Bồ Đào Nha, tên chính thức là Cộng hòa Bồ Đào Nha, là một quốc gia nằm ở Tây Nam châu Âu trên bán đảo Iberia. Bồ Đào Nha là nước cực Tây của châu Âu lục địa. Bồ Đào Nha giáp với Đại Tây Dương ở phía Tây và phía Nam, giáp Tây Ban Nha ở phía Đông và phía Bắc. Các quần đảo Açores và Madeira ở ngoài khơi Đại Tây Dương cũng thuộc Bồ Đào Nha. Trên lãnh thổ Bồ Đào Nha ngày nay, con người đã có mặt từ thời tiền sử. Các dân tộc cổ đại như người Gallaeci, Lusitania, Celt, Cynete, Phoenicia, Carthage, La Mã cổ đại và những dân tộc German như Suevi, Buri, và Visigoth đã để lại ít nhiều ảnh hưởng đến lịch sử lãnh thổ Bồ Đào Nha ngày nay. Lãnh thổ Bồ Đào Nha lúc đó được sáp nhập vào Đế quốc La Mã thành tỉnh Lusitania. Văn hóa La Mã để lại dấu ấn sâu đậm, nhất là về mặt ngôn ngữ: tiếng Bồ Đào Nha gốc từ tiếng Latinh của người La Mã. Vào thế kỷ thứ V, sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ, những bộ tộc German tràn vào xâm chiếm. Sang đầu thế kỷ thứ VIII, người Moor theo đạo Hồi giáo từ Bắc Phi mở cuộc chinh phục Lusitania, chiếm được gần hết bán đảo Iberia, thu phục các tiểu vương quốc German theo đạo Thiên Chúa về một mối. Những thế kỷ kế tiếp, dân đạo Thiên Chúa cố đánh đuổi người Hồi giáo trong cuộc “Tái chinh phục”. Bá quốc Bồ Đào Nha được thành lập và là một phần của Vương quốc Galicia. Vì vương quốc được thành lập, công nhận năm 1143 và có biên giới ổn định năm 1249, Bồ Đào Nha tự nhận là quốc gia dân tộc lâu đời nhất ở châu Âu. Trong suốt thế kỷ XV và XVI, nhờ thám hiểm hàng hải, Bồ Đào Nha đã thành lập một đế quốc toàn cầu bao gồm những thuộc địa ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, trở thành một trong những nền kinh tế, chính trị và quân sự mạnh nhất thế giới. Năm 1580, Bồ Đào Nha liên minh với Tây Ban Nha tạo thành Liên minh Iberia. Tuy nhiên vào năm 1640, Bồ Đào Nha cũng cố lại chủ quyền và độc lập trong cuộc Chiến tranh phục hồi Bồ Đào Nha, dẫn đến một triều đại mới được thành lập và trở về tình trạng chia tách của hai vương triều và đế quốc. Năm 1755, có động đất mạnh ở Lisboa, sau đó Bồ Đào Nha bị Tây Ban Nha và Pháp xâm lược, rồi để mất thuộc địa lớn nhất là Brasil, dẫn đến sự mất ổn định về chính trị và tiềm năng kinh tế cũng như sự giảm sút sức mạnh toàn cầu trong suốt thế kỷ XIX. Năm 1910, chế độ quân chủ bị lật đổ, nền cộng hòa được thành lập và sau đó là chế độ độc tài. Với cuộc Chiến tranh Thực dân Bồ Đào Nha và cuộc đảo chính Cách mạng Hoa cẩm chướng vào năm 1974, nền độc tài bị lật đổ ở Lisboa và Bồ Đào Nha trao trả những tỉnh hải ngoại cuối cùng (Angola và Mozambique). Việc trao trả Ma Cao cho Trung Quốc vào năm 1999 đánh dấu kết thúc một đế quốc thực dân tồn tại lâu nhất. Bồ Đào Nha để lại ảnh hưởng sâu sắc về văn hoá và kiến trúc trên toàn cầu, và một di sản về ngôn ngữ với trên 250 triệu người nói tiếng Bồ Đào Nha. Bồ Đào Nha có nền kinh tế tiến bộ với thu nhập cao và tiêu chuẩn sinh hoạt cao. Đây là quốc gia có chỉ số hoà bình cao thứ ba trên thế giới vào năm 2016 và là một trong 13 quốc gia bền vững nhất vào năm 2017, duy trì hình thức chính phủ cộng hoà bán tổng thống nhất thể. Bồ Đào Nha là thành viên sáng lập của NATO và Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha, và cũng là một thành viên của nhiều tổ chức quốc tế khác như Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Khu vực đồng euro, và OECD.
1 Tên gọi
Tên gọi của Bồ Đào Nha trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung. Quốc hiệu “Portugal” chia thành “Por-tu-gal” và tiếng Trung phiên âm nó là Pú táo yá, âm Hán Việt là “Bồ Đào Nha”. Quốc hiệu Bồ Đào Nha (tiếng Bồ Đào Nha: Portugal) bắt nguồn từ tên của làng Cale ở thung lũng sông Douro. Cale có thể là một từ của tiếng Hy Lạp (Kalles: đẹp) và dùng để chỉ vẻ đẹp của tự nhiên ở vùng miền bắc của nước Bồ Đào Nha ngày nay, thuộc địa của Hy Lạp trong thời kỳ Thượng cổ. Những nhà lịch sử học khác cho rằng cale có nguồn gốc từ tiếng Phoenicia vì người Phoenicia đã định cư ở Bồ Đào Nha trước cả người Hy Lạp. Khi phần đất của Bồ Đào Nha ngày nay thuộc về Đế quốc La Mã, Cale trở thành một cảng quan trọng, trong tiếng La Tinh là Portus Cale. Trong thời kỳ Trung Cổ Portus Cale trở thành Portucale và sau đó là Portugale, thế nhưng trong thế kỷ thứ VII và thế kỷ thứ VIII từ này chỉ dùng để chỉ phần đất miền bắc của nước Bồ Đào Nha, tức là vùng giữa hai con sông Douro và Minho. Về mặt khác, Portus Cale được rút ngắn thành Porto, thành phố quan trọng thứ nhì của Bồ Đào Nha, người dân nơi đây tự hào là thành phố mang tên cho đất nước.
2 Lịch sử
2.1 Sơ khởi
Khu vực Bồ Đào Nha ngày nay có người Neanderthal và tiếp đó là người tinh khôn cư trú, họ du cư trên vùng phía bắc của bán đảo Iberia. Đây là các xã hội tự cung tự cấp, mặc dù họ không lập nên các khu định cư thịnh vượng song đã hình thành nên các xã hội có tổ chức. Trong thời đại đồ đá mới tại Bồ Đào Nha, diễn ra việc thử nghiệm thuần hoá và nuôi các loài động vật theo đàn, trồng một số loại ngũ cốc hoặc đánh cá biển. Một số học giả cho rằng vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất TCN, một số làn sóng người Celt từ Trung Âu tràn tới Bồ Đào Nha và liên hôn với cư dân địa phương, điều này hình thành nên các bộ lạc khác nhau. Khảo cổ học và nghiên cứu hiện đại cho thấy người Celt tại Bồ Đào Nha và các nơi khác có một phần nguồn gốc tại Bồ Đào Nha. Đứng đầu trong số các bộ lạc này là người Lusitania, họ tập trung chủ yếu tại khu vực nội địa thuộc miền trung Bồ Đào Nha, một số bộ lạc khác có liên quan về mặt huyết thống là người Gallaeci tại miền bắc, người Celtici tại Alentejo, và Cynetes hoặc Conii tại Algarve. Những bộ lạc nhỏ hơn nằm ở khu vực lân cận hoặc giữa các bộ lạc này là người Bracari, Coelerni, Equaesi, Grovii, Interamici, Leuni, Luanqui, Limici, Narbasi, Nemetati, Paesuri, Quaquerni, Seurbi, Tamagani, Tapoli, Turduli, Turduli Veteres, Turdulorum Oppida, Turodi, và Zoelae. Một vài khu dân cư duyên hải nhỏ, bán cố định, dùng cho thương mại cũng được người Phoenicia-Carthago lập ra tại Algarve.
2.2 Thời La Mã
Người La Mã (Roma) lần đầu xâm chiếm bán đảo Iberia vào năm 219 TCN. Trong Chiến tranh Punic, người La Mã đánh đuổi người Carthago ra khỏi các thuộc địa duyên hải. Đến cuối thời Julius Caesar, hầu như toàn bộ bán đảo bị sáp nhập vào Cộng hoà La Mã. Cuộc chinh phục của người La Mã tại Bồ Đào Nha ngày nay mất gần hai trăm năm và khiến cho nhiều binh sĩ trẻ tuổi thiệt mạng. Người La Mã phải chịu một thất bại nghiêm trọng vào năm 150 TCN khi có một cuộc khởi nghĩa nổ ra ở miền bắc. Người Lusitania và các bộ lạc bản địa khác dưới sự lãnh đạo của Viriato giành được quyền kiểm soát toàn bộ miền tây Iberia. Người La Mã sau đó phái nhiều quân đoàn và những vị tướng giỏi nhất của họ đến Lusitania nhằm trấn áp cuộc khởi nghĩa song không có hiệu quả, họ bèn chuyển sang mua chuộc các đồng minh của Viriato để sát hại ông. Năm 139 TCN, Viriato bị ám sát, và Táutalo trở thành thủ lĩnh song không thành công. Người La Mã lập ra một chế độ thuộc địa, và công cuộc La Mã hoá Lusitania chỉ hoàn thành vào thời đại Visigoth. Năm 27 TCN, Lusitania có được vị thế một tỉnh của La Mã. Sau đó, một khu vực phía bắc Lusitania trở thành tỉnh riêng gọi là Gallaecia, với thủ phủ tại Bracara Augusta, nay là Braga. Hiện vẫn còn nhiều tàn tích về các hào luỹ trên đỉnh đồi khắp Bồ Đào Nha và các di tích của nền văn hoá Castro. Nhiều di chỉ La Mã nằm rải rác tại Bồ Đào Nha, một số tàn tích đô thị có quy mô khá lớn, như Conímbriga và Mirobriga. Một số công trình xây dựng kỹ thuật La Mã như các nhà tắm, đền thờ, cầu, đường, rạp xiếc, nhà hát và nhà ở của thường dân được bảo tồn trên khắp Bồ Đào Nha. Các nhà khảo cổ học cũng phát hiện được các đồng tiền xu, một vài đồng xu trong số đó được đúc trên đất Lusitania, cùng với nhiều mảnh vỡ của đồ gốm. Các sử gia đương thời như Paulus Orosius (khoảng 375-418) và Hydatius (khoảng 400-469), giám mục của Aquae Flaviae, đã ghi chép lại về những năm cuối cùng nằm dưới sự cai trị của La Mã và về sự kiện các bộ lạc German tiến đến.
2.3 Các vương quốc German
Vào đầu thế kỷ V, các bộ lạc German là Suebi và Vandal (Silingi và Hasdingi) cùng với các đồng minh Sarmatia và Alan của họ tiến hành xâm chiếm bán đảo Iberia, và lập ra vương quốc của họ. Vương quốc của người Suebi thành lập trên các tĩnh cũ Gallaecia-Lusitania của La Mã. Dấu tích các khu định cư trong thế kỷ V của người Alan được phát hiện tại Alenquer, Coimbra và Lisbon. Vào năm 500, Vương quốc Visigoth được thành lập tại Iberia, có trung tâm tại Toledo nay thuộc Tây Ban Nha. Người Visigoth cuối cùng chinh phục thành công người Suebi và thành phố thủ đô Bracara (nay là Braga) vào năm 584-585. Lãnh thổ cũ của người Suebi trở thành tỉnh thứ sáu của Vương quốc Visigoth. Trong 300 năm sau đó, toàn bộ bán đảo Iberia thuộc quyền cai trị của người Visigoth. Giai đoạn này kéo dài cho đến năm 711, khi Quốc vương Roderic (Rodrigo) tử trận trong cuộc kháng chiến chống lại một cuộc xâm lược của người Moor Hồi giáo từ phía nam. Trong nhiều nhóm German định cư tại miền tây Iberia, người Suebi để lại di sản văn hoá bền vững mạnh mẽ nhất tại Bồ Đào Nha, Galicia và Asturias hiện nay. Theo Dan Stanislawski, cách thức sinh hoạt của người Bồ Đào Nha tại các vùng phía bắc sông Tagus (Tejo) hầu hết là kế thừa từ người Suebi, trong đó các nông trại nhỏ chiếm ưu thế, khác biệt so với các điền trang lớn tại miền nam Bồ Đào Nha. Bracara (Augusta) trở thành kinh đô của người Suebi, địa điểm này là thủ phủ cũ của Gallaecia và nay là thành phố Braga. Orosius trong thời gian sinh sống tại Hispania ghi lại rằng công cuộc định cư ban đầu diễn ra khá thanh bình, những người mới đến canh tác trên đất của họ hoặc làm vệ sĩ cho cư dân địa phương.
2.4 Thời kỳ Hồi giáo và Reconquista
Đế quốc Umayyad đánh bại người Visigoth chỉ trong vài tháng, và bành trướng nhanh chóng tại bán đảo Iberia. Bắt đầu vào năm 711, vùng đất nay là Bồ Đào Nha trở thành bộ phận của Đế quốc Umayyad rộng lớn. Đế quốc này sụp đổ vào năm 750, trong cùng năm phần phía tây của Umayyad giành độc lập dưới quyền Abd-ar-Rahman I khi lập nên Tiểu vương quốc Córdoba. Năm 929, Đế quốc Córdoba hình thành, song đến năm 1031 thì giải thể thành không ít hơn 23 vương quốc nhỏ, gọi là các vương quốc Taifa. Các thống đốc của các taifa đều tự xưng là emir của tỉnh mình. Hầu hết Bồ Đào Nha thuộc về taifa Badajoz của Vương triều Aftasid, và sau đó trong một thời gian ngắn ngủi thuộc taifa Lisboa năm 1022-1034, rồi nằm dưới quyền thống trị của taifa Sevilla thuộc Vương triều Abbadid. Giai đoạn Taifa thứ nhất kết thúc khi Vương triều Almoravid từ Maroc đến chinh phục vào năm 1086. Đến năm 1147, một giai đoạn Taifa thứ nhì cũng kết thúc dưới tay Vương triều Almohad cũng đến từ Maroc. Các thành phố chính trong giai đoạn người Hồi giáo cai trị Bồ Đào Nha là Beja, Silves, Alcácer do Sal, Santarém và Lisboa. Dân số Hồi giáo trong khu vực gồm chủ yếu là người Iberia bản địa cải sang Hồi giáo (gọi là Muwallad hay Muladi) và người Berber. Người Ả Rập phần lớn là quý tộc đến từ Syria và Oman; và mặc dù có số lượng ít song họ tạo thành tầng lớp tinh hoa trong dân chúng. Người Berber có nguồn gốc từ dãy núi Atlas và Rif tại Bắc Phi và về cơ bản là sống du cư.
2.5 Bá quốc Bồ Đào Nha
Năm 722, một quý tộc Visigoth là Pelayo (Pelágio) xưng vương, lập ra Vương quốc Asturias Cơ Đốc giáo và tiếp tục chiến tranh tái chinh phục của người Cơ Đốc giáo từ người Moor, trong tiếng Bồ Đào Nha gọi là Reconquista Cristã. Đến cuối thế kỷ IX, khu vực phía bắc Bồ Đào Nha nằm giữa các sông Minho và Douro được giải phóng hoặc tái chinh phục từ người Moor, dưới quyền Vímara Peres theo lệnh của Quốc vương Asturias Alfonso III. Nhận thấy khu vực trước đó từng có hai thành phố lớn-Portus Cale tại ven biển và Braga tại nội lục, cùng nhiều thị trấn đang bị bỏ hoang-ông quyết định khôi phục dân số và tái thiết chúng bằng những nạn dân Bồ Đào Nha và Galicia cùng những người Cơ Đốc giáo khác. Vímara Peres tổ chức khu vực ông giải phóng từ người Moor, nâng vị thế của nó thành một bá quốc với tên gọi Bồ Đào Nha (Portugal) theo tên thành phố cảng lớn nhất trong vùng-Portus Cale’ hay Porto ngày nay. Một trong các thành phố đầu tiên được Vimara Peres thành lập vào thời gian này là Vimaranes, nay gọi là Guimarães- “nơi khai sinh quốc gia Bồ Đào Nha” hoặc “thành phố cội nguồn” (Cidade Berço trong tiếng Bồ Đào Nha). Năm 868, Alfonso III phong tước cho Vímara Peres là Bá tước Portus Cale (Bồ Đào Nha) thứ nhất. Khu vực được gọi là Portucale, Portugale, và đồng thời là Portugália-Bá quốc Bồ Đào Nha. Năm 910, do tranh chấp kế vị, Vương quốc Asturias bị phân thành León, Galicia và Asturias, đến năm 924 thì thống nhất dưới quyền León. Trong thời gian đấu tranh tương tàn này, Bá quốc Bồ Đào Nha tạo thành phần phía nam của Vương quốc Galicia. Vương quốc Galicia tồn tại độc lập chỉ trong một giai đoạn ngắn, song thường là một bộ phận quan trọng của Vương quốc León. Trong suốt giai đoạn này, dân chúng Bá quốc Bồ Đào Nha với tư cách là người Galicia đã tự mình đấu tranh nhằm duy trì quyền tự trị của Galicia, một nơi có ngôn ngữ và văn hoá riêng biệt so với văn hoá Léon. Do phân chia chính trị, người Galicia-Bồ Đào Nha mất đi tính thống nhất khi Bá quốc Bồ Đào Nha tách khỏi Galicia thuộc Léon để lập nên Vương quốc Bồ Đào Nha. Năm 1093, Quốc vương Alfonso VI của León và Castilla ban bá quốc cho Henrique xứ Bourgogne, và gả con gái là Teresa cho Henrique vì vai trò của nhân vật này trong việc tái chinh phục vùng đất từ người Moor. Henrique đặt căn cứ bá quốc mới thành lập của mình tại Bracara Augusta (nay là Braga).
2.6 Độc lập và giai đoạn Afonso
Năm 1128, Bá tước Bồ Đào Nha Afonso Henriques đánh bại mẹ ông là Teresa cùng tình nhân của bà là Fernão Peres de Trava trong trận São Mamede, trở thành nhà lãnh đạo duy nhất. Afonso sau đó chuyển sang chống người Moor tại phía nam. Các chiến dịch của Afonso thắng lợi, và đến ngày 25 tháng 7 năm 1139, ông giành được thắng lợi áp đảo trong trận Ourique, và ngay sau đó được các binh sĩ nhất trí tôn là Quốc vương Bồ Đào Nha. Sự kiện này theo truyền thống được cho là thời điểm Bá quốc Bồ Đào Nha từ một thái ấp của Vương quốc Léon trở thành Vương quốc Bồ Đào Nha độc lập. Afonso được Quốc vương Alfonso VII của León công nhận vào năm 1143, và đến năm 1179 thì được Giáo hoàng Alexander III công nhận. Trong giai đoạn Reconquista, các thế lực Cơ Đốc giáo tái chinh phục bán đảo Iberia từ người Moor Hồi giáo. Afonso Henriques và những người kế thừa ông tràn xuống phía nam để đẩy lui người Moor, đương thời Bồ Đào Nha bao gồm khoảng một nửa lãnh thổ hiện tại. Năm 1249, Reconquista kết thúc khi người Bồ Đào Nha chiếm lĩnh Algarve và hoàn thành trục xuất các khu định cư cuối cùng của người Moor trên bờ biển miền nam, hình thành hầu hết biên giới hiện tại của Bồ Đào Nha. Trong một tình thế xung đột với Vương quốc Castilla, Dinis I của Bồ Đào Nha ký kết Hiệp định Alcañices (1297) với Fernando IV của Castilla và Léon, quy định rằng Bồ Đào Nha bãi bỏ các hiệp định trước đó chống lại Vương quốc Castilla. Hiệp định còn có nội dung về phân ranh giới giữa Vương quốc Bồ Đào Nha và Vương quốc Léon. Dưới thời cai trị của Dinis I, Afonso IV, và Pedro I, các vương quốc Cơ Đốc giáo tại Iberia phần lớn là được hưởng hoà bình. Năm 1348-1349, Bồ Đào Nha bị dịch bệnh Cái chết Đen tàn phá giống như phần còn lại của châu Âu. Năm 1373, Bồ Đào Nha lập một liên minh với Anh, đây là liên minh tồn tại lâu năm nhất trên thế giới.
2.7 Thời đại khám phá
Quốc vương Juan I của Castilla là chồng của Beatriz - người con duy nhất của Quốc vương Bồ Đào Nha Fernando I. Năm 1383, Juan I yêu sách vương vị Bồ Đào Nha. João xứ Avis lãnh đạo một phái gồm quý tộc nhỏ và thường dân đánh bại người Castilla trong trận Aljubarrota, Nhà Avis trở thành gia tộc cai trị Bồ Đào Nha. Bồ Đào Nha đi tiên phong trong phong trào châu Âu khám phá thế giới và Thời đại Khám phá. Henrique Nhà hàng hải, con trai của Quốc vương João I, trở thành người tài trợ và bảo trợ chính cho nỗ lực này. Năm 1415, Bồ Đào Nha giành được thuộc địa hải ngoại đầu tiên khi họ chinh phục Ceuta, một trung tâm mậu dịch Hồi giáo thịnh vượng tại Bắc Phi. Tiếp đến là khám phá các quần đảo trên Đại Tây Dương: Madeira và Açores, dẫn tới các phong trào thuộc địa hoá đầu tiên. Trong suốt thế kỷ XV, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đi thuyền dọc bờ biển châu Phi, lập các điểm giao thương một số loại hàng hoá thông thường vào thời kỳ đó, từ vàng cho đến nô lệ, họ muốn tìm kiếm một tuyến đường đến Ấn Độ và tiếp cận nguồn gia vị nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn tại châu Âu. Nhằm giải quyết tranh chấp giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sau chuyến đi của Cristoforo Colombo, Giáo hoàng Alexander VI làm trung gian cho Hiệp ước Tordesillas. Hiệp định được ký kết vào năm 1494, phân chia các vùng đất mới khám phá bên ngoài châu Âu giữa hai quốc gia dọc theo một kinh tuyến cách 370 league (2.193 km) về phía tây của quần đảo Cabo Verde. Bồ Đào Nha trở thành một trong các cường quốc kinh tế, quân sự và chính trị lớn trên thế giới từ thế kỷ XV cho đến cuối thế kỷ XVI. Năm 1498, Vasco da Gama đến được Ấn Độ và đem lại thịnh vượng kinh tế cho Bồ Đào Nha, giúp khởi đầu Phục hưng Bồ Đào Nha. Năm 1500, Pedro Álvares Cabral khám phá Brasil và yêu sách khu vực này cho Bồ Đào Nha. Mười năm sau, Afonso de Albuquerque chinh phục Goa tại Ấn Độ, cùng Muscat và Ormuz tại khu vực eo biển Ba Tư, và Malacca tại Viễn Đông. Do đó, đế quốc này nắm quyền chi phối về thương mại tại Ấn Độ Dương và Nam Đại Tây Dương. Các thuỷ thủ Bồ Đào Nha cũng đi đến Đông Á, tới các địa điểm như Đài Loan, Nhật Bản, đảo Timor và quần đảo Maluku.
2.8 Liên minh Iberia và phục hồi
Chủ quyền của Bồ Đào Nha bị gián đoạn từ năm 1580 đến năm 1640, nguyên nhân là hai vị quốc vương cuối của Nhà Avis đều không có người kế tự - Quốc vương Sebastião I thiệt mạng trong trận Alcácer Quibir tại Maroc, và ông chú của Sebastião I là Quốc vương Henrique, dẫn đến khủng hoảng kế vị Bồ Đào Nha năm 1580. Sau đó, Felipe II của Tây Ban Nha yêu sách vương vị với tư cách là cháu ngoại của Quốc vương Bồ Đào Nha Manuel I, lấy hiệu là Filipe I của Bồ Đào Nha. Mặc dù Bồ Đào Nha không mất độc lập trên danh nghĩa, song có cùng một vị quân chủ cai quản với Đế quốc Tây Ban Nha, hình thành liên minh của các vương quốc. Vào đương thời, Tây Ban Nha là một lãnh thổ địa lý. Việc hợp nhất này đã tước đoạt chính sách đối ngoại độc lập của Bồ Đào Nha và dẫn đến việc họ tham gia Chiến tranh Tám mươi Năm giữa Tây Ban Nha và Hà Lan. Cuộc chiến này làm tổn hại quan hệ giữa Bồ Đào Nha và đồng minh lâu năm nhất của họ là Anh, và để mất cảng mậu dịch chiến lược Hormuz tại vùng vịnh Ba Tư. Từ năm 1595 đến năm 1663, Chiến tranh Hà Lan-Bồ Đào Nha chủ yếu liên quan đến việc các công ty Hà Lan xâm phạm nhiều thuộc địa và lợi ích thương nghiệp của Bồ Đào Nha tại Brasil, châu Phi, Ấn Độ và Viễn Đông, khiến Bồ Đào Nha bị mất thế độc quyền mậu dịch hàng hải trên Ấn Độ Dương. Năm 1640, João IV dẫn đầu một cuộc khởi nghĩa, được ủng hộ từ các quý tộc bất bình, và xưng là quốc vương. Chiến tranh phục hồi Bồ Đào Nha giữa Bồ Đào Nha và Đế quốc Tây Ban Nha sau cuộc khởi nghĩa năm 1640 đã kết thúc giai đoạn 60 năm Liên minh Iberia dưới quyền Gia tộc Habsburg. Sự kiện này khởi đầu Nhà Braganza, họ cai trị Bồ Đào Nha cho đến năm 1910. Con cả của João IV kế vị với hiệu là Afonso VI, tuy nhiên do khuyết tật nên bị Bá tước Luís de Vasconcelos e Sousa áp đảo. Vợ của ông là Maria Francisca và em trai ông là Công tước Pedro tiến hành một cuộc chính biến cung đình, lưu đày Afonso VI. Sau khi Afonso VI mất, Pedro đăng cơ với hiệu là Pedro II. Thời kỳ cai trị của Pedro II diễn ra củng cố độc lập quốc gia, bành trướng đế quốc, và đầu tư vào sản xuất nội địa. Con trai của Pedro II là João V, thời gian ông cai trị có đặc điểm là dòng tiền vàng đổ vào ngân khố triều đình, phần lớn là do thuế một phần năm của vương thất (đánh vào kim loại quý) thu từ các thuộc địa Brasil và Maranhão. João V trở thành một quân chủ chuyên chế, gần như làm cạn kiệt nguồn thuế thu được cho các công trình kiến trúc tham vọng, đáng chú ý nhất là Cung điện Mafra, và cho các bộ sưu tập mỹ thuật và văn học đồ sộ của ông. Ước tính chính thức cho rằng số lượng di dân Bồ Đào Nha sang Brasil trong cơn sốt vàng vào thế kỷ XVIII là 600.000 người, các ước tính khác đưa ra con số vượt xa. Đây là một trong những cuộc di chuyển lớn nhất của cư dân châu Âu đến các thuộc địa của họ tại châu Mỹ thời thuộc địa.
2.9 Giai đoạn Pombaline và Khai sáng
José I kế vị vào năm 1750, do tin trưởng vào Sebastião de Melo, José I giao phó cho ông ta thêm nhiều quyền kiểm soát quốc gia. Do ấn tượng trước thành công kinh tế của người Anh, Melo thi hành thành công các chính sách kinh tế tương tự tại Bồ Đào Nha. Ông bãi bỏ chế độ nô lệ tại Bồ Đào Nha và trong các thuộc địa của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ; tái tổ chức lục quân và hải quân; tái tổ chức Đại học Coimbra, và chấm dứt kỳ thị chống các giáo phái Cơ Đốc giáo khác biệt tại Bồ Đào Nha. Cải cách lớn nhất của Sebastião de Melo là về kinh tế và tài chính, ông áp đặt pháp luật nghiêm ngặt lên mọi tầng lớp trong xã hội Bồ Đào Nha, và xét lại hệ thống thuế của quốc gia. Những cải cách này khiến ông trở thành đối thủ của tầng lớp thượng lưu. Ngày 1 tháng 11 năm 1755, thủ đô Lisboa bị tác động từ một trận động đất mạnh ước tính đạt đến 8,5-9 độ theo thang đo mô men. Thành phố bị san bằng do động đất, cùng cơn sóng thần và hoả hoạn sau đó. Sebastião de Melo lập tức bắt tay tái thiết thành phố, trung tâm thủ đô mới được thiết kế nhằm chống chịu được các trận động đất sau này. Sau động đất, José I trao cho Sebastião de Melo thêm nhiều quyền lực hơn nữa, và vị thủ tướng này trở thành một nhà độc tài quyền lực và cấp tiến. Năm 1758, José I bị thương trong một nỗ lực ám sát, gia tộc Távora và Công tước xứ Aveiro bị kết tội và hành quyết. Dòng Tên bị trục xuất khỏi Bồ Đào Nha và tài sản của họ bị sung công. Sebastião de Melo khởi tố mọi người có liên quan, đây là cú đánh cuối cùng làm tan vỡ quyền lực của giới quý tộc. Năm 1762, Tây Ban Nha xâm chiếm lãnh thổ Bồ Đào Nha trong khuôn khổ Chiến tranh Bảy Năm, song đến năm 1763 Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khôi phục hiện trạng trước chiến tranh. Sau vụ án Távora, Sebastião de Melo không còn thế lực đối lập, ông cai trị Bồ Đào Nha trên thực tế cho đến khi José I mất vào năm 1779. Tuy nhiên, các sử gia cũng lập luận rằng “khai sáng” của Pombal dù có ảnh hưởng sâu rộng song chủ yếu là một kỹ xảo giúp nâng cao chế độ chuyên quyền gây tổn hại cho tự do cá nhân và đặc biệt là một công cụ để nghiền nát phe đối lập, đàn áp chỉ trích, và đẩy mạnh khai thác kinh tế thuộc địa cũng như tăng cường kiểm duyệt sách và củng cố quyền kiểm soát và lợi ích cá nhân.
2.10 Giai đoạn Napoléon
Quân chủ mới là Maria I không ưa Sebastião de Melo, và thu hồi toàn bộ chức vụ chính trị của ông ta. Đến mùa thu năm 1807, Napoléon đưa quân Pháp qua Tây Ban Nha để xâm chiếm Bồ Đào Nha. Từ năm 1807 đến năm 1811, lực lượng Anh-Bồ Đào Nha chiến đấu chống quân Pháp. Năm 1807, khi quân đội của Napoléon tiến đến gần Lisboa, Nhiếp chính vương João VI của Bồ Đào Nha quyết định chuyển triều đình Bồ Đào Nha sang Brasil và lập Rio de Janeiro làm thủ đô của Đế quốc Bồ Đào Nha. Năm 1815, Brasil được tuyên bố là một vương quốc, và Vương quốc Bồ Đào Nha liên hiệp với Brasil để hình thành một nhà nước liên lục địa là Vương quốc Liên hiệp Bồ Đào Nha, Brasil và Algarve. Sự kiện Napoléon chiếm đóng Bồ Đào Nha đánh dấu quá trình suy thoái chậm của quốc gia này cho đến thế kỷ XX. Quá trình này được đẩy nhanh khi Brasil độc lập vào năm 1822, đây vốn là tài sản thuộc địa lớn nhất của Bồ Đào Nha. Đến năm 1815, tình hình châu Âu hạ nhiệt đủ để João VI có thể an toàn trở về Lisboa. Tuy nhiên, ông vẫn ở lại Brasil cho đến khi Cách mạng Tự do năm 1820 bùng phát từ Porto, khiến ông phải trở về Lisboa vào năm 1821. João VI trở về Bồ Đào Nha song để con trai mình là Pedro cai quản Brasil. Đến khi Chính phủ Bồ Đào Nha nỗ lực đưa Vương quốc Brasil trở lại làm lãnh thổ phụ thuộc, Pedro tuyên bố Brasil độc lập từ Bồ Đào Nha với sự ủng hộ áp đảo từ giới tinh hoa Brasil. Bồ Đào Nha công nhận Brasil độc lập vào năm 1825. João VI mất vào năm 1826, gây ra vấn đề nghiêm trọng về kế vị do Pedro là một quân chủ của Brasil. Pedro cai trị Bồ Đào Nha một thời gian ngắn với hiệu Pedro IV rồi nhường ngôi cho con gái là Maria II. Tuy nhiên, em trai của Pedro là Miguel yêu sách vương vị, đăng cơ vào năm 1828 với hiệu là Miguel I. Nhằm bảo vệ quyền lợi cho con gái, Pedro phát động Chiến tranh Tự do nhằm phục vị cho con gái và lập chế độ quân chủ lập hiến tại Bồ Đào Nha. Chiến tranh kết thúc vào năm 1834 với thất bại của Miguel, một bản hiến pháp được công bố, và Maria II phục vị.
2.11 Quân chủ lập hiến
Con trai của Maria II và Fernando II là Pedro V tiến hành hiện đại hoá Bồ Đào Nha trong thời gian cai trị ngắn ngủi của mình. Trong thời gian này, đường bộ, điện báo, và đường sắt được xây dựng, và có các cải thiện về y tế công cộng. Ông qua đời vào năm 1861, em trai ông là Luís I kế vị và tiếp tục hiện đại hoá. Trong khi chủ nghĩa thực dân châu Âu đạt đỉnh cao vào thế kỷ XIX, thì Bồ Đào Nha lại mất lãnh thổ tại Nam Mỹ và chỉ còn vài căn cứ tại châu Á. Trong giai đoạn này, chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha tập trung vào bành trướng các tiền đồn của họ tại châu Phi thành các lãnh thổ có quy mô quốc gia nhằm cạnh tranh với các cường quốc châu Âu khác tại đây. Trong Hội nghị Berlin năm 1884, các lãnh thổ của Bồ Đào Nha tại châu Phi có biên giới chính thức nhằm bảo vệ lợi ích của Bồ Đào Nha trong Tranh giành châu Phi. Các lãnh thổ của Bồ Đào Nha tại châu Phi là Cabo Verde, São Tomé và Príncipe, Guiné, Angola và Mozambique. Ngoài ra, Bồ Đào Nha duy trì kiểm soát các một số lãnh thổ nhỏ tại Ấn Độ, cùng Timor và Macau. Người Bồ Đào Nha thành lập hoặc xây dựng lại các thành thị tại châu Phi, và trước khi bước sang thế kỷ XX họ đã bắt đầu xây dựng đường ray đường sắt nhằm liên kết các khu vực ven biển với nội lục tại Angola và Mozambique. Trong thời gian cai trị của Carlos I, Bồ Đào Nha hai lần tuyên bố phá sản vào năm 1892 và năm 1902, gây náo động xã hội, xáo trộn kinh tế, các cuộc kháng nghị, khởi nghĩa và chỉ trích chế độ quân chủ. Ngày 1 tháng 2 năm 1908, Quốc vương và người thừa kế là Vương tử Luís Filipe bị ám sát tại Lisboa. Manuel II trở thành tân vương, song cuối cùng bị lật đổ trong cuộc cách mạng ngày 5 tháng 10 năm 1910, cách mạng bãi bỏ chế độ quân chủ và lập thể chế cộng hoà tại Bồ Đào Nha.
2.12 Nền Cộng hoà thứ nhất và thứ hai
Bất ổn chính trị và kinh tế yếu kém là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗn loạn thời Đệ Nhất Cộng hòa Bồ Đào Nha. Các sự kiện phát sinh là Quân chủ miền Bắc đoản mệnh, đảo chính ngày 28 tháng 5 năm 1926, và lập ra chế độ độc tài quốc gia (Ditadura Nacional). Chế độ độc tài hữu khuynh Estado Novo dưới quyền António de Oliveira Salazar hình thành vào năm 1933. Bồ Đào Nha nằm trong số ít quốc gia châu Âu duy trì trung lập trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ thập niên 1940 đến thập niên 1960, Bồ Đào Nha tham gia sáng lập NATO, OECD và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Chính phủ dần khởi xướng các dự án phát triển kinh tế mới và di chuyển công dân Bồ Đào Nha sang các tỉnh hải ngoại tại châu Phi, chủ yếu là Angola và Mozambique. Các động thái này là nhằm khẳng định Bồ Đào Nha là một quốc gia liên lục địa thay vì một đế quốc thực dân. Sau khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, các cư dân thân Ấn Độ tại Dadra và Nagar Haveli tiến hành ly khai khỏi Bồ Đào Nha vào năm 1954 nhờ giúp đỡ từ Ấn Độ. Đến tháng 1961, quân đội Bồ Đào Nha tham gia xung đột vũ trang với quân đội Ấn Độ tại lãnh thổ Goa và Daman và Diu. Kết quả là người Bồ Đào Nha thất bại, để mất các lãnh thổ tại tiểu lục địa Ấn Độ. Bồ Đào Nha từ chối công nhận chủ quyền của Ấn Độ đối với các lãnh thổ bị sáp nhập cho đến năm 1974. Cũng trong đầu thập niên 1960, bùng phát các phong trào độc lập tại các tỉnh hải ngoại Angola và Mozambique, dẫn đến Chiến tranh Thực dân Bồ Đào Nha (1961-1974). Trong suốt chiến tranh thực dân, Bồ Đào Nha phải đối diện với tình trạng gia tăng bất đồng, cấm vận vũ khí và các chế tài trừng phạt các của hầu hết cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, chế độ Estado Novo chuyên chế và bảo thủ dưới quyền António de Oliveira Salazar và từ năm 1968 là Marcelo Caetano vẫn nỗ lực bảo tồn đế quốc liên lục địa rộng lớn với tổng diện tích hơn 2 triệu km².
2.13 Hiện đại
Một cuộc đảo chính quân sự tả khuynh không đổ máu diễn ra tại Lisboa vào tháng 12 năm 1974, có tên là Cách mạng Hoa cẩm chướng. Các lãnh thổ hải ngoại của Bồ Đào Nha tại châu Phi và châu Á được độc lập, chế độ dân chủ trong nước được khôi phục sau giai đoạn hai năm chuyển đổi gọi là PREC (Processo Revolucionário Em Curso). Giai đoạn này có đặc điểm là náo loạn xã hội và tranh chấp quyền lực giữa các thế lực chính trị tả khuynh và hữu khuynh. Việc các lãnh thổ hải ngoại độc lập dẫn đến một làn sóng công dân Bồ Đào Nha hồi hương (chủ yếu là từ Angola và Mozambique). Tổng cộng, trên một triệu người tị nạn Bồ Đào Nha đào thoát khỏi các tĩnh cũ tại châu Phi. Bồ Đào Nha tiếp tục nằm dưới quyền cai quản của một chính phủ quân sự cho đến bầu cử nghị viện năm 1976. Đảng Xã hội Bồ Đào Nha giành thắng lợi, và thủ lĩnh đảng này là Mário Soares trở thành thủ tướng, nắm quyền từ 1976 đến 1978 và từ 1983 đến 1985. Trong vai trò thủ tướng, Soares nỗ lực khôi phục tăng trưởng kinh tế và thành tích phát triển từng đạt được trong thập niên cuối trước cách mạng. Ông khởi xướng một quá trình gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) vào năm 1977. Cải cách ruộng đất và quốc hữu hoá được thi hành, Hiến pháp Bồ Đào Nha được sửa lại nhằm phù hợp với các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Cho đến trước sửa đổi hiến pháp vào năm 1982 và 1989, hiến pháp là một văn kiện có tính tư tưởng cao độ với nhiều đề cập đến chủ nghĩa xã hội, quyền lợi của người lao động, và khao khát về một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Sau khi chuyển đổi sang thể chế dân chủ, tình hình kinh tế Bồ Đào Nha xấu đi buộc chính phủ phải theo đuổi các chương trình ổn định do IMF giám sát vào năm 1977-78 và 1983-85. Năm 1986, Bồ Đào Nha gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tổ chức này sau đó trở thành Liên minh châu Âu (EU). Trong những năm sau, kinh tế Bồ Đào Nha tiến triển đáng kể nhờ kết quả từ các quỹ cấu trúc và gắn kết của EEC/EU và việc các công ty Bồ Đào Nha dễ dàng hơn trong tiếp cận các thị trường nước ngoài. Lãnh thổ hải ngoại cuối cùng của Bồ Đào Nha là Macao được chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1999. Năm 2002, Bồ Đào Nha chính thức công nhận Đông Timor độc lập. Ngày 26 tháng 3 năm 1995, Bồ Đào Nha bắt đầu áp dụng các quy tắc Khu vực Schengen, loại bỏ kiểm soát biên giới với các thành viên Schengen đồng thời củng cố biên giới các quốc gia khác. Năm 1996, Bồ Đào Nha đồng sáng lập Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha (CPLP) có trụ sở tại Lisboa. Triển lãm thế giới năm 1998 diễn ra tại Bồ Đào Nha, và đến năm 1999 quốc gia này cho lưu hành đồng euro. Ngày 1 tháng 12 năm 2009, Hiệp ước Lisboa có hiệu lực sau khi được ký kết vào năm 2007 tại Tu viện Jerónimos của Lisboa, tăng cường tính hợp pháp hiệu quả và dân chủ của Liên minh và cải thiện gắn kết trong các hành động nội khối. Kinh tế suy thoái trong khủng hoảng tài chính cuối thập niên 2010 khiến Bồ Đào Nha đàm phán với IMF và Liên minh châu Âu vào năm 2011 về một khoản vay nhằm giúp ổn định tài chính trong nước.
3 Địa lý
Bồ Đào Nha là quốc gia ven biển tại tây nam châu Âu, tại cực tây của bán đảo Iberia, giáp với Tây Ban Nha về phía bắc và đông, đường biên giới dài 1.214 km. Lãnh thổ Bồ Đào Nha còn bao gồm các quần đảo trên Đại Tây Dương (Açores và Madeira), với vị trí chiến lược. Cực nam của đại lục Bồ Đào Nha nằm không xa lối vào Địa Trung Hải là eo biển Gibraltar. Tổng diện tích của Bồ Đào Nha là 91.470 km² mặt đất và 620 km² mặt nước. Bồ Đào Nha có nhiều sông chảy qua, chúng bắt nguồn từ Tây Ban Nha. Hầu hết các sông chảy từ tây sang đông để đổ vào Đại Tây Dương; từ bắc xuống nam các sông chính là Minho, Douro, Mondego, Tejo và Guadiana. Bán đảo Iberia có nguồn gốc là một mảnh vỡ của đới đứt đoạn kiến tạo Varisci là Khối núi Iberia-Hesperia, chiếm phần trung-tây của cao nguyên. Thành hệ này bị hệ thống dãy núi Sistema Central cắt qua, dọc theo hướng đông-đông bắc đến tây-tây nam, song song với chuỗi Baetic (một phần của chuỗi Alpes). Sistema Central phân thành hai khối, trong khi ba hệ thống sông tiêu nước từ các địa hình địa mạo khác nhau: Bắc Meseta (độ cao trung bình là 800) thoát nước vào sông Douro (hướng đông-tây); Nam Meseta (độ cao từ 200-900 m) thoát nước vào sông Tejp (hướng đông-tây) từ Tây Ban Nha, và sông Guadiana (hướng bắc-nam). Về phía bắc, các khu vực nội lục có địa hình nhiều núi, với các cao nguyên, bị chia cắt bởi bốn đường cắt, tạo điều kiện cho phát triển các khu vực nông nghiệp phì nhiêu. Xa về phía nam là Algarve có đặc điểm hầu hết là đồng bằng lượn sóng với khí hậu có phần ấm hơn và khô hơn so với miền bắc. Sông Mondego, bắt nguồn từ Serra da Estrela, là dãy núi cao nhất đại lục Bồ Đào Nha với 1.993 m. Đại lục Bồ Đào Nha không có các hồ tự nhiên cỡ lớn, và phần mặt nước nội lục lớn nhất là các hồ chứa hình thành do xây đập, như hồ chứa Alqueva rộng 250 km². Tuy nhiên, có một số hồ nước ngọt nhỏ tại Bồ Đào Nha, đáng chú ý nhất là các hồ tại Serra da Estrela, hồ Comprida (Lagoa Comprida) và hồ Escura (Lagoa Escura) được tạo thành từ các sông băng cổ đại. Tại quần đảo Açores, các hồ được hình thành trên hõm chảo của các núi lửa đã tắt. Lagoa do Fogo và Lagoa das Sete Cidades là những hồ nổi tiếng nhất trên đảo São Miguel. Bồ Đào Nha có các phá trên bờ biển Đại Tây Dương, như phá Albufeira và phá Óbidos. Bồ Đào Nha có đường bờ biển dài, ngoài 943 km bờ biển tại đại lục Bồ Đào Nha, thì các quần đảo Açores (667 km) và Madeira (250 km) chủ yếu có bờ biển vách đá gồ ghề. Hầu hết các cảnh quan này xen kẽ giữa vách đá gồ ghề và các bãi biển cát mịn; vùng Algarve nổi tiếng với các bãi biển cát nổi tiếng đối với du khách, trong khi đó đường bờ biển dốc của vùng quanh mũi St. Vincent lại nổi tiếng với các vách đá dốc đứng. Một đặc điểm đáng chú ý của bờ biển Bồ Đào Nha là Ria Formosa với một số đảo cát và khí hậu ôn hoà cùng mùa hè ấm và mùa đông thường là êm dịu. Bờ biển Ria de Aveiro (gần Aveiro, được gọi là “Venezia của Bồ Đào Nha”), được hình thành từ một đồng bằng châu thổ (dài khoảng 45 km và rộng tối đa 11 km) có nhiều cá và chim biển. Các máy đo thuỷ triều dọc bờ biển Bồ Đào Nha xác định mức nước biển dâng 1-1,5 m, gây tràn bờ tại các cửa sông lớn và các đồng bằng châu thổ nội lục của một số sông lớn. Do có các quần đảo trên đại dương và bờ biển dài, Bồ Đào Nha là quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ ba trong Liên minh châu Âu (và đứng thứ 11 thế giới). Vùng biển mà Bồ Đào Nha thực thi quyền lợi lãnh thổ đặc biệt về khai thác kinh tế và sử dụng tài nguyên hàng hải có tổng diện tích 1.727.408 km², trong đó 327.667 km2 là của đại lục Bồ Đào Nha,953.633 km2 là của quần đảo Açores, và 446.108 km2 là của quần đảo Madeira. Hai quần đảo Madeira và Açores là hai vùng tự trị của Bồ Đào Nha. Madeira nằm trên mảng kiến tạo châu Phi, gồm đảo lớn Madeira, Porto Santo và quần đảo Selvagens nhỏ hơn. Açores nằm giữa nơi giao nhau của các mảng châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ, trên sống núi giữa Đại Tây Dương và gồm có chín đảo. Hai nhóm đảo đều có nguồn gốc núi lửa, hoạt động núi lửa và địa chấn lịch sử vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Đỉnh cao nhất của Bồ Đào Nha là núi Pico trên đảo Pico thuộc Açores. Açores thỉnh thoảng phải chịu các trận động đất rất mạnh, giống như bờ biển đại lục. Cháy rừng hầu hết diễn ra vào mùa hè tại đại lục Bồ Đào Nha, thời tiết cực đoan dưới dạng gió mạnh và lụt diễn ra chủ yếu trong mùa đông.
3.1 Khí hậu
Bồ Đào Nha có khí hậu Địa Trung Hải (Csa tại phía nam, nội lục và vùng Douro; Csb tại miền bắc, miền trung, và duyên hải Alentejo; khí hậu đại dương hỗn hợp dọc nửa bờ biển phía bắc và cũng có khí hậu bán khô hạn hay khí hậu thảo nguyên (BSk tại một số nơi của huyện Beja tại cực nam) theo phân loại khí hậu Köppen-Geiger), và là một trong các quốc gia châu Âu ấm nhất với nhiệt độ trung bình năm tại đại lục Bồ Đào Nha dao động từ 8-12°C tại vùng nội địa nhiều núi phía bắc cho đến 16-18°C tại phía nam và tại lưu vực sông Guadiana. Tuy nhiên, có khác biệt giữa vùng cao và vùng thấp, dẫn đến có nhiều đới khí hậu sinh vật khác nhau tại Bồ Đào Nha. Algarve tách biệt khỏi vùng Alentejo qua các dãy núi cao đến 900 m tại Alto de Fóia, và có khí hậu tương tự như các khu vực ven biển miền nam Tây Ban Nha hay phía tây nam nước Úc. Lượng mưa trung bình hàng năm tại đại lục dao động từ trên 3.200 mm trên các dãy núi miền bắc đến dưới 300 mm tại lưu vực sông Douro. Núi Pico được công nhận là có lượng mưa hàng năm lớn nhất tại Bồ Đào Nha, với trên 6.250 mm. Tại một số khu vực, như lưu vực Guadiana, nhiệt độ trung bình năm có thể cao đến 28°C, và nhiệt độ cao nhất vào mùa hè thường vượt 40°C. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 47,4°C tại Amareleja, song có vẻ không phải là điểm nóng nhất vào mùa hè theo như khảo sát qua vệ tinh. Tuyết xuất hiện thường xuyên trong mùa đông tại vùng nội lục miền bắc và miền trung, như Guarda, Bragança, Viseu và Vila Real, đặc biệt là trên các ngọn núi. Vào mùa đông, nhiệt độ có thể giảm xuống dưới -10°C đặc biệt là tại Serra da Estrela, Serra do Gerês, Serra do Marão và Serra de Montesinho. Tại những nơi đó, tuyết có thể rơi vào bất kỳ thời gian nào từ tháng 10 đến tháng 5. Tại miền nam, tuyết hiếm khi xuất hiện song vẫn có tại những nơi có độ cao lớn nhất. Nhiệt độ thấp nhất được IPMA ghi nhận là -16°C tại Penhas da Saúde và Miranda do Douro, song các cơ quan khác từng ghi nhận được nhiệt độ -17,5° tại ngoại ô Bragança vào năm 1983, và dưới -20,0°C tại Serra da Estrela. Bồ Đào Nha có khoảng 2.500 đến 3.200 giờ nắng mỗi năm, vào mùa đông trung bình mỗi ngày có 4-6 giờ còn vào mùa hè thì có 10-12 giờ, con số này cao hơn tại vùng đông nam và thấp hơn tại vùng tây bắc. Nhiệt độ mặt nước biển tại bờ biển phía tây đại lục Bồ Đào Nha dao động từ 13-15°C vào mùa đông đến 18-22°C vào mùa hè, còn tại bờ biển phía nam dao động từ 15°C vào mùa đông đến khoảng 23°C vào mùa hè. Hai quần đảo Açores và Madeira đều có khí hậu cận nhiệt đới, song tồn tại khác biệt giữa các đảo, khiến dự báo khí hậu rất khó khăn. Madeira và Açores có biến thiên nhiệt độ thấp, và nhiệt độ trung bình năm vượt 20°C dọc theo bờ biển. Một số đảo tại Açores có các tháng khô hạn hơn vào mùa hè. Quần đảo Selvagens là lãnh thổ cực nam của Bồ Đào Nha, được phân loại là thuộc khí hậu hoang mạc với lượng mưa trung bình năm khoảng 150 mm. Nhiệt độ mặt nước biển quanh các quần đảo dao động từ 17-18°C vào mùa đông, đến 24-25°C vào mùa hè.
3.2 Đa dạng sinh thái
Mặc dù con người cư trú tại lãnh thổ Bồ Đào Nha trong hàng nghìn năm, song vẫn còn tàn tích của hệ thực vật nguyên bản. Tại Gerês có các loại rừng lá rụng và lá kim, một khu rừng Địa Trung Hải trưởng thành cực kỳ hiếm trên toàn cầu tồn tại ở một số phần thuộc núi Arrábida, và một khu rừng laurissilva cận nhiệt đới có niên đại từ kỷ Đệ Tam trên đảo chính Madeira. Do dân số suy giảm và cư dân nông thôn chuyển đến thành thị, sồi Pyrénées và các loài bản địa khác đang chiếm cứ nhiều khu vực hoang hoá. Lợn rừng, hươu đỏ Iberia, hoẵng và sơn dương Iberia được ghi nhận là phát triển mạnh trong các thập niên gần đây. Các khu vực bảo tồn tại Bồ Đào Nha bao gồm một vườn quốc gia,12 vườn tự nhiên,9 khu bảo tồn tự nhiên,5 khu kỷ niệm tự nhiên và 7 cảnh quan được bảo vệ, trong số đó có Vườn quốc gia Peneda-Gerês, Vườn tự nhiên Serra da Estrela. Các môi trường tự nhiên này có đặc điểm là hệ thực vật đa dạng, đa dạng về các loài thông (đặc biệt là Pinus pinaster và Pinus pinea), sồi Anh (Quercus robur), sồi Pyrénées (Quercus pyrenaica), hạt dẻ (Castanea sativa), sồi vỏ xù (Quercus suber), sồi xanh (Quercus ilex) hay sồi Bồ Đào Nha (Quercus faginea). Do có giá trị kinh tế, một số loài thuộc chi Bạch đàn được di thực và hiện phổ biến tại Bồ Đào Nha, song có tác động đến môi trường. Laurisilva là một kiểu rừng mưa cận nhiệt đới độc đáo, tồn tại trong một vài khu vực tại châu Âu và thế giới: Tại Açores và đặc biệt là Madeira, có các khu rừng lớn thuộc kiểu rừng Laurisilva đặc hữu. Bồ Đào Nha có một số loài thú đa dạng như cáo, lửng, linh miêu Iberia, chó sói Iberia, dê hoang (Capra pyrenaica), mèo hoang (Felis silvestris), thỏ đồng, chồn, chồn hôi, tắc kè hoa, cầy lỏn, cầy hương. Quốc gia này còn là một điểm dừng chân quan trọng đối với các loài chim di cư, tại các địa điểm như mũi St. Vincent hay dãy núi Monchique, các đàn chim qua đó trong cuộc di cư giữa châu Âu và châu Phi. Bồ Đào Nha có trên 100 loài cá nước ngọt, từ cá da trơn châu Âu khổng lồ cho đến một số loài nhỏ và đặc hữu chỉ sống trong các hồ nhỏ. Một số trong đó là loài hiếm và gặp nguy cơ tuyệt chủng cao do mất môi trường sống, ô nhiễm và hạn hán. Nước trồi dọc bờ biển phía tây Bồ Đào Nha khiến biển tại đó cực kỳ giàu chất dinh dưỡng và đa dạng về các loài cá biển; vùng biển Bồ Đào Nha nằm vào hàng phong phú nhất về cá. Có hàng nghìn loài cá biển, như cá mòi, cá ngừ, cá thu. Tồn tại nhiều loài côn trùng đặc hữu, hầu hết chỉ có tại một số nơi nhất định của Bồ Đào Nha, còn những loài khác thì phổ biến hơn như kẹp kìm (Lucanus cervus) và ve sầu. Các quần đảo Açores và Madeira có nhiều loài đặc hữu như chim, bò sát, dơi, côn trùng, chúng tiến hoá độc lập so với các vùng khác của Bồ Đào Nha. Tại Madeira, có thể quan sát trên 250 loài chân bụng cạn.
4 Chính trị
Bồ Đào Nha là một nước cộng hoà dân chủ đại nghị bán tổng thống kể từ khi phê chuẩn hiến pháp năm 1976. Hiến pháp phân chia quyền lực giữa bốn cơ cấu là Tổng thống, Chính phủ, Nghị viện và Toà án. Bồ Đào Nha có thể chế đa đảng, cạnh tranh trong lập pháp và hành pháp ở các cấp quốc gia, khu vực và địa phương. Nghị viện Bồ Đào Nha cùng các cơ quan lập pháp khu vực và địa phương nằm dưới quyền chi phối của hai chính đảng là Đảng Xã hội (PS) trung-tả và Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) trung-hữu, ngoài ra còn có Liên minh Dân chủ Đoàn kết (Đảng Cộng sản và Đảng Sinh thái “Xanh”), Khối cánh Tả, và Đảng CDS - Nhân dân. Nguyên thủ quốc gia là “Tổng thống của nước Cộng hoà”, được bầu ra theo thể thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Người này cũng có các quyền giám sát và dự trữ. Các quyền lực của tổng thống bao gồm bổ nhiệm thủ tướng và các thành viên khác trong chính phủ (theo kết quả bầu cử cơ quan lập pháp); bãi chức thủ tướng; giải tán Nghị viện của nước Cộng hoà (để yêu cầu bầu cử sớm); phủ quyết lập pháp (song có thể bị Nghị viện bác bỏ); và tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc bao vây. Tổng thống cũng là tổng tư lệnh của các lực lượng vũ trang. Hội đồng Nhà nước tiến hành cố vấn về các vấn đề quan trọng cho Tổng thống, cơ cấu này gồm sáu quan chức dân sự cao cấp, các cựu tổng thống từng được bầu theo hiến pháp năm 1976, năm thành viên do Nghị viện chọn ra, và năm thành viên do tổng thống lựa chọn. Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ, cơ quan này còn bao gồm ít nhất một phó thủ tướng và các bộ trưởng. Chính phủ là cơ quan tối cao về quản lý chính trị tổng thể quốc gia và về cai quản công cộng. Về cơ bản, chính phủ có quyền lực hành pháp, song cũng có các quyền lực lập pháp hạn chế. Chính phủ có thể ban hành luật về cơ cấu tổ chức của mình, về các lĩnh vực được Nghị viện uỷ quyền và về các quy định cụ thể của pháp luật tổng quát do Nghị viện ban hành. Hội đồng Bộ trưởng do thủ tướng đứng đầu (hoặc là tổng thống nếu người này yêu cầu) và bao gồm các bộ trưởng, giữ vai trò là nội các. Mỗi chính phủ đều được yêu cầu xác định phác thảo khái quát chính sách của mình trong một cương lĩnh, và trình nó lên Nghị viện. Nghị viện của nước Cộng hoà là cơ cấu lập pháp chính tại Bồ Đào Nha, gồm có một viện với 230 thành viên. Nghị viện được bầu ra theo thể thức phổ thông đầu phiếu đại diện tỷ lệ, có nhiệm kỳ 4 năm trừ khi Tổng thống giải tán Nghị viện và yêu cầu bầu cử sớm. Hệ thống tư pháp Bồ Đào Nha là bộ phận của hệ thống pháp luật dân luật. Các luật chủ yếu bao gồm hiến pháp năm 1976, luật dân sự năm 1966 (có sử đổi) và luật hình sự năm 1982 (có sửa đổi). Các luật liên quan khác là luật Thương mại năm 1888 có sửa đổi và luật Thủ tục dân sự năm 1961 có sửa đổi. Các toà án quốc gia tối cao là Toà án Tư pháp Tối cao và Toà án Hiến pháp. Bộ Công cộng do Tổng chưởng lý đứng đầu, gồm các cơ quan tố tụng công cộng độc lập. Pháp luật Bồ Đào Nha được áp dụng tại các cựu thuộc địa và tiếp tục có ảnh hưởng lớn tại các quốc gia này. Bồ Đào Nha là một trong các quốc gia đầu tiên bãi bỏ án tử hình, hình phạt tù giam tối đa là 25 năm. Bồ Đào Nha cũng hợp pháp hoá việc sử dụng tất cả các loại ma tuý thông thường từ năm 2001, là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này. Quyền lợi của cộng đồng giới tính thiểu số gia tăng đáng kể tại Bồ Đào Nha, vào năm 2010 Bồ Đào Nha trở thành quốc gia thứ tám trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới trên cấp độ quốc gia. Các tổ chức cảnh sát chủ yếu của Bồ Đào Nha là Guarda Nacional Republicana - GNR (Vệ binh Cộng hoà Quốc gia), là một lực lượng hiến binh; Polícia de Segurança Pública - PSP (Cảnh sát an ninh công cộng) là lực lượng cảnh sát dân sự hoạt động tại các khu vực đô thị; và Polícia Judiciária - PJ (cảnh sát tư pháp) là lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm chuyên biệt cao độ, do Bộ Công cộng giám sát.
4.1 Hành chính
Bồ Đào Nha được phân chia thành 308 khu tự quản (tiếng Bồ Đào Nha: municípios hay concelhos), sau một cải cách vào năm 2013 chúng được chia tiếp thành 3.092 giáo xứ dân sự (tiếng Bồ Đào Nha: freguesia). Đại lục Bồ Đào Nha được phân thành 18 tỉnh, còn các quần đảo Açores và Madeira là các vùng tự trị. 18 tỉnh tại đại lục Bồ Đào Nha là: Aveiro, Beja, Braga, Bragança, Castelo Branco, Coimbra, Évora, Faro, Guarda, Leiria, Lisboa, Portalegre, Porto, Santarém, Setúbal, Viana do Castelo, Vila Real và Viseu - tên của các tỉnh được đặt theo thủ phủ. Trong hệ thống NUTS Liên minh châu Âu, Bồ Đào Nha được phân thành bảy khu vực: Açores, Alentejo, Algarve, Centro, Lisboa, Madeira và Norte, và ngoại trừ Açores cùng Madeira, các khu vực NUTS được phân thành 28 phân vùng.
4.2 Ngoại giao
Bồ Đào Nha là một thành viên của Liên Hiệp Quốc từ năm 1955, và là một thành viên sáng lập của NATO (1949), OECD (1961) và EFTA (1960); đến năm 1986 Bồ Đào Nha gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, thể chế này trở thành Liên minh châu Âu vào năm 1993. Đến năm 1996, Bồ Đào Nha đồng sáng lập Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha (CPLP), nhằm tìm cách thúc đẩy liên kết kinh tế và văn hoá mật thiết hơn giữa các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha trên thế giới. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha António Guterres đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc từ năm 2017. Bồ Đào Nha còn là một thành viên đầy đủ của Liên minh Latinh (1983) và Tổ chức các quốc gia Iberia-châu Mỹ (1949). Quốc gia này có một quan hệ liên minh hữu nghị và hiệp định quốc tịch kép với cựu thuộc địa của nước này là Brasil. Bồ Đào Nha và Anh có hiệp ước quân sự có hiệu lực lâu năm nhất thế giới, theo hiệp ước Windsor ký vào năm 1373. Bồ Đào Nha có hai tranh chấp lãnh thổ với Tây Ban Nha: Olivenza được nhượng cho Tây Ban Nha vào năm 1801, song Bồ Đào Nha tái yêu sách vào năm 1815. Tuy nhiên khu vực nằm dưới quyền kiểm soát liên tục của Tây Ban Nha từ thế kỷ XIX. Quần đảo Selvagens thuộc quyền cai trị của Bồ Đào Nha, và vấn đề chính là vùng đặc quyền kinh tế của Bồ Đào Nha quanh quần đảo này.
4.3 Quân sự
Lực lượng vũ trang Bồ Đào Nha gồm có Hải quân, Lục quân và Không quân. Chúng chủ yếu có vai trò tự vệ, với sự mệnh là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và cung cấp trợ giúp nhân đạo và an ninh tại quê nhà và hải ngoại. Tính đến năm 2008, ba nhánh này có 39.200 quân nhân tại ngũ, trong đó có 7.500 người thuộc nữ giới. Chi tiêu quân sự của Bồ Đào Nha vào năm 2009 đạt 5,2 tỉ USD, chiếm 2,1% GDP. Nghĩa vụ quân sự bị bãi bỏ vào năm 2004. và tuổi tối thiểu để nhập ngũ tự nguyện là 18. Lục quân gồm có ba lữ đoàn và các đơn vị nhỏ khác, một lữ đoàn bộ binh (được trang bị thiết vận xa Pandur II), một lữ đoàn cơ giới (được trang bị xe tăng Leopard 2 A6 và thiết vận xa M113) và một lữ đoàn phản ứng nhanh (gồm lính dù, đặc công, biệt kích). Hải quân Bồ Đào Nha là lực lượng hải quân lâu năm nhất còn tồn tại trên thế giới, và bao gồm cả lực lượng thuỷ quân lục chiến, có các tàu khu trục nhỏ, tàu hộ tống nhỏ, tàu ngầm, tàu tuần tra và bổ trợ. Không quân Bồ Đào Nha có các máy bay F-16 Fighting Falcon và Dassault/Dornier Alpha Jet. Ngoài ra còn có Vệ binh Cộng hoà Quốc gia, một lực lượng an ninh trong khuôn khổ pháp luật và tổ chức quân sự (hiến binh). Lực lượng này thuộc phạm vi thẩm quyền của cả Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, và từng tham gia các sứ mệnh quốc tế tại Iraq và Đông Timor. Hoa Kỳ duy trì một căn cứ quân sự tại Căn cứ không quân Lajes trên đảo Terceira thuộc Açores. Bộ chỉ huy lực lượng chung Đồng Minh Lisboa (JFC Lisbon) - một trong ba phân vùng chính của Bộ tư lệnh tối cao NATO - đặt tại Oeiras, gần Lisboa. Trong thế kỷ XX, Bồ Đào Nha tham gia hai cuộc xung đột lớn là Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thực dân Bồ Đào Nha (1961-1974). Sau khi Đế quốc Bồ Đào Nha kết thúc vào năm 1975, lực lượng vũ trang Bồ Đào Nha tham gia các sứ mệnh duy trì hoà bình tại Đông Timor, Bosnia, Kosovo, Afghanistan, Somalia, Iraq (Nasiriyah) và Liban. Bồ Đào Nha cũng tiến hành một số hoạt động quân sự đơn phương độc lập ở bên ngoài, như trong việc can thiệp tại Angola vào năm 1992 và tại Guinea-Bissau vào năm 1998 với mục tiêu chính là bảo vệ và di tản các công dân Bồ Đào Nha và ngoại quốc trước đe doạ từ xung đột nội bộ tại địa phương.
5 Kinh tế
Bồ Đào Nha là quốc gia phát triển và có thu nhập cao, GDP bình quân đầu người vào năm 2014 đạt 78% mức trung bình của Liên minh châu Âu - tăng so với 76% vào năm 2012.. Đến cuối năm 2016, GDP PPP bình quân của Bồ Đào Nha là hơn 30 nghìn USD. Tiền tệ của Bồ Đào Nha là euro (€), nó thay thế escudo Bồ Đào Nha, và đây là một trong các quốc gia thành viên ban đầu của khu vực đồng euro. Ngân hàng trung ương của Bồ Đào Nha là Banco de Portugal, một bộ phận tích hợp của Hệ thống Ngân hàng Trung ương châu Âu. Hầu hết các ngành công nghiệp, thể chế kinh doanh và tài chính tập trung tại các vùng đô thị Lisboa và Porto, còn các tỉnh Setúbal, Aveiro, Braga, Coimbra và Leiria cũng là các trung tâm kinh tế lớn. Đại đa số mậu dịch quốc tế của Bồ Đào Nha là với Liên minh châu Âu, các đối tác mậu dịch quan trọng khác là Bắc Mỹ, các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha tại châu Phi, Bắc Phi và Mercosul. Sau Cách mạng hoa cẩm chương năm 1974, Bồ Đào Nha kết thúc một trong các chu kỳ tăng trưởng kinh tế đáng chú ý nhất của mình (bắt đầu trong thập niên 1960),. Sau rối loạn từ khởi nghĩa và giai đoạn PREC, Bồ Đào Nha nỗ lực thích ứng với kinh tế toàn cầu hiện đại đang biến đổi, quá trình này vẫn đang tiếp tục. Kể từ thập niên 1990, mô hình phát triển kinh tế dựa trên tiêu thụ của công chúng thay đổi chậm thành một hệ thống tập trung vào xuất khẩu, đầu tư tư nhân và phát triển lĩnh vực công nghệ cao. Do đó, các dịch vụ kinh doanh đã vượt qua các ngành công nghiệp truyền thống hơn như dệt, quần áo, giầy dép, nút bần (Bồ Đào Nha là nhà sản xuất nút bần hàng đầu thế giới), các sản phẩm từ gỗ, và đồ uống. Trong thập niên thứ nhì của thế kỷ XXI, kinh tế Bồ Đào Nha phải trải qua cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ thập niên 1970, khiến quốc gia này phải nhận cứu trợ Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Khoản cứu trợ được thoả thuận vào năm 2011, yêu cầu Bồ Đào Nha áp dụng một loạt các biện pháp khắc khổ để đối lấy hỗ trợ tài chính 78 tỷ euro. Trong tháng 5 năm 2014, Bồ Đào Nha ra khỏi cứu trợ song tái khẳng định cam kết duy trì động lực cải cách. Trong thời điểm ra khỏi gói cứu trợ, kinh tế giảm đến 0,7% vào quý đầu của năm 2014, song tỷ lệ Thất nghiệp giảm xuống 15,3%. Các công ty quốc doanh lớn của Bồ Đào Nha gồm có Águas de Portugal (nước), Caixa Geral de Depósitos (ngân hàng), Comboios de Portugal (đường sắt), Companhia das Lezírias (nông nghiệp) và RTP (truyền thông). Một số thực thể quốc doanh cũ được Parpública quản lý, đây là công ty cổ phần do nhà nước điều hành và là cổ đông của một số công ty công cộng và tư nhân. Trong số các công ty quốc doanh mới được tư hữu hoá, có CTT (bưu chính), TAP Portugal (hàng không) và ANA (cảng hàng không). Các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Euronext Lisboa, như EDP, Galp, Jerónimo Martins, Mota-Engil, Novabase, Semapa, Portucel Soporcel, Portugal Telecom và Sonae, nằm trong số các công ty lớn nhất của Bồ Đào Nha về số lượng việc làm, thu nhập thuần hoặc thị phần quốc tế. Euronext Lisboa là sàn giao dịch chứng khoán chính của Bồ Đào Nha và từng là bộ phận của NYSE Euronext. Nông nghiệp Bồ Đào Nha dựa trên các đơn vị phân tán quy mô nhỏ đến vừa thuộc sở hữu hộ gia đình. Tuy nhiên, cũng có kinh doanh nông nghiệp định hướng xuất khẩu thâm canh quy mô lớn của các công ty. Bồ Đào Nha sản xuất đa dạng các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, gồm cà chua, cam chanh, rau xanh, gạo, ngô, lúa mì, lúa mạch, ô liu, hạt có dầu, quả kiên, anh đào, việt quất đen, nho tươi, nấm, các sản phẩm bơ sữa, gia cầm và thịt bò. Lâm nghiệp có vai trò kinh tế quan trọng trong các cộng đồng nông thôn và các ngành công nghiệp như sản xuất giấy và nội thất. Bồ Đào Nha có truyền thống là cường quốc biển, có truyền thống mạnh về ngư nghiệp và nằm trong số các quốc gia tiêu thụ cá bình quân cao nhất. Các sản phẩm ngư nghiệp chế biến của Bồ Đào Nha được xuất khẩu thông qua một số công ty, trong đó Ramirez là nhà sản xuất cá đóng hộp lâu năm nhất còn hoạt động trên thế giới. Bồ Đào Nha có ngành khai khoáng quan trọng và đứng hàng đầu châu Âu về sản xuất đồng, cũng như nổi bật về thiếc, volfram, và urani. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha thiếu tiềm lực tiến hành khai thác hydrocarbon và nhôm, cản trở sự phát triển của lĩnh vực khai mỏ và luyện kim của quốc gia. Bồ Đào Nha có trữ lượng lớn về sắt và than đá, chủ yếu tại miền bắc, song từ sau cách mạng năm 1974 và toàn cầu hoá kinh tế thì do nguyên nhân tính cạnh tranh thấp nên họ buộc phải giảm hoạt động khai thác các khoáng sản này. Công nghiệp Bồ Đào Nha có tính đa dạng, như ô tô (Volkswagen Autoeuropa và Peugeot Citroen), hàng không vũ trụ (Embraer và OGMA), điện tử, dệt, thực phẩm, hoá chất, xi mămg, và bột giấy. Nhà máy lắp ráp ô tô AutoEuropa của Tập đoàn Volkswagen tại Palmela nằm trong số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Bồ Đào Nha. Các ngành công nghiệp hiện đại dựa trên kỹ thuật như hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, đã được phát triển tại một số địa điểm khắp Bồ Đào Nha. Alverca, Covilhã, Évora, và Ponte de Sor là các trung tâm chính của ngành hàng không vũ trụ Bồ Đào Nha. Sau khi bước sang thế kỷ XXI, nhiều ngành công nghiệp công nghệ sinh học và thông tin quy mô lớn được hình thành, tập trung tại các vùng đô thị Lisboa, Porto, Braga, Coimbra và Aveiro.
5.1 Du lịch
Các lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm có thành tựu tốt cho đến khủng hoảng tài chính cuối thập niên 2000, điều này phản ánh một phần tốc độ gia tăng nhanh chóng của thị trường Bồ Đào Nha. Du lịch và lữ hành duy trì vị thế cực kỳ quan trọng tại Bồ Đào Nha. Quốc gia này cần phải tập trung vào sức hút phù hợp của mình, như du lịch y tế, tự nhiên và nông thôn trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ. Bồ Đào Nha nằm trong danh sách 20 quốc gia có nhiều du khách nhất thế giới theo số liệu năm 2013, đón tiếp trung bình 13 triệu du khách ngoại quốc mỗi năm. Vào năm 2014, Bồ Đào Nha được USA Today bầu chọn là quốc gia châu Âu tốt nhất. Các trọng điểm du lịch của Bồ Đào Nha là Lisboa, Algarve, Madeira, Porto và thành phố Coimbra. Lisboa là thành phố đứng thứ 16 về thu hút du khách tại châu Âu năm 2013 (có bảy triệu du khách nghỉ trong các khách sạn tại thành phố vào năm 2006). Có 4-5 triệu khách hành hương đến Fátima mỗi năm, là nơi Đức Mẹ Maria được cho là hiện ra trước mặt ba mục đồng vào năm 1917. Thánh địa Fátima là một trong các điện thờ Công giáo La Mã lớn nhất trên thế giới. Chính phủ Bồ Đào Nha tiếp tục xúc tiến và phát triển các điểm du lịch mới, như thung lũng Douro, đảo Porto Santo và Alentejo. Theo số liệu năm 2016, hầu hết du khách nghỉ trong các khách sạn tại Lisboa (6,3 triệu), Porto và miền bắc (4,4 triệu), Algarve (4,2 triệu), miền trung (3,2 triệu), Madeira (1,5 triệu), Alentejo (1,2 triệu), và Açores (0,5 triệu). Algarve và Lisboa dẫn đầu về số khách nghỉ qua đêm. Xét riêng du khách ngoại quốc, độ phổ biến lần lượt là Lisboa (4,41 triệu), Algarve (3,01 triệu), miền bắc (2,08 triệu), miền trung (1,23 triệu), Madeira (1,19), Alentejo (0,37), và Açores. Và đối với du khách nội địa, độ phổ biến lần lượt là miền bắc (2,28 triệu), miền trung (1,99), Lisboa (1,87 triệu), Algarve (1,18), Alentejo (0,80), Madeira (0,29) và Açores (0,27). Năm 2015, có 11,36 triệu du khách nước ngoài đến Bồ Đào Nha, so với 8,1 triệu vào năm 2011, đa số du khách đến từ châu Âu, đặc biệt là Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức
5.2 Giao thông
Đến đầu thập niên 1970, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Bồ Đào Nha kéo theo gia tăng chủ nghĩa tiêu thụ, và việc mua ô tô mới khiến chính quyền ưu tiên trong cải thiện giao thông. Đến thập niên 1990, sau khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, Bồ Đào Nha xây dựng nhiều xa lộ mới. Ngày nay, Bồ Đào Nha có hệ thống đường bộ dài hơn 68,7 nghìn km, khoảng ba nghìn km thuộc hệ thống 44 xa lộ. Xa lộ đầu tiên được khánh thành vào năm 1944, liên kết Lisboa đến Sân vận động Quốc gia, đó là một dự án sáng tạo khiến Bồ Đào Nha trở thành một trong các quốc gia đầu tiên có xa lộ (tuyến đường hiện trở thành đường cao tốc Lisbon-Cascais, hay A5). Mặc dù có một vài tuyến khác được hình thành trong thập niên 1960 và 1970, song chỉ sau khi bắt đầu thập niên 1980 thì việc xây dựng xa lộ quy mô lớn mới được tiến hành. Năm 1972, nhà khai thác đường cao tốc nhượng quyền Brisa được thành lập để quản lý nhiều xa lộ khu vực. Trên nhiều tuyến đường cao tốc, xe cộ cần phải trả phí, thông qua hệ thống thu phí điện tử Via Verde. Cầu Vasco da Gama là cầu dài nhất tại châu Âu. Đại lục Bồ Đào Nha có bốn sân bay quốc tế, nằm gần các thành thị chủ yếu là Lisboa, Porto, Faro và Beja. Vị trí địa lý của Lisboa khiến thành phố trở thành một điểm dừng của nhiều hãng hàng không ngoại quốc. Hãng hàng không quốc gia chủ yếu là TAP Portugal, song có nhiều hãng hàng không nội địa khác cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước. Chính phủ quyết định xây dựng một sân bay mới bên ngoài Lisboa, tại Alcochete, nhằm thay thế sân bay Lisbon Portela, song dự án này bị ngừng do các biện pháp khắc khổ. Hiện các sân bay quan trọng nhất nằm tại Lisboa, Porto, Faro, Funchal (Madeira), và Ponta Delgada (Açores), thuộc quyền quản lý của cơ quan quốc gia ANA Aeroportos de Portugal. Bồ Đào Nha có hệ thống đường sắt trải dài toàn quốc và sang Tây Ban Nha, thuộc quyền quản lý của Comboios de Portugal. Giao thông đường sắt chở khách và chở hàng sử dụng 2.791 km đường ray hiện đang phục vụ, trong số đó 1.430 km được điện khí hoá và khoảng 900 km cho phép tốc độ chạy tàu lớn hơn 120 km/h. Mạng lưới hạ tầng đường sắt thuộc quyền vận hành của REFER, trong khi giao thông chở hàng và chở khách là trách nhiệm của Comboios de Portugal (CP), đều là các công ty công cộng. Các hải cảng chính của Bồ Đào Nha nằm tại Sines, Lisbon, Leixões, Setúbal, Aveiro, Figueira da Foz và Faro. Hai vùng đô thị lớn nhất Bồ Đào Nha có hệ thống tàu điện ngầm: Lisbon Metro và Metro Sul do Tejo tại vùng đô thị Lisboa và Porto Metro tại vùng đô thị Porto, đều có chiều dài tuyến trên 35 km. Dịch vụ xe điện Lisboa do Companhia de Carris de Ferro de Lisboa (Carris) vận hành từ hơn một thế kỷ. Tại Porto, một mạng lưới xe điện bắt đầu được xây dựng từ năm 1895, song chỉ còn lại một tuyến phục vụ du lịch bên bờ sông Douro. Các thành thị lớn đều có dịch vụ giao thông đô thị địa phương của mình, cũng như dịch vụ taxi.
5.3 Năng lượng
Bồ Đào Nha có tài nguyên đáng kể về năng lượng gió và sông, hai nguồn tái tạo có hiệu quả kinh tế cao nhất. Kể từ khi bước sang thế kỷ XXI, diễn ra xu thế hướng đến phát triển một ngành tài nguyên tái tạo và giảm tiêu thụ và sử dụng các tài nguyên nhiên liệu hoá thạch. Vào năm 2006, nhà máy quang năng lớn nhất thế giới đương thời là nhà máy quang năng Moura bắt đầu hoạt động gần Moura thuộc miền nam, trong khi trang trại năng lượng sóng biển thương mại đầu tiên trên thế giới là trang trại sóng Aguçadoura được khánh thành tại vùng Norte vào năm 2008. Đến cuối năm 2006,66% sản lượng điện năng quốc gia đến từ các nhà máy điện sử dụng than đá và chất đốt,29% đến từ các đập thuỷ điện, và 6% đến từ năng lượng gió. Năm 2008, các nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng 43% lượng tiêu thụ điện năng toàn quốc, ngay cả khi sản lượng thuỷ điện suy giảm do hạn hán. Đến tháng 6 năm 2010, xuất khẩu điện năng vượt so với nhập khẩu. Giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2010,70% sản lượng điện năng quốc gia đến từ các nguồn tái tạo. Công ty truyền tải điện quốc gia Bồ Đào Nha là Redes Energéticas Nacionais (REN), sử dụng mô hình phức tạp để dự báo thời tiết, đặc biệt là kiểu gió, và các chương trình máy tính để tính toán năng lượng từ các nhà máy năng lượng tái tạo khác nhau. Trước khi phát triển năng lượng mặt trời và gió, Bồ Đào Nha sản xuất điện từ các nhà máy thuỷ điện trên các sông trong nhiều thập niên. Các chương trình mới kết hợp năng lượng gió và nước: Các tua bin gió bơm nước lên phía trên vào ban đêm, tức thời gian có gió mạnh nhất; sau đó nước chảy xuống vào ban ngày, tạo ra điện năng khi có nhu cầu sử dụng cao hơn. Hệ thống phân phối của Bồ Đào Nha nay là một đường hai chiều, thay vì chỉ phân phối điện năng, nó còn thu điện năng từ các máy phát nhỏ như các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Chính phủ khuyến khích phân phối như vậy bằng cách áp mức giá cao cho những người bán điện năng từ quang năng sản xuất trên mái nhà.
6 Nhân khẩu
Viện Thống kê Quốc gia Bồ Đào Nha (INE) ước tính dân số vào năm 2011 là 10.562.178 (trong đó 52% là nữ giới,48% là nam giới). Theo một ước tính vào năm 2017, dân số là 10.294.289. Dân cư Bồ Đào Nha tương đối thuần nhất trong hầu hết lịch sử quốc gia, với một tôn giáo duy nhất (Công giáo La Mã) và một ngôn ngữ duy nhất góp phần vào sự thống nhất dân tộc và quốc gia này, sau khi trục xuất người Moor và người Do Thái. Một số lượng nhỏ các cộng đồng thiểu số kể trên được ở lại Bồ Đào Nha với điều kiện họ phải cải sang Công giáo, và sau đó họ được gọi là Mouriscos và Cristãos Novos. Sau năm 1772, phân biệt giữa những người Cơ Đốc cũ và mới bị bãi bỏ theo sắc lệnh. Người Bồ Đào Nha bản địa là một dân tộc Iberia, có tổ tiên rất tương đồng với các dân tộc Tây và Nam Âu cũng như Địa Trung Hải, đặc biệt là người Tây Ban Nha, tiếp theo là một số khu vực tại Pháp và Ý, chia sẻ về nguồn gốc, lịch sử và văn hoá. Ảnh hưởng nhân khẩu học quan trọng nhất đối với người Bồ Đào Nha hiện đại có vẻ như là những người cổ nhất tại địa phương; giải thích hiện hành về dữ liệu nhiễm sắc thể Y và ADN ti thể cho thấy người Bồ Đào Nha có nguồn gốc từ các dân tộc đồ đá cũ bắt đầu đến lục địa châu Âu vào khoảng 45.000 năm trước. Tất cả các cuộc di cư sau đó đều để lại ảnh hưởng về di truyền và văn hoá, song nguồn gốc chủ yếu của người Bồ Đào Nha vẫn là từ các cư dân đến vào thời đồ đá cũ. Các nghiên cứu di truyền thể hiện cư dân Bồ Đào Nha không có khác biệt đáng kể với các cư dân châu Âu khác. Tổng tỷ suất sinh (TFR) vào năm 2015 ước tính là 1,52 trẻ mỗi phụ nữ, dưới mức thay thế là 2,1. Năm 2016,52,8% số ca sinh là của các phụ nữ chưa kết hôn. Giống như hầu hết các quốc gia phương Tây, Bồ Đào Nha phải đương đầu với mức sinh thấp, quốc gia này có mức sinh dưới ngưỡng thay thế kể từ thập niên 1980. Cấu trúc xã hội Bồ Đào Nha có đặc điểm là bất bình đẳng gia tăng, vào năm 2015 họ đứng hạng thấp thứ ba về chỉ số công bằng xã hội của Liên minh châu Âu. Bồ Đào Nha có lịch sử thực dân lâu dài, tạo thành một nền tảng cho bản sắc quốc gia, cũng như từ vị trí địa lý tại góc tây nam của châu Âu, nhìn ra Đại Tây Dương. Đây là một trong các thế lực thực dân châu Âu cuối cùng từ bỏ các lãnh thổ hải ngoại. Do đó, Bồ Đào Nha gây ảnh hưởng cũng như chịu ảnh hưởng văn hoá từ các cựu thuộc địa, kết quả là nhập cư từ các lãnh thổ cũ vì nguyên nhân kinh tế và cá nhân. Bồ Đào Nha trong một thời gian dài là quốc gia xuất cư (nhiều người Brasil có nguồn gốc Bồ Đào Nha), song hiện trở thành quốc gia có nhập cư thuần,. Ước tính có đến 800 nghìn người Bồ Đào Nha trở về Bồ Đào Nha khi các thuộc địa của quốc gia này tại châu Phi được độc lập vào năm 1975. Năm 2007, Bồ Đào Nha có khoảng 332.137 người nhập cư hợp pháp. Đến năm 2015, Bồ Đào Nha có khoảng 383.759 người nhập cư hợp pháp, chiếm 3,7% dân số. Kể từ thập niên 1990, cùng với bùng nổ trong xây dựng, xuất hiện một vài làn sóng nhập cư mới của người Ukraina, Brasil, các cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha tại châu Phi và từ các quốc gia châu Phi khác. Người Romania, Moldova, Kosovo và Trung Quốc cũng di cư đến Bồ Đào Nha. Dân số Di-gan tại Bồ Đào Nha ước tính là khoảng 40.000. Ngoài ra, một số công dân Liên minh châu Âu, chủ yếu là từ Anh và các quốc gia phía bắc khác đã trở thành cư dân thường trú tại Bồ Đào Nha (cộng đồng người Anh hầu hết là những người nghỉ hưu lựa chọn sống tại Algarve và Madeira).
6.1 Tôn giáo
Theo điều tra nhân khẩu năm 2011,81,0% dân số Bồ Đào Nha là tín đồ Công giáo La Mã. Quốc gia này còn có các cộng đồng nhỏ là tín đồ Tin Lành, Thánh hữu Ngày sau, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Sikh giáo, Chính thống giáo Đông phương, Nhân chứng Jehovah, Baha’i, Phật giáo, Do Thái giáo và thuyết thông linh. Nhiều người cũng chịu ảnh hưởng từ tôn giáo truyền thống châu Phi và Trung Hoa, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến Đông y Trung Hoa và thầy cúng chữa bệnh châu Phi. Khoảng 6,8% dân số nhận mình không theo tôn giáo nào, và 8,3% không trả lời. Năm 2012, một nghiên cứu do Đại học Công giáo tiến hành cho thấy 79,5% người Bồ Đào Nha tự nhìn nhận là tín đồ Công giáo, và 18% dự lễ thánh thường xuyên. Các số liệu này giảm so với 86,9% tín đồ Công giáo vào năm 2001, trong giai đoạn này số người cho biết họ không theo tôn giáo nào tăng từ 8,2% lên 14,2%. Nhiều ngày nghỉ, lễ hội và truyền thống của Bồ Đào Nha có nguồn gốc hoặc ý nghĩa Cơ Đốc giáo. Mặc dù quan hệ giữa nhà nước Bồ Đào Nha và Giáo hội Công giáo La Mã nhìn chung là hoà thuận và ổn định kể từ những năm đầu lập quốc, song sức mạnh cân xứng giữa họ thì có dao động. Trong các thế kỷ XIII và XIV, giáo hội là thế lực giàu có và quyền lực nhất do vai trò của họ trong cuộc tái chinh phục từ người Hồi giáo, đồng nhất mật thiết với chủ nghĩa quốc gia Bồ Đào Nha thời đầu và là nền tảng của hệ thống giáo dục Bồ Đào Nha, bao gồm đại học đầu tiên của quốc gia. Khi Bồ Đào Nha phát triển đế quốc hải ngoại, các đoàn truyền giáo là một phần quan trọng của quá trình thực dân hoá, họ có vai trò quan trọng trong giáo dục và truyền bá Phúc âm đối với cư dân thuộc địa. Các phong trào tự do và cộng hoà phát triển vào thế kỷ XIX-XX biến đổi vai trò và tầm quan trọng của tôn giáo có tổ chức. Bồ Đào Nha là nhà nước thế tục, nhà thờ và nhà nước chính thức tách biệt vào thời Đệ Nhất Cộng hoà Bồ Đào Nha, việc này được lập lại trong hiến pháp năm 1976. Ngoài hiến pháp, hai văn kiện quan trọng nhất liên quan đến tự do tôn giáo tại Bồ Đào Nha là Concordata 1940 (sửa đổi vào năm 1971) giữa Bồ Đào Nha và Toà Thánh và Đạo luật Tự do tôn giáo 2001.
6.2 Ngôn ngữ
Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức của Bồ Đào Nha, đây là một ngôn ngữ thuộc hệ Roman, có nguồn gốc từ khu vực nay là Galicia và miền bắc Bồ Đào Nha. Tiếng Galicia-Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chung của người Galicia và Bồ Đào Nha cho đến khi Bồ Đào Nha lập quốc. Đặc biệt là tại miền bắc của Bồ Đào Nha, vẫn còn nhiều điểm tương đồng giữa văn hoá Galicia và văn hoá Bồ Đào Nha. Galicia là một quan sát viên tham vấn của Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha. Theo Ethnologue, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha có tương đồng về từ vựng đến 89%, những người bản ngữ có giáo dục của hai bên có thể giao thiệp với nhau. Tiếng Bồ Đào Nha bắt nguồn từ tiếng La tinh dạng nói của các dân tộc tiền La Mã bị La Mã hoá trên bán đảo Iberia vào khoảng 2.000 năm trước, đặc biệt là người Celt, Tartessia, Lusitania và Iberia. Trong các thế kỷ XV và XVI, ngôn ngữ này được truyền bá trên toàn cầu khi Bồ Đào Nha lập nên một đế quốc thực dân và thương mại từ năm 1415. Tiếng Bồ Đào Nha có người bản ngữ trên năm lục địa, Brasil là quốc gia có nhiều người bản ngữ tiếng Bồ Đào Nha nhất (209,5 triệu người nói vào năm 2016)., Tính đến năm 2013, ngoài Bồ Đào Nha thì tiếng Bồ Đào Nha còn là ngôn ngữ chính thức tại Brasil, Angola, Mozambique, Cabo Verde, São Tomé và Príncipe, Guiné-Bissau, Guinea Xích Đạo và Đông Timor. Các quốc gia này cùng với Ma Cao hình thành khối nói tiếng Bồ Đào Nha Lusofonia, thuật ngữ này có nguồn gốc từ tỉnh cũ “Lusitania” của La Mã. Tiếng Miranda cũng được công nhận là một ngôn ngữ khu vực đồng chính thức tại một số khu tự quản tại đông bắc Bồ Đào Nha. Một ước tính cho rằng có từ 6.000 đến 7.000 người nói tiếng Miranda tại Bồ Đào Nha. Theo chỉ số thành thạo tiếng Anh quốc tế, Bồ Đào Nha ở mức thành thạo cao, cao hơn so với các quốc gia láng giếng như Ý, Pháp và Tây Ban Nha.
6.3 Giáo dục
Hệ thống giáo dục của Bồ Đào Nha được phân thành trước tuổi đi học (dưới 6 tuổi), giáo dục căn bản (9 năm, ba giai đoạn, bắt buộc), giáo dục trung học (3 năm, bắt buộc từ năm 2010), và giáo dục bậc cao (gồm giáo dục đại học và bách nghệ). Các trường đại học thường được tổ chức thành các khoa. Các học viện và trường cũng là tên gọi thông dụng cho các phân hiệu tự quản của các thể chế giáo dục bậc cao tại Bồ Đào Nha. Tỉ lệ biết chữ của người thành niên Bồ Đào Nha là 99%, tỷ lệ nhập học tiểu học là 100%. Theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2015, học sinh Bồ Đào Nha 15 tuổi xét theo bình quân có điểm cao hơn đáng kể so với trung bình OECD về đọc hiểu, toán học và khoa học, tương đương với mức của các học sinh Na Uy, Ba Lan. Kết quả PISA của học sinh Bồ Đào Nha liên tục được cải thiện, vượt qua một số quốc gia phương Tây phát triển cao khác như Hoa Kỳ, Áo, Pháp và Thuỵ Điển. Khoảng 40% công dân trong độ tuổi đại học (20 tuổi) theo học tại một trong các cơ sở giáo dục bậc cao vào năm 2010 (so với 50% tại Hoa Kỳ và trung bình 35% của OECD). Bên cạnh việc là một điểm đến của học sinh quốc tế, Bồ Đào Nha cũng là quốc gia đứng hàng đầu về số học sinh trong nước đi du học. Đại học lâu năm nhất tại Bồ Đào Nha tồn tại từ năm 1290, ban đầu thành lập tại Lisboa và sau đó chuyển đến Coimbra. Trong thời kỳ Đế quốc Bồ Đào Nha, người Bồ Đào Nha thành lập trường kỹ thuật lâu đời nhất tại châu Mỹ (Real Academia de Artilharia, Fortificação e Desenho tại Rio de Janeiro) vào năm 1792, cùng học viện y khoa lâu đời nhất tại châu Á (Escola Médico-Cirúrgica tại Goa) vào năm 1842. Hiện nay, Đại học Lisboa là trường đại học lớn nhất tại Bồ Đào Nha. Các đại học và cơ sở bách nghệ tại Bồ Đào Nha thông qua tiến trình Bologna vào năm 2006. Giáo dục bậc cao trong các thể chế giáo dục công lập được cung cấp trên cơ sở cạnh tranh, một hệ thống hạn chế số lượng sinh viên được thi hành thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về sinh viên nhập học. Tuy nhiên, mọi thể chế giáo dục bậc cao cũng cấp một số chỗ trống tăng thêm cho các vận động viên, người trên 23 tuổi, sinh viên quốc tế, và các trường hợp đặc biệt khác. Hầu hết chi phí của sinh viên được nhà nước hỗ trợ, song do học phí tăng lên, sinh viên phải trả tiền để theo học cơ sở giáo dục bậc cao công lập và các trường phải thu hút các loại hình sinh viên mới như bán thời gian hoặc buổi tối.
6.4 Y tế
Cư dân Bồ Đào Nha có tuổi thọ dự tính là 81,1 năm, xếp thứ 21 thế giới theo số liệu vào năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới Bồ Đào Nha có hệ thống y tế công cộng tốt thứ 12 thế giới vào năm 2000, xếp trên các quốc gia phát triển cao như Anh, Đức hay Thuỵ Điển Hệ thống y tế của Bồ Đào Nha có đặc điểm là cùng tồn tại ba hệ thống: Dịch vụ Y tế Quốc dân (Serviço Nacional de Saúde, SNS), chương trình bảo hiểm y tế xã hội đặc biệt cho các nghề nhất định (hệ thống phụ y tế), và bảo hiểm y tế tư nhân tự nguyện. SNS cung cấp phạm vi phổ quát, ngoài ra có khoảng 25% dân số tham gia các hệ thống phụ y tế, và 10% tham gia các chương trình bảo hiểm tư nhân và 7% khác thuộc phạm vi các quỹ tương hỗ. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về phát triển chính sách y tế cũng như quản lý SNS. Năm cơ quan y tế khu vực chịu trách nhiệm thực hiện các mục tiêu chính sách y tế quốc gia. Các nỗ lực phân quyền nhằm mục tiêu chuyển trách nhiệm tài chính và quản lý đến cấp khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế quyền tự quản của các cơ quan y tế khu vực đối với xây dựng và chi tiêu ngân sách bị giới hạn trong chăm sóc ban đầu. SNS chủ yếu được tài trợ thông qua thuế tổng thể. Các nhà tuyển dụng (bao gồm nhà nước) và người lao động đóng góp phần lớn cho hệ thống phụ y tế. Ngoài ra, chi trả trực tiếp của bệnh nhân và phí bảo hiểm y tế tự nguyện góp một phần lớn vào kinh phí. Tương tự như các quốc gia Eur-A khác, hầu hết các ca tử vong tại Bồ Đào Nha là do các bệnh không truyền nhiễm. Tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch (CVD) cao hơn mức trung bình của khu vực đồng euro, bệnh mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại Bồ Đào Nha. Người Bồ Đào Nha có tỷ lệ tử vong do ung thư thấp hơn 12% so với Eur-A, song con số này đang giảm nhanh chóng giống như Eur-A. Bồ Đào Nha có tỉ lệ tử vong cao nhất vì bệnh tiểu đường trong Eur-A, gia tăng mạnh từ thập niên 1980. Tỷ lệ tử vong trẻ nhỏ giảm mạnh từ cuối thập niên 1970, từ mức 2,4% số trẻ tử vong trong năm đầu đời giảm xuống còn 0,2%, chủ yếu là do giảm tử vong trẻ sơ sinh. Cư dân Bồ Đào Nha thường được thông báo kịp thời về tình trạng sức khoẻ của họ, các tác động tích cực và tiêu cực trong các sinh hoạt đối với sức khoẻ của họ và việc sử dụng các dịch vụ y tế. Chỉ một trong ba người trưởng thành tại Bồ Đào Nha đánh giá sức khoẻ của họ ở mức tốt hoặc rất tốt (Kasmel et al.,2004), thấp nhất trong số các quốc gia Eur-A.
7 Văn hoá
Bồ Đào Nha đã phát triển một nền văn hoá đặc trưng, chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn minh khác nhau trên khắp Địa Trung Hải và lục địa châu Âu, hoặc được đưa đến khi Bồ Đào Nha có vai trò tích cực trong Thời đại Khám phá. Quỹ Calouste Gulbenkian được thành lập vào năm 1956 tại Lisboa. Trong các thập niên 1990 và 2000, Bồ Đào Nha hiện đại hoá cơ sở hạ tầng văn hoá công cộng, như Trung tâm văn hoá Belém tại Lisboa, Quỹ Serralves và Casa da Música tại Porto, cũng như các hạ tầng văn hoá công cộng mới như thư viện và phòng hoà nhạc đô thị trên khắp đất nước. Bồ Đào Nha có 15 di sản thế giới UNESCO tính đến năm 2013, xếp thứ tám tại châu Âu. Kiến trúc truyền thống có nét đặc trưng và gồm phong cách Manueline, hay còn gọi là Gothic muộn Bồ Đào Nha, đây là một phong cách xa hoa, phức hợp trong trang trí, có từ các thập niên đầu của thế kỷ XVI. Phong cách Bồ Đào Nha mềm mại là một cách diễn giải trong thế kỷ XX về kiến trúc truyền thống, xuất hiện phổ biến trong các thành phố lớn mà đặc biệt là Lisboa. Bồ Đào Nha hiện đại đóng góp cho thế giới các kiến trúc sư nổi tiếng như Eduardo Souto de Moura, Álvaro Siza Vieira (đều thắng giải Pritzker) và Gonçalo Byrne. Tomás Taveira cũng được chú ý tại Bồ Đào Nha, đặc biệt là vì thiết kế sân vận động. Điện ảnh được đưa đến Bồ Đào Nha vào năm 1896 khi trình chiếu các bộ phim nước ngoài, và phim đầu tiên của Bồ Đào Nha là Saída do Pessoal Operário da Fábrica Confiança được sản xuất vào cùng năm. Rạp chiếu phim đầu tiên khánh thành vào năm 1904 và phim có kịch bản đầu tiên của Bồ Đào Nha là O Rapto de Uma Actriz (1907). Phim có tiếng suốt phim đầu tiên là A Severa, được sản xuất vào năm 1931. Thời kỳ hoàng kim bắt đầu vào năm 1933 với A Canção de Lisboa, và kéo dài trong hai thập niên sau với các phim như O Pátio das Cantigas (1942) và A Menina da Rádio (1944). Aniki-Bóbó (1942) là phim truyện đầu tiên của Manoel de Oliveira, ghi một dấu mốc với phong cách duy thực, đi trước phong trào phim tân hiện thực Ý một vài năm. Đến đầu thập niên 1960, phong trào Cinema Novo (“điện ảnh mới”) được sản sinh, thể hiện chủ nghĩa hiện thực trong phim, theo cảm hứng từ phong trào tân hiện thực Ý và làn sóng mới Pháp, với các phim như Dom Roberto (1962) và Os Verdes Anos (1963). Phong trào trở nên đặc biệt thích hợp sau Cách mạng hoa cẩm chướng vào năm 1974. Năm 1989, Recordações da Casa Amarela của João César Monteiro thắng giải Sư tử bạc tại Liên hoan phim Venezia. Đến năm 2009, Arena của João Salaviza chiến thắng Giải Cành cọ vàng cho phim ngắn của Liên hoan phim Cannes. Điện ảnh Bồ Đào Nha được trợ giúp đáng kể từ nhà nước, Viện Điện ảnh và Nghe nhìn hỗ trợ tài chính cho các bộ phim.
7.1 Văn học
Bồ Đào Nha thỉnh thoảng còn được gọi là xứ sở của các nhà thơ. Trong văn học Bồ Đào Nha thơ có ảnh hưởng mạnh hơn văn xuôi. Trong thời kỳ Trung Cổ, khi quốc gia Bồ Đào Nha ra đời, thơ rất phổ biến ở miền đông bắc của bán đảo Iberia, đã mang lại nhiều tác phẩm thi ca và thiên anh hùng ca xuất sắc. Ngoài các nhà thơ cổ điển nổi tiếng nhất như Luís de Camões và Fernando Pessoa còn có một loạt các tác giả khác ít nổi tiếng hơn nhưng cũng có ảnh hưởng quan trọng đến nền văn học hiện đại Bồ Đào Nha. Văn xuôi phát triển chậm hơn thơ và chỉ hình thành từ thế kỷ XIV, từ dạng sử biên niên hay miêu tả cuộc đời của các vị thánh. Fernão Lopes là người đại diện nổi tiếng nhất, ông đã viết quyển sử biên niên về thời kỳ cai trị của 3 vị vua thời của ông. Thế nhưng được biết nhiều nhất trên thế giới lại là nền văn học hiện đại của Bồ Đào Nha, đặc biệt với các tác phẩm của José Maria Eça de Queiroz và người nhận giải Nobel về văn học năm 1998, José Saramago.
7.2 Ẩm thực
Ẩm thực Bồ Đào Nha có tính đa dạng, dân chúng tiêu thụ nhiều cá tuyết khô (bacalhau trong tiếng Bồ Đào Nha), với hàng trăm công thức chế biến. Hai món cá phổ biến khác là cá mòi nướng và caldeirada, một món hầm có thành phần chủ yếu là khoai tây và có thể làm từ nhiều loại cá. Các món thịt đặc trưng của Bồ Đào Nha làm từ thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và thịt gà, gồm cozido à portuguesa, feijoada, frango de churrasco, leitão (lợn sữa quay) và carne de porco à alentejana. Một món ăn miền bắc rất phổ biến là arroz de sarrabulho (gạo ninh trong tiết lợn) hay arroz de cabidela (cơm gà hầm trong tiết gà). Các món ăn nhanh nổi tiếng gồm có Francesinha (Frenchie) từ Porto, và bánh mì kẹp bifanas (thịt lợn nướng) hoặc prego (thịt bò nướng). Nghệ thuật bánh ngọt Bồ Đào Nha có nguồn gốc trong nhiều tu viện Công giáo thời trung cổ, được truyền bá trên khắp đất nước. Các tu viện này sử dụng rất ít nguyên liệu (hầu hết là quả hạnh, bột mì, trứng và một ít rượu) để tạo ra nhiều loại bánh ngọt khác nhau, trong đó có pastéis de Belém (hay pastéis de nata) có nguồn gốc từ Lisboa, và ovos moles từ Aveiro. Các khu vực khác nhau tại Bồ Đào Nha có các món ăn truyền thống riêng của mình. Bồ Đào Nha có văn hoá thức ăn tốt cho sức khoẻ, và trên khắp đất nước có rất nhiều nhà hàng kiểu này và các tasquinhas nhỏ đặc trưng. Rượu vang Bồ Đào Nha được công nhận quốc tế từ thời La Mã, họ liên tưởng Bồ Đào Nha với vị thần rượu nho Bacchus. Ngày nay, Bồ Đào Nha có tiếng với cộng đồng đam mê rượu vang, và các loại rượu vang của quốc gia này giành chiến thắng trong một số giải thưởng quốc tế. Một số loại rượu vang Bồ Đào Nha hảo hạng nhất là Vinho Verde, Vinho Alvarinho, Vinho do Douro, Vinho do Alentejo, Vinho do Dão, Vinho da Bairrada và rượu vang Port, rượu vang Madeira, và Moscatel từ Setúbal và Favaios. Port và Madeira đặc biệt được đánh giá cao tại nhiều nơi trên khắp thế giới.
7.3 Âm nhạc
Âm nhạc Bồ Đào Nha đa dạng về các thể loại, nổi tiếng nhất là Fado, một thể loại âm nhạc đô thị u sầu có nguồn gốc tại Lisboa, thường gắn với guitar Bồ Đào Nha và saudade, hoặc longing. Fado Coimbra là một loại độc đáo của fado “khúc nhạc chiều hát rong” và cũng được chú ý. Các nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng quốc tế gồm có Amália Rodrigues, Carlos Paredes, José Afonso, Mariza, Carlos do Carmo, António Chainho, Mísia và Madredeus. Ngoài Fado và âm nhạc dân gian, người Bồ Đào Nha còn nghe nhạc pop và các thể loại âm nhạc hiện đại khác, đặc biệt là từ Mỹ và Anh, cũng như các nghệ sĩ Bồ Đào Nha, Caribe và Brasil. Các nghệ sĩ được công nhận quốc tế gồm có Dulce Pontes, Moonspell, Buraka Som Sistema, Blasted Mechanism và The Gift, hai người cuối từng được đề cử giải thưởng âm nhạc MTV châu Âu. Trong thập niên 2010, các nghệ sĩ được công nhận cao nhất ở tầm quốc tế và quốc gia là Aurea, Agir, David Carreira, Richie Campbell, D.A.M.A và Diogo Piçarra. Trong thể loại nhạc dance điện tử và nhạc dance, Bồ Đào Nha có hai DJ nổi tiếng quốc tế trong danh sách 100 DJ hàng đầu năm 2016 của DJ MAG, là KURA xếp thứ 51 và Diego Miranda xếp thứ 58. Bồ Đào Nha có một số lễ hội âm nhạc mùa hè, như Festival Sudoeste tại Zambujeira do Mar, Festival de Paredes de Coura tại Paredes de Coura, Festival Vilar de Mouros gần Caminha, Boom Festival tại Idanha-a-Nova, NOS Alive, Sumol Summer Fest tại Ericeira, Rock in Rio Lisboa và Super Bock Super Rock tại Đại Lisboa. Ngoài mùa hè, Bồ Đào Nha có một lượng lớn các lễ hội, hướng đến khán giả đô thị như Flowfest hay Hip Hop Porto. Năm 2005, Bồ Đào Nha tổ chức lễ trao giải âm nhạc MTV châu Âu tại Pavilhão Atlântico, Lisboa. Bồ Đào Nha giành chiến thắng tại Eurovision Song Contest 2017 với bài hát “Amar pelos dois” do Salvador Sobral trình diễn. Về âm nhạc cổ điển, Bồ Đào Nha có các tên tuổi như các nghệ sĩ piano Artur Pizarro, Maria João Pires, Sequeira Costa, các nghệ sĩ violon Carlos Damas, Gerardo Ribeiro và trong quá khứ là nghệ sĩ cello Guilhermina Suggia. Các nhà soạn nhạc đáng chú ý gồm có José Vianna da Motta, Carlos Seixas, João Domingos Bomtempo, João de Sousa Carvalho, Luís de Freitas Branco và học trò của ông là Joly Braga Santos, Fernando Lopes-Graça, Emmanuel Nunes và Sérgio Azevedo. Tương tự, các nhạc sĩ đương đại như Nuno Malo và Miguel d’Oliveira đạt được một số thành công quốc tế trong việc viết nhạc gốc cho phim và truyền hình.
7.4 Nghệ thuật thị giác
Bồ Đào Nha có lịch sử phong phú về hội họa, các họa sĩ nổi tiếng đầu tiên của nước này là từ thế kỷ XV, như Nuno Gonçalves, là một phần trong giai đoạn hội họa Gothic muộn. Trong thời kỳ phục hưng, hội họa Bồ Đào Nha chịu ảnh hưởng cao độ từ hội họa phía bắc châu Âu. Trong giai đoạn baroque, Joana d’Obidos và Vieira Lusitano là những họa sĩ có nhiều sáng tác nhất. José Malhoa nổi tiếng với tác phẩm Fado, và Columbano Bordalo Pinheiro (vẽ chân dung của Teófilo Braga và Antero de Quental) đều liên quan đến hội họa tự nhiên. Thế kỷ XX chứng kiến sản sinh chủ nghĩa hiện đại, và cùng với nó là các họa sĩ nổi bật nhất của Bồ Đào Nha: Amadeo de Souza-Cardoso chịu ảnh hưởng mạnh từ các họa sĩ Pháp, đặc biệt là anh em nhà Delaunay. Trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có Canção Popular a Russa e o Fígaro. Các họa sĩ/nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại khác là Carlos Botelho và Almada Negreiros, là bạn của nhà thơ Fernando Pessoa, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cả hai xu hướng lập thể và vị lai. Các nhân vật nổi tiếng quốc tế về nghệ thuật thị giác trong thời hiện đại là các họa sĩ Vieira da Silva, Júlio Pomar, Helena Almeida, Joana Vasconcelos, Julião Sarmento và Paula Rego.
7.5 Thể thao
Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Bồ Đào Nha, có một số giải đấu bóng đá từ cấp độ nghiệp dư địa phương đến cấp chuyên nghiệp đẳng cấp thế giới. Cầu thủ nổi tiếng Eusébio vẫn là một biểu tượng chính của lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha. Luís Figo và Cristiano Ronaldo từng đạt giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA, họ là hai cầu thủ bóng đá người Bồ Đào Nha có đẳng cấp thế giới. Các huấn luyện viên bóng đá người Bồ Đào Nha cũng được chú ý, nổi tiếng nhất là José Mourinho và Fernando Santos. Đội tuyển bóng đá quốc gia Bồ Đào Nha - Seleção Nacional - giành được danh hiệu cao nhất tại Giải vô địch bóng đá châu Âu năm 2016. Ngoài ra, đội tuyển này còn đứng thứ nhì tại Giải vô địch bóng đá châu Âu 2004 (tổ chức tại Bồ Đào Nha), đứng thứ ba tại Giải bóng đá vô địch thế giới 1966, đứng thứ tư tại Giải bóng đá vô địch thế giới 2006. Tại các giải trẻ, Bồ Đào Nha từng đứng thứ nhất tại Giải vô địch bóng đá U-20 thế giới (năm 1989 và 1991) và một số giải vô địch trẻ châu Âu. S.L. Benfica, Sporting CP và FC Porto là các câu lạc bộ bóng đá lớn nhất tại Bồ Đào Nha xét về tính đại chúng và số lượng giải giành được, họ thường được gọi là “os três grandes” (“ba ông lớn”). Họ từng giành tám danh hiệu giải đấu cấp câu lạc bộ của UEFA, hiện diện trung nhiều trận chung kết và là các đối thủ thường xuyên tại các vòng đấu cuối của hầu hết các mùa giải. Ngoài bóng đá, nhiều câu lạc bộ thể thao của Bồ Đào Nha, bao gồm “ba ông lớn”, thi đấu tại một số sự kiện thể thao khác với mức độ thành công và nổi tiếng khác nhau, như khúc côn cầu trượt băng, bóng rổ, bóng đá trong nhà, bóng ném, bóng chuyền. Liên đoàn bóng đá Bồ Đào Nha tổ chức thường niên Cúp Algarve, một giải đấu có uy tín của bóng đá nữ thế giới. Bồ Đào Nha từng giành một số huy chương trong môn điền kinh tại các giải đấu cấp châu Âu, thế giới và Thế vận hội. Volta a Portugal là giải đấu đua xe đạp quan trọng nhất tại Bồ Đào Nha, đây là một sự kiện thể thao có tính đại chúng, và có sự tham gia của các đội tuyển đua xe đạp chuyên nghiệp như Sporting CP, Boavista, Clube de Ciclismo de Tavira và União Ciclista da Maia. Bồ Đào Nha cũng có thành tích đáng kể trong các môn thể thao như đấu kiếm, judo, dù lướt ván, rowing, sailing, lướt sóng, bắn súng, taekwondo, ba môn phối hợp và lướt ván buồm, giành được một số danh hiệu châu Âu và thế giới. Các vận động viên paralympic cũng giành được nhiều huy chương trong các môn như bơi, boccia, điền kinh và đấu vật. Bồ Đào Nha cũng được chú ý trong môn thể thao ô tô, với cuộc đua Rally de Portugal, và các đường đua Estoril, Algarve và Porto Street, cùng một số tay đua nổi tiếng thế giới. Trong môn đua ngựa, Bồ Đào Nha giành chức vô địch giải Horseball-Pato thế giới (năm 2006), đứng thứ ba cúp Horseball thế giới lần thứ nhất (tổ chức tại Ponte de Lima, Bồ Đào Nha vào năm 2008), và giành một số chiến thắng tại giải vô địch Working Equitation châu Âu. Trong thể thao dưới nước, Bồ Đào Nha có hai môn chính là bơi và bóng nước. Miền bắc Bồ Đào Nha là nơi khởi nguồn của võ thuật Jogo do Pau, các võ sĩ dùng gậy để chiến đấu với một hoặc vài đối thủ. Các hoạt động tiêu khiển ngoài trời khác có liên quan đến thể thao là airsoft, câu cá, golf, bộ hành, săn bắn và chạy định hướng. Bồ Đào Nha là một trong các điểm đến golf tốt nhất thế giới, từng nhận một số giải thưởng của World Golf Awards. Thời tiết địa phương cho phép chơi golf quanh năm. |