Tứ phi Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen, hoàng phi của vua Đinh trở thành tổ nghề may



Nguyễn Thị Sen (? - ?) là tứ phi Hoàng hậu nhà Đinh, vợ của vua Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử Việt Nam, Bà được hậu thế tôn vinh là bà tổ nghề may. Bà quê quán ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Đinh Tiên Hoàng (924 -979) lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, theo đó tứ phi Hoàng hậu Cồ Quốc chính là Thánh tổ nghề may Nguyễn Thị Sen.

Làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, cách nội thành khoảng 45 Km, nhưng vẫn giữ được dáng dấp trù phú, êm đềm của làng quê vùng Bắc Bộ. Làng Trạc Xá có nghề may áo dài từ khi Hoàng Hậu Nguyễn Thị Sen đưa về, cha truyền con nối, thế hệ trước dậy cho thế hệ sau; là làng nghề truyền thống. Làng nghề may Trạch Xá nổi tiếng với nghề may áo dài, áo lễ hội, cung đình. Ðây là nơi hội tụ nhiều thợ may tài hoa, đã dùng tình yêu và đôi bàn tay khéo léo làm nên những chiếc áo dài truyền thống đẹp. Điểm đặc biệt nhất của áo dài Trạch Xá là tà và gấu áo phải khâu bằng tay vì chất liệu may áo là vải lụa mỏng, mềm, dễ chảy. Một thợ may với chiếc máy khâu công suất lớn có thể cho ra đời gần chục chiếc áo trong một ngày nhưng riêng với áo dài Trạch Xá, một thợ lành nghề cả ngày khâu cật lực cũng chỉ hoàn thành nhiều nhất 2 chiếc áo. Làng Trạch Xá có khoảng 600 lao động làm nghề thợ may tại các cửa hiệu lớn ở Hà Nội, cùng với đó là hàng ngàn lao động vệ tinh khác ngay tại làng. Những cửa hiệu nổi tiếng như Phúc Trạch, Mỹ Trạch, Mỹ Vinh, Mỹ Hào… mọc lên trên các phố Lương Văn Can, Khâm Thiên, Cầu Gỗ… đều do những ông chủ Trạch Xá lập nên.

Theo thần tích đền thờ tổ nghề ở Trạch Xá, Bà tổ của nghề may là Nguyễn Thị Sen, một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá. Tục truyền rằng, Nguyễn Thị Sen được phong là tứ phi Hoàng hậu của Vua Đinh Tiên Hoàng, kết duyên cùng đức Vua khi ông về đây chiêu mộ hào kiệt. Vị quân vương giữa rừng hoang gặp cô thôn nữ nhan sắc tuyệt trần đã mời nàng về chốn Hoàng cung và truyền khắp nhân gian dâng vải lụa đến cho nàng. Tại Kinh đô Hoa Lư, Nguyễn Thị Sen được phong là Hoàng hậu. Với sự khéo léo và sáng tạo, bà đã giúp các cung nữ phát triển, sáng tạo được nghề may trong cung vua.

Sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng mất, quyền lực hậu cung chuyển giao về với Dương Vân Nga và Lê Hoàn, Bà Tứ phi Hoàng hậu đã cùng Công chúa Liên Hoa từ giã hoàng cung Hoa Lư, trở về quê hương truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng. Khi mất bà được lập đền thờ và tôn làm bà tổ nghề may áo dài truyền thống.

Lễ hội giỗ tổ Thợ may ngày nay được tổ chức khá lớn vào ngày 12 tháng chạp Âm Lịch hàng năm tại Trạch Xá (Hà Nội) và Hội An (Quảng Nam). Cũng trong ngày, nhiều tiệm may ở Việt Nam tiến hành lễ giỗ tổ thể hiện tấm lòng tri ân của hậu thế. Lễ vật dâng tổ nghề thường là một cành hoa, con gà, đĩa trầu cau, ly rượu và chén nước.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm 2019, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã phát động Giải thưởng Nguyễn Thị Sen dành cho nữ công nhân ngành dệt may. Giải thưởng Nguyễn Thị Sen sẽ được trao tặng hàng năm vào dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, hoặc vào các dịp khác do Thường trực Công đoàn Dệt May Việt Nam quyết định. "Giải thưởng Nguyễn Thị Sen" là giải thưởng cao quý của Công đoàn Dệt May Việt Nam tặng cho nữ công nhân viên lao động có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhằm khơi dậy, tôn vinh những giá trị truyền thống của các thế hệ phụ nữ Ngành Dệt May, hun đúc tinh thần yêu ngành, yêu nghề, lao động giỏi, lao động sáng tạo của Nữ công nhân trong hệ thống.




Xem thêm