Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), tên huý là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước “Trình Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công” mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
Ở tuổi trưởng thành, ngoài chuyện học hành, văn chương, thơ phú, Nguyễn Bỉnh Khiêm có sở thích cùng bạn bè dạo chơi, thăm thú các danh lam, thắng cảnh và trong một lần đi du ngoạn, ông đã gặp mối lương duyên đầu tiên của mình. Hôm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi qua đất Hà Dương (nay là xã Hà Dương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) thì tình cờ gặp một cô gái đi gánh nước. Trông “người yểu điệu, nét hảo cầu”, duyên dáng, xinh đẹp khiến cho chàng trai họ Nguyễn ngẩn ngơ, xao xuyến đem lòng yêu mến, cứ tiến đến gần nhìn say đắm làm cô gái xấu hổ vứt cả quang gánh bỏ chạy.
Nguyễn Bỉnh Khiêm giật mình như tỉnh mộng vì hành động có phần “sỗ sàng” của mình nhưng không biết nói sao chỉ trông theo thở dài. Chợt thấy chiếc đòn gánh dưới đường, chàng cúi xuống nhặt lên và nảy ra một ý, viết lên trên đó bốn chữ “Huyền lý hảo cầu” rồi bỏ đi.
Cô gái chờ cho chàng trai lạ mặt đi xa mới quay lại lấy đòn gánh, đọc thấy dòng chữ nhưng không hiểu có ý là gì bèn vội vàng trở về thưa chuyện với cha. Thấy con gái mình mặt còn đỏ lên vì ngượng, lại hỏi ngay ý tứ của dòng chữ trên đòn gánh, biết có chuyện vui, người cha đọc to bốn chữ rồi cười lớn và giải thích “Huyền lý hảo cầu” nghĩa là từ nơi xa đến tìm điều tốt lành. Nói xong ông hỏi con gái:
- “Ai viết cho con những chữ này?”.
Cô gái đáp:
- “Dạ, đó là một anh học trò qua đường!”.
Nghe xong, ông lại cười mà nói:
- “A, phải chăng chàng trai này muốn nói mình từ nơi xa đến tìm người con gái tốt để làm hồng nhan tri kỷ? Với khẩu khí này ta đoán cậu ta là học trò yêu của quan Bảng nhãn Lương Đắc Bằng chứ không sai”.
Thấy cha vui cười, lòng cô gái xốn xang vội lánh vào phòng để che giấu tình cảm của mình đang thể hiện rõ trên khuôn mặt xinh đẹp. Dù không dám hỏi nhưng cô đã biết rõ tên của người ấy, một chàng trai nổi tiếng thông minh mà cha cô thường khen ngợi mỗi khi nhắc tới những học trò của người bạn đồng liêu.
Không lâu sau đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận được giấy mời của cha cô gái gánh nước mà chàng tình cờ đã gặp và kể từ đấy cuộc tình duyên thắm đẹp giữa hai người chính thức được bắt đầu với sự vun vén của hai gia đình, cuối cùng là lễ thành hôn của đôi trai tài gái sắc.
Các tư liệu không cho biết tên người vợ cả của Nguyễn Bỉnh Khiêm, chỉ biết rằng bà họ Dương, hiệu là Từ Ý, ái nữ của Dương Đức Nhan (ông đỗ tiến sĩ năm Quý Mùi - 1463, làm quan đến Hình bộ hữu thị lang, tước Dương xuyên hầu và là tác giả của tuyển tập thơ 5 quyển rất nổi tiếng à Tinh tuyển thi tập hoặc Cổ kim thi gia tinh tuyển, gồm 472 bài thơ của 13 tác giả từ cuối đời Trần đến đầu thời Lê).
Dưới thời quân chủ của Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong số hiếm "văn nhân thuần túy" (tức là những người không phải quan tướng nắm binh quyền và chưa từng cầm quân ra trận) và lại cũng không phải là công thần khai quốc lẫn người thân thích với hoàng tộc nhưng được phong tới tước Công (Quận công, Quốc công) ngay từ lúc còn sống. Trình Quốc công là tước phong chính thức cao nhất của vua nhà Mạc ban cho Nguyễn Bỉnh Khiêm gần 20 năm trước khi ông mất. Sự việc này căn cứ vào 3 tấm văn bia do chính ông soạn lúc đã cáo quan về quy ẩn tại quê nhà Trung Am ở độ tuổi ngoài 73 và hiện còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn tại 2 huyện Quỳnh Phụ và Thái Thụy của tỉnh Thái Bình. Ông cũng được sử sách coi là một nhà dự báo, hoạch định chiến lược. Những lời cố vấn của ông dành cho các tập đoàn quyền lực phong kiến Mạc, Lê-Trịnh, Nguyễn đã có tác động lớn tới quan hệ địa chính trị của khu vực Đông Nam Á trở về sau.
|