỉ trích chiến lược an ninh của chính phủ, cho rằng chúng chưa đủ để giải quyết các vấn đề phức tạp tại Colombia và rằng nó đã góp phần tạo nên một môi trường thích hợp cho sự tiếp diễn của một số vụ vi phạm nhân quyền.
3 Địa lý
Địa hình Colombia đa dạng hơn bất kỳ một quốc gia nào khác tại Mỹ Latinh có kích thước tương đương. Nước này là một phần của “Vành đai núi lửa” Thái Bình Dương, một vùng đặc trưng bởi những trận động đất thường xuyên và những vụ phun trào núi lửa. Bề mặt địa hình Colombia khá phức tạp. phía tây đất nước là phần đa dạng nhất. Bắt đầu từ bờ biển Thái Bình Dương ở phía tây và dời về phía đông ở vĩ độ 5 độ bắc, một dải liên tục các hình thể địa hình nối tiếp nhau. Ở cực tây là những đồng bằng thấp ven biển Thái Bình Dương hẹp và đứt quãng, dựa vào Serranía de Baudó, dải núi thấp nhất và hẹp nhất Colombia. Tiếp theo là vùng đất thấp Río Atrato/Río San Juan rộng hơn, địa điểm từng được đề xuất như một vị trí thay thế cho Kênh đào Panama để trở thành con đường nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương nhân tạo. Dãy núi lớn nhất phía tây, Cordillera Occidental, là một dải núi với độ cao trung bình, đỉnh cao nhất lên tới 4.000 m (13.000 ft). Châu thổ Sông Cauca, một vùng nông nghiệp quan trọng với nhiều thành phố bên trong, chia cắt Cordillera Occidental khỏi dải Cordillera Central to lớn. Nhiều núi lửa phủ băng tuyết tại Cordillera Central với các đỉnh cao hơn 5.500 m (18.000 ft). Châu thổ Sông Magdalena nhiều bùn và tốc độ dòng chảy nhỏ, một tuyến đường vận tải quan trọng, chia cắt Cordillera Central khỏi dãy núi chính phía đông, Cordillera Oriental. Các đỉnh của Cordillera Oriental có độ cao trung bình. Đặc điểm tạo sự khác biệt giữa những dãy núi này Colombia với những dãy núi khác là nó tạo ra nhiều lòng chảo lớn. Ở phía đông, nơi dân cư thưa thớt, các vùng đất thấp phẳng tới hơi gồ ghề được gọi là llanos chiếm tới 60 phần trăm tổng diện tích đất canh tác quốc gia. Dải đất vắt ngang đất nước này không bao gồm hai vùng của Colombia: các vùng đất thấp ven biển Caribe và Sierra Nevada de Santa Marta, cả hai đều nằm ở phía bắc đất nước. Các vùng đất thấp phía tây chủ yếu là đầm lầy; các đầm lầy lau sậy trong vùng được người dâm Colombia gọi là ciénagas. Bán đảo Guajira ở phía đông là vùng bán khô cằn. Sierra Nevada là một tam giác đáng chú ý với những đỉnh núi phủ băng tuyết vượt cao lên trên phần phía đông của vùng đất thấp này. Vị trí gần đường xích đạo của Colombia gây ảnh hưởng tới thời tiết nước này. Các vùng đất thấp thường nóng. Những ảnh hưởng độ cao trên nhiệt độ rất lớn. Nhiệt độ giảm khoảng 2°C (3.5°F) với mỗi 300-meter (1.000-foot) tăng độ cao so với mực nước biển. Lượng mưa khác biệt theo từng vùng tại Colombia, có xu hướng tăng khi đi về phía nam. Điều này đặc biệt đúng với các vùng đất thấp phía đông. Ví dụ, lượng mưa tại nhiều phần ở Bán đảo Guajira hiếm khi vượt quá 75 cm (30 in) trên năm. Tuy nhiên, khu vực nhiều mưa phía đông nam Colombia thường xảy ra những trận mưa lớn với lượng mưa hơn 500 cm (200 in) mỗi năm. Lượng mưa ở hầu hết các vùng còn lại của đất nước nằm giữa hai khoảng trên. Độ cao không chỉ gây ảnh hưởng trên thời tiết, mà còn cả thực vật. Trên thực tế, độ cao là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất tới các loại thực vật tại Colombia. Các khu vực núi non có thể được chia thành nhiều khu vực thực vật theo độ cao, dù độ cao giới hạn của mỗi vùng có thể khác biệt phụ thuộc theo vĩ độ. “Tierra caliente” (đất nóng), dưới 1.000 m (3.300 ft), là vùng đất với những thực vật nhiệt đới như chuối. Tierra templada (đất ôn hoà), trải dài từ độ cao 1.000 tới 2.000 m (3.300 tới 6.600 ft), là vùng trồng cà phê và ngô. Lúa mì và khoai tây được trồng nhiều tại “tierra fría” (đất lạnh), ở những độ cao từ 2.000 tới 3.200 m (6.600 tới 10.500 ft). Tại “zona forestada” (vùng rừng), nằm ở độ cao giữa 3.200 và 3.900 m (10.500 và 12.800 ft), nhiều loại cây đã bị chặt làm củi. Những đồng cỏ không cây cối bao phủ phần lớn páramos, hay những vùng đồng cỏ trên núi cao, ở độ cao 3.900 tới 4.600 m (12.800 tới 15.100 ft). Trên 4.600 m (15.100 ft), nơi nhiệt độ dưới mức đóng băng, là “tierra helada”, một vùng thường có băng tuyết. Thực vật cũng phản ánh lượng mưa. Vùng đất bán khô cằn phía đông bắc với chủ yếu những cây bụi rải rác. Ở phía nam, các savannah (đồng cỏ nhiệt đới) bao phủ phần llano Colombia. Các vùng nhiều mưa phía đông nam với những khu rừng mưa nhiệt đới. Tại vùng núi, là những mô hình thực vật phức tạp. Phía sườn núi nhiều mưa với màu xanh của cây cối sum sê, trong khi ở sườn bên kia, nơi ít mưa, có thể khô nẻ. Canh tác Coca là hoạt động phi pháp chính tại Colombia. Ở nhiều vùng nông thôn, nhiều dải đất lớn được dùng trồng coca. Theo những con số của Hoa Kỳ, năm 2004 ước tính 114.100 hécta (281.947 acres) đất đã được sử dụng cho mục đích này, và đất nước này có tiềm năng sản xuất 430.000 mét tấn cocaine mỗi năm. According to a United Nations Office on Drugs and Crime survey, coca cultivation was estimated at 212.511 acres (86.000 hectares) in tháng 12 năm 2006. Trong năm 2006 Chính phủ Colombia đã phá hủy khoảng 73.000 hécta (180.387 acres) vượt mọi kỷ lục trong trồng cây coca. Chính phủ Colombia hiện có kế hoạch phá hủy khoảng 50.000 hécta (123.553 acres) trồng cây coca năm 2007 và họ tuyên bố sẽ chỉ còn 20.000 hécta (49.421 acres) được dùng cho mục đích này, và chúng cũng sẽ bị tiêu diệt trong năm 2008. Tuy những nỗ lực tiêu diệt cây coca của Colombia đã khiến việc trồng cây phải chuyển địa điểm, chúng vẫn không hạn chế được số lượng diện tích sử dụng trồng loại cây này. Việc này khiến mọi người nghi ngờ kế hoạch triệt hạ toàn bộ cây coca năm 2008 của Colombia.
4 Chính trị
Colombia theo chế độ Cộng hoà Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái cử ở nhiệm kỳ tiếp theo.
4.1 Nhánh hành pháp
Colombia là một nhà nước cộng hòa với nhánh hành pháp thống lĩnh cơ cấu chính phủ. Cho đến tận gần đây, tổng thống cùng phó tổng thống do dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ bốn năm; tổng thống vừa là lãnh đạo chính phủ vừa là lãnh đạo nhà nước. Tuy nhiên, ngày 19 tháng 10 năm 2005, Nghị viện Colombia đã sửa đổi hiến pháp, cho phép các tổng thống nước này cầm quyền hai nhiệm kỳ bốn năm liên tục. Tuy nhiên, các thống đốc khu, thị trưởng thành phố và thị trấn cùng các quan chức nhánh hành pháp khác chỉ được bầu cho một nhiệm kỳ ba năm, và không được tái ứng cử ngay sau đó.
4.2 Nhánh lập pháp
Hệ thống lưỡng viện Colombia là Nghị viện Colombia, (hay Congreso trong tiếng Tây Ban Nha), gồm Viện đại biểu Colombia với 166 ghế và Thượng viện Colombia với 102 ghế. Các thành viên của cả hai viện được bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ bốn năm. Cùng với các nghị sĩ, người dân Colombia cũng bầu các đại biểu Khu và các hội đồng thành phố.
4.3 Nhánh tư pháp
Trong thập niên 1990, hệ thống tư pháp Colombia đã trải qua nhiều cuộc cải cách quan trọng và hiện đang trong quá trình chuyển tiếp từ một hệ thống thẩm tra thành một hệ thống đối lập. Nhiều vùng trồng cà phê tại Colombia và Bogotá đã chấp nhận hệ thống đối lập, thủ tục áp dụng tại những khu vực còn lại sẽ bắt đầu ngày 1 tháng 1 năm 2006. Đứng đầu hệ thống tư pháp là Tòa án Hiến pháp và các thành viên được Nghị viện chỉ định dựa trên giới thiệu của Tổng thống và các viên chức cấp cao.
4.4 Các viện kiểm soát
Procuraduría General de la Nación (General Procurement of the Nation), Defensoría del Pueblo, (Bảo vệ Nhân dân) Auditoría General de la República (Kiểm toán công cộng chung) và Contraloría General de la República (Kiểm soát chung của nền cộng hoà).
4.5 Các viện bầu cử
Consejo Nacional Electoral (Hội đồng bầu cử quốc gia) và Registraduría Nacional del Estado Civil (Cơ quan đăng ký dân sự nhà nước) Colombia cũng là một thành viên của Cộng đồng quốc gia Nam Mỹ.
5 Chính sách ngoại giao
Colombia duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, coi Mỹ là bạn hàng chính và nguồn cung cấp viện trợ quan trọng (khoảng 5 tỷ USD trong 8 năm qua, là nước nhận viện trợ nhiều nhất của Mỹ ở Mỹ Latinh). Mỹ tiếp tục thực hiện “Kế hoạch Colombia” thông qua tài trợ, cung cấp thiết bị quân sự dưới danh nghĩa chống ma túy và khủng bố. Tháng 8 năm 2009, Chính phủ Colombia ký thoả thuận cho phép Mỹ sử dụng 7 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Colombia. Bên cạnh đó, Colombia chú trọng thúc đẩy quan hệ với các nước Mỹ Latinh, thúc đẩy liên kết khu vực, từng tham gia tích cực vào các quá trình thương lượng hoà bình giải quyết các cuộc xung đột ở Trung Mỹ. Tuy nhiên, quan hệ với các nước Nam Mỹ, đặc biệt là Ecuador và Venezuela, thời gian qua vẫn căng thẳng, thậm chí gián đoạn sau sự kiện Colombia tấn công lực lượng du kích cánh tả trên lãnh thổ Ecuador (2008), ký thoả thuận quân sự với Mỹ (2009) và tố cáo Venezuela chứa chấp và trợ giúp du kích cánh tả (2009-2010)... Từ khi lên nắm quyền, Chính phủ của Tổng thống Santos bày tỏ thái độ mềm dẻo hơn với các nước láng giềng, nối lại quan hệ ngoại giao với Venezuela và Ecuador bị cắt đứt dưới thời Tổng thống Uribe (tháng 7 năm 2010). Colombia chủ trương đa dạng hoá quan hệ với các khu vực khác trên giới, trong đó có khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Colombia là thành viên của Liên Hợp Quốc, Phong trào không liên kết, Tổ chức các nước châu Mỹ (OEA), hiện đang xin gia nhập APEC.
6 Phân cấp hành chính
Colombia được chia ra thành 32 tỉnh và vùng thủ đô: Amazonas, Antioquia, Arauca, Atlántico, Bolívar, Boyacá, Caldas, Caquetá, Casanare, Cauca, Cesar, Chocó, Córdoba, Cundinamarca, Guainía, Guaviare, Huila, La Guajira, Magdalena, Meta, Nariño, Norte de Santander, Putumayo, Quindío, Risaralda, San Andrés và Providencia, Santander, Sucre, Tolima, Valle del Cauca, Vaupés, Vichada, Bogotá (vùng thủ đô).
6.1 Các thành phố
Colombia có 32 thành phố lớn (có dân số hơn 120.000 người): được liệt kê dưới đây theo dân số: Bogotá (thủ đô) - La Atenas Suramericana (“Athens của Nam Mỹ”) Santiago de Cali - La Sucursal del Cielo, La Sultana del Valle (“Nhánh Thiên đường”, “Vua Thung lũng”) Medellín - La Ciudad de la Eterna Primavera, Capital de la Montaña (“Thành phố Mùa xuân Vĩnh cửu”, “Thủ phủ của núi non”) Barranquilla - La Puerta de Oro de Colombia (“Cổng Vàng Colombia”) Cartagena - La Heroica (“Anh hùng”) Cúcuta - La Hermosa Villa (“Làng đẹp”) Bucaramanga - La Ciudad Bonita (“Thành phố xinh đẹp”) Pereira - La Querendona, Trasnochadora y Morena (“Người đàn bà da đen đáng yêu không bao giờ ngủ”) Santa Marta - La Perla de Oro (“Trân châu vàng”) Ibagué - Capital Musical de Colombia (“Thủ phủ âm nhạc Colombia”) Bello Pasto - Ciudad Sorpresa (“Thành phố kinh ngạc”) Neiva - Neivayork, la Capital Bambuquera de América (“Neivayork, thủ phủ Bambuquo của châu Mỹ”) Manizales - La Ciudad de las Puertas Abiertas (“Thành phố với những cánh cổng rộng mở”) Soledad Villavicencio - La Puerta al Llano (“Cổng cánh đồng trụi”) Soacha Armenia - La Ciudad Milagro (“Thành phố huyền diệu”) Valledupar - Capital Mundial del Vallenato (“Thủ phủ Vallenato của Thế giới”) Itagüí Montería - La Capital Ganadera de Colombia (“Thủ phủ gia súc Colombia”) Sincelejo - La Ciudad de las Corralejas (“Thành phố của những cuộc ‘Chạy đua với bò’“) Floridablanca, Colombia Palmira Buenaventura - Bello Puerto del Mar (“Hải cảng xinh đẹp”) Popayán - La Ciudad Blanca (“Thành phố trắng”) Barrancabermeja Dos Quebradas Envigado Tuluá - Corazón del Valle (“Trái tim của Thung lũng”) Maicao Florencia, Colombia - La puerta del Amazonas (“Cánh cổng vào Amazones”) Cartago Girardot Sogamoso Buga
7 Kinh tế
Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng bền vững (mức tăng GDP bình quân hơn 4% trong giai đoạn 1970-1998), Colombia đã trải qua một thời kỳ giảm phát năm 1999 (năm đầu tiên tăng trưởng âm từ năm 1929), và quá trình hồi phục từ cuộc giảm phát đó khá lâu dài và đau đớn. Kinh tế Colombia gặp vấn đề từ nhu cầu nội địa và nước ngoài thấp, ngân sách chính phủ bị cắt giảm, và nhiều cuộc xung đột vũ trang nội bộ nghiêm trọng. Các chỉ số kinh tế của IMF được đưa ra tháng9 năm 2006, dự đoán GDP Colombia đạt 149.869 tỷ dollar Mỹ năm 2007. Lạm phát dưới mức 6% năm 2004 và 2005, và dự đoán sẽ ở mức dưới 5% trong năm 2006. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Colombia gồm hàng chế tạo (41.32% xuất khẩu), dầu mỏ (28.28%), than (13.17%), và cà phê (6.25%). Colombia là một trong những nhà chế tạo pop-up book lớn nhất thế giới. Colombia cũng là nước xuất khẩu chuối lá lớn nhất vào Hoa Kỳ. Bên trong Mỹ Latinh, Colombia nổi tiếng về các sản phẩm đồ lót nữ, ngành công nghiệp này tập trung tại Medellín. Tất cả nhập khẩu, xuất khẩu và cán cân thương mại chung đều đang ở mức kỷ lục, và nguồn tiền thu được từ xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào việc tái định giá đồng Peso Colombia. Hiện tại (2016), GDP của Colombia đạt 274.135 USD, đứng thứ 42 thế giới và đứng thứ 5 khu vực Mỹ Latin. Các vấn đề nước này hiện phải đối mặt khá đa dạng từ vấn đề với hệ thống trợ cấp tới thuốc phiện và tỷ lệ thất nghiệp cao. Nhiều định chế tài chính quốc tế đã ca ngợi những chương trình cải cách do Tổng thống hiện tại Alvaro Uribe theo đuổi, gồm các biện pháp nhằm giảm thâm hụt lĩnh vực công cộng xuống dưới 2.5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chính sách kinh tế và chiến lược an ninh dân chủ gây nhiều tranh cãi của chính phủ có gây ảnh hưởng tới sự tin tưởng đang gia tăng vào nền kinh tế, và tăng trưởng GDP năm 2003 nằm trong số những tỷ lệ cao nhất Mỹ Latinh. Colombia là nước giàu khoáng sản và năng lượng: đứng đầu khu vực về trữ lượng than (chiếm 40% tổng trữ lượng của Mỹ Latinh), thứ hai khu vực về tiềm năng thuỷ điện (sau Brasil), dầu lửa có trữ lượng khoảng 3,1 tỷ thùng, ngoài ra còn có vàng, bạc, pla-tin... Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là cà phê (chiếm 16% xuất khẩu thế giới), hoa, thuốc lá, thịt bò, ngũ cốc, hoa quả... Từ đầu thập kỷ 90, Colombia tiến hành cải cách kinh tế theo hướng tự do hoá, với các biện pháp giảm thuế, bỏ quản lý tài chính, tiến hành tư nhân hoá, thả nổi tỷ giá hối đoái, mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Thời gian gần đây, Colombia là nền kinh tế tăng trưởng khá cao trong khu vực (2006: 6%; 2007: 7,5%) và có dấu hiệu phục hồi tích cực trong năm 2010 (quý I tăng 3,34%, dự kiến cả năm tăng 3,8%) sau giai đoạn suy giảm 2008-2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Sau khi lên nắm quyền, Chính phủ Santos cam kết tiếp tục duy trì chính sách tài chính chặt chẽ, đầu tư mạnh vào xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ lạm phát thấp, giảm tỉ lệ thất nghiệp, ổn định đồng nội tệ, tập trung tăng cường tự do hoá thương mại, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; xây dựng hạ tầng, cải thiện nhà ở cho nhân dân...; Xuất khẩu chủ yếu gồm dầu lửa, than, cà phê, hoa tươi, chuối, dược phẩm, xi măng... sang các thị trường chính: Mỹ, Venezuela, Hà Lan. Nhập khẩu chủ yếu gồm máy công nghiệp, phương tiện vận tải, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, hoá chất, quặng kim loại...từ các thị trường chính: Mỹ, Trung Quốc, México, Brasil, Pháp, Đức.
7.1 Du lịch
Trong những dịp lễ hội nổi tiếng nhất như Hội chợ Cali, Carnival Barranquilla, Liên hoan Nhà hát Iberoamerican và Festival Hoa là những thời gian đông khách du lịch nhất tại Colombia. Nhiều người tới Colombia trong lễ Giáng sinh và các ngày lễ dịp Độc lập của Colombia. Colombia cũng là nước sở hữu số tết nhiều nhất trên thế giới với 1000 ngày tết trong một năm, do Colombia là một đất nước có nhiều sắc tộc và sắc dân khác nhau nên họ sống với một quần thể quốc gia tương đồng nhưng lại có nhiều nền văn hóa truyền thống khác nhau. Dù các văn phòng tư vấn du lịch không chuộng Colombia vì FARC và các nhóm du kích khác tại đây, số du khách tới nước này vẫn tăng trong những năm gần đây. Lý do có lẽ nhờ cách tiếp cận cứng rắn hiện tại của Tổng thống Álvaro Uribe được gọi là an ninh dân chủ để đẩy các nhóm phiến loạn ra xa khỏi các thành phố lớn, các xa lộ và địa điểm du lịch có nhiều du khách quốc tế. Từ khi tổng thống Uribe nhậm chức năm 2002, ông đã giúp gia tăng đáng kể tính ổn định và an ninh bằng cách tăng cường sức mạnh quân sự và sự hiện diện cảnh sát trên khắp quốc gia. Điều này đã mang lại các kết quả rõ rệt cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt là ngành du lịch với du khách quốc tế. Năm 2006, các quan chức ngành du lịch hy vọng 1.5 triệu du khách nước ngoài sẽ tới Colombia, con số tăng 50% so với năm trước đó. Thậm chí Lonely Planet, một nhà xuất bản ấn phẩm du lịch thế giới, đã xếp hạng Colombia như một trong mười điểm đến hàng đầu trên thế giới trong danh sách của họ năm 2006. Năm 2004 Tổ chức Du lịch Thế giới báo cáo Colombia đã đạt mức tăng cao thứ ba về số du khách đến tại Nam Mỹ trong giai đoạn 2000 và 2004 (9.2%). Chỉ Peru và Suriname có mức tăng cao hơn trong cùng giai đoạn.
7.1.1 Du lịch sinh thái
Vườn Cà phê Quốc gia Colombia (Montenegro, Quindío) Vườn quốc gia Nevado del Ruiz (gần Manizales) Vườn PANACA Vườn Tayrona (Santa Marta) Desierto de Tatacoa Vườn Quốc gia Chicamocha Canyon Đảo Gorgona và Malpelo Khác: Vườn Thực vật Bogotá (Bogotá), Bảo tàng vàng (Bogotá)...
8 Văn hoá
9 Giáo dục
Hơn 93% dân số hơn 15 tuổi biết đọc, viết và con số này liên tục tăng qua từng năm.
10 Vận tải
Colombia có một mạng lưới đường cao tốc quốc gia do Instituto Nacional de Vías hay INVIAS (Viện Đường bộ Quốc gia) điều hành. Xa lộ Liên Mỹ đi xuyên Colombia, nối nước này Venezuela ở phía bắc và Ecuador ở phía nam. Các sân bay chính của Colombia là Sân bay Quốc tế El Dorado tại Bogotá. Nhiều công ty hàng không quốc gia (Avianca, AeroRepública, AIRES và SATENA), và các công ty hàng không quốc tế (như Iberia, American Airlines, Varig, Copa, Continental, Delta, Air Canada, Aerogal, TAME, TACA) có các chuyến bay đi và đến El Dorado. Sân bay của Bogotá là một trong những sân bay lớn và đắt đỏ nhất Mỹ Latinh. Vì vị trí trung tâm của Colombia tại châu Mỹ, có nhiều công ty dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường hàng không quốc gia và quốc tế hoạt động tại nước này.
11 Nhân khẩu
Với dân số xấp xỉ 43.6 triệu người năm 2006, Colombia là nước đông dân thứ ba tại Mỹ Latinh, sau Brasil và México. Sự di chuyển dân cư từ vùng nông thôn ra thành thị diễn ra nhiều giai đoạn giữa thế kỷ hai mươi, nhưng từ đó đã giảm dần. Dân số thành thị tăng từ 31% trên tổng dân cư năm 1938, lên 57% năm 1951 và khoảng 70% năm 1990. Con số hiện tại khoảng 77%. Ba mươi thành phố có số dân 100.000 người hay cao hơn. Chín khu đất thấp phía đông, chiếm khoảng 54% diện tích Colombia chiếm chưa tới 3% dân số và mật độ dân cư trung bình chưa tới một người trên một kilômét vuong (hai người trên dặm vuông). Tổng dân số Colombia năm 2015 dự kiến sẽ cao hơn 52 triệu người. Nước này có sự đa dạng sắc tộc phản ánh một lịch sử nhiều diễn biến cũng như số lượng các dân tộc đã từng sống tại đây từ những thời tiền sử tới hiện tại. Sự lai tạp sắc tộc từ lịch sử của nhiều nhóm sắc tộc chính đã hình thành nên các cơ bản của nhân khẩu học Colombia hiện nay: người nhập cư Châu Âu, người bản xứ, người Phi, người Á, người Trung Đông và những người nhập cư gần đây khác. Nhiều dân tộc bản xứ đã bị hấp thu vào trong dân cư mestizo, nhưng 700.000 người bản xứ hiện còn đại diện cho hơn tám mươi nhăm văn hóa khác biệt. Những người nhập cư châu Âu chủ yếu là những người thực dân Tây Ban Nha, nhưng một số nhỏ thuộc các nước châu Âu khác (Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ và ở mức thấp hơn là Ba Lan, Lithuania, Anh và Croatia) đã nhập cư tới đây trong Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh lạnh. Ví dụ, cựu thị trưởng Bogotá Antanas Mockus là con trai một người nhập cư Lithuania. Người Phi trước đây được đưa tới làm nô lệ, đa số tại các vùng đất thấp ven biển, bắt đầu từ đầu thế kỷ mười sáu, và tiếp tục tới thế kỷ mười chín. Sau khi chế độ nô lệ bị hủy bỏ, một ý thức hệ quốc gia về mestizaje đã khuyến khích hòa trộn người bản xứ, người Âu, và các cộng đồng Amerindia vào trong một cộng đồng sắc tộc mestizo duy nhất. Các sắc tộc di cư khác gồm người Á và Trung Đông, đặc biệt là người Liban, Jordani, Syria, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên.
11.1 Các nhóm sắc tộc
Tương tự như tất cả các quốc gia Mỹ Latinh khác, các cuộc điều tra dân số tại Colombia không lấy dữ liệu sắc tộc, vì thế con số phần trăm dưới đây chủ yếu là ước tính từ các nguồn khác, và có thể rất khác biệt. Những con số thống kê cho thấy người Colombia chủ yếu là tín đồ Cơ đốc giáo La Mã và đại đa số nói tiếng Tây Ban Nha, và phần lớn trong số họ mang dòng máu lai Âu, Phi, Amerindians. 58% dân số là người mestizo, hay lai Âu và Amerindian, và 20% có tổ tiên là người da trắng châu Âu. 14% là người lai trắng đen, hay lai giữa người da đen châu Phi và người có tổ tiên da trắng,4% có tổ tiên da đen và 3% lai Phi và Amerindian. Người Amerindians thuần chủng chiếm 1% dân số. Theo dữ liệu phong tục học, tại Colombia có 101 ngôn ngữ được liệt kê, trong số đó 80 ngôn ngữ được dùng trong đời sống hàng ngày. Có khoảng 500.000 người sử dụng các ngôn ngữ bản xứ tại Colombia ngày nay. Hơn hai phần ba người Colombia sống tại các vùng đô thị - một con số lớn hơn khá nhiều so với tỷ lệ trung bình thế giới. Tỷ lệ biết chữ (92.5%) tại Colombia cũng cao hơn mức trung bình thế giới, và tỷ lệ tăng trưởng dân số hơi cao hơn mức trung bình thế giới. Tương tự, một phần lớn người Colombia ở độ tuổi trẻ, chủ yếu vì mức tử vong trẻ em đã giảm gần đây. 33% dân số ở độ tuổi 14 hay thấp hơn, chỉ 4% ở độ tuổi 5 hay già hơn.
11.2 Tôn giáo
Sở Thống kê Hành chính Quốc gia không thu thập các số liệu tôn giáo, và những báo cáo chính xác rất khó có được. Dựa trên nhiều cuộc nghiên cứu, hơn 95% dân số là Kitô hữu, trong số đó một tỷ lệ lớn dân cư, khoảng 81% tới 90%, theo Giáo hội Công giáo Rôma. Khoảng 1% người Colombia tin theo các tôn giáo bản xứ. Dưới 1% theo Do Thái giáo, Hồi giáo, Hindu giáo và Phật giáo. Dù có số lượng tín đồ đông đảo, khoảng 60% số người đã trả lời trong một cuộc điều tra của El Tiempo rằng họ không thường xuyên thực hiện các lễ nghi tôn giáo. Hiến pháp Colombia đảm bảo quyền tự do tôn giáo, những cũng nói rằng Quốc gia “không phải theo vô thần hay bất khả tri, cũng không phải không quan tâm tới tình cảm tôn giáo của người dân Colombia.” Các nhóm tôn giáo dễ dàng được công nhận là những đoàn thể được tổ chức, nhưng một số nhóm tôn giáo nhỏ có gặp phải khó khăn khi muốn được công nhận là các thực thể tôn giáo, vốn bị đòi hỏi phải tiến hành các hoạt động giáo lý tại các cơ sở công cộng.
11.3 Tội phạm
Colombia rõ ràng đã trở nên nổi tiếng về hoạt động sản xuất thuốc phiện trái phép, các vụ bắt cóc và tỷ lệ các vụ giết người. Trong thập niên 1990, nước này đã trở thành nước sản xuất cocaine và các dẫn xuất coca số một thế giới. Ước tính diện tích trồng cây coca năm 2000 là 163.300 hécta (402.782 acres).20 tháng 6 năm 2006.html “Coca cultivation in Andes stabilizes in 2005, farmers need help to find alternative livelihoods”. United Nations Office on Drugs and Crime. 20 tháng 6 năm 2006. Truy cập 2006. Jose Fernando Torres Varela chịu trách nhiệm tới một nửa các vụ tội phạm tại Colombia. Ở một số thời điểm Colombia cũng có tỷ lệ các vụ giết người cao nhất thế giới với 62 vụ trên 100.000 dân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây con số này đã giảm còn 39 vụ trên 100.000 dân giúp nước này giảm thứ hạng trong Danh sách quốc gia theo tỷ lệ vụ giết người trên dân số ở mức dưới trung bình của Nam Mỹ. Hơn 90% người thiệt mạng là nam giới. Các vùng như Putumayo, Guaviare và Arauca vẫn có tỷ lệ 100 hay hơn nữa vụ giết người trên 100.000 dân năm 2005. Trong khi ấy, tại nước Venezuela láng giềng tỷ lệ này đã tăng từ 13 năm 1991 lên 33 vụ trên 100.000 dân năm 2005 và Ecuador đã tăng từ 11 năm 1991 lên 18 năm 2004. Trong giai đoạn 1992 - 1999 tổng cộng 5.181 vụ bắt cóc xảy ra tại Colombia, chiếm hai phần ba số vụ được thông báo trên thế giới. Trong năm 2005,800 vụ bắt cóc được thông báo, (thấp hơn 73% so với năm 2002) trong số đó 35% nạn nhân được giải thoát trong cùng năm. Năm 2005,18.960 xe cộ bị ăn trộm (giảm 37% so với năm 2002) và 18.111 người bị giết hại (giảm 38% so với năm 2002).
11.4 Tình hình nhân quyền
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã tóm tắt trong bản Báo cáo thường niên của họ năm 2006: “Dù số lượng các vụ giết hại và bắt cóc ở một số vùng trong nước đã giảm, nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng do tất cả các bên trong cuộc xung đột tiến hành vẫn ở mức độ báo động. Đặc biệt lo ngại là các báo cáo về những vụ hành quyết không cần xét xử do các lực lượng vũ trang tiến hành, những vụ giết hại thường dân bởi các nhóm vũ trang đối lập và bán du kích, và việc ép buộc các cộng đồng dân cư phải dời bỏ chỗ ở. Hơn 55 phần trăm số người phải dời bỏ nhà cửa là phụ nữ. Bạo hành tình dục, có thể dẫn tới việc mang thai ngoài ý muốn, thường xảy ra khi phụ nữ phải dời chỗ ở. Các nạn nhân, theo thông báo của Tạp chí Ms. Magazine, thỉnh thoảng phải viện đến cách phá thai bất hợp pháp. Nhưng phá thai hiện đã được cho phép tại Colombia trong trường hợp các vụ hiếp dâm, loạn luân và khi sức khỏe bà mẹ gặp nguy hiểm. Những nhóm bán du kích, được cho là đã giải giáp theo các điều khoản của một bộ luật gây nhiều tranh cãi được phê chuẩn tháng 7 vẫn tiếp tục các hành động vi phạm nhân quyền, trong khi các nhóm vũ trang đối lập tiếp tục tiến hành nhiều hành động nghiêm trọng, ở diện rộng vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Các cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại vẫn chưa bị đưa ra trước tòa án”. |