Cảm xúc chuyện tình Tử Đồng Tử - Tiên Dung



Truyện cổ tích Chử Đồng Tử là một truyện có kết cấu bình dị, nhưng ta vẫn cảm nhận được cái hay và cái đẹp mà cốt truyện muốn mang đến cho người đọc. Câu chuyện như bản giao hưởng tuyệt vời của con người hiếu nghĩa, và đặc biệt là giấc mơ tình yêu tuyệt đẹp giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung, tình yêu vượt lên cả lễ giáo phong kiến để cập bến bờ hạnh phúc.

Chử Đồng Tử thuộc truyện cổ tích thần kỳ, có nguồn gốc từ lâu đời, bắt rễ trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người Việt. Cốt truyện xoay quanh mấy sự kiện chính, mà mỗi sự kiện là một bài ca, một mơ ước được dân gian gửi gắm, ký thác sâu sắc. Có thể tạm chia truyện qua ba chặng như sau: thời thơ ấu nghèo khổ của chàng mồ côi Chử Đồng Tử - bài ca về lòng hiếu thảo; cuộc gặp gỡ giữa Chử Đồng Tử với công chúa Tiên Dung - bài ca về tình yêu và hôn nhân; Chử Đồng Tử và Tiên Dung cùng nhân dân lao động biến một vùng sông nước hoang vu thành xóm làng đông đúc, hai người học được phép tiên rồi bay về trời - bài ca về tinh thần lập nghiệp. Ngoài ra còn có thêm phần Chử Đồng Tử hiển linh giúp đời sau đánh giặc cứu nước - phần này trong sách giáo khoa ở trường THPT không đưa vào.

Nói về lòng hiếu thảo của Chử Đồng Tử, truyện đã được tác giả dân gian xây dựng và thể hiện trong một tình huống vô cùng độc đáo: Hai cha con nghèo đến nỗi phải chung nhau một chiếc khố, hễ ai đi đâu thì được đóng khố. Cha chết, dặn lại con rằng: bố chết con cứ táng trần cho bố, còn cái khố con cứ giữ lấy mà dùng. Nhưng vì thương cha nên Chử Đồng Tử không nỡ để cha trần truồng nên chàng đã đóng khố cho cha rồi mới chôn, còn mình không manh khố che thân, dầm nửa mình trong nước, đánh cá đổi gạo để sống qua ngày.

Vậy là người cha biết mình sắp chết nhưng chỉ nghĩ đến con. Thương con đến như vậy, người cha ấy tất phải là người cha hiền.Tuy nghèo hèn nhưng tấm lòng vô cùng đôn hậu, bao dung. Cha hiền, tất sinh con có hiếu.

Người con Chử Đồng Tử không nỡ để cha trần truồng về bên kia thế giới, dù anh biết rằng cái khố ấy rồi cũng sẽ mục nát ra, còn anh thì không có gì để mặc trong lúc này. Tấm lòng nhân hậu của người cha và hành động của người con chí hiếu, dường như đã cảm động đến cả đất trời. Người đọc, người nghe có thể bỏ qua tính chất cường điệu của sự miêu tả, mà xúc động, và trái tim rung lên với biết bao cảm thương, xót xa cho số phận những con người bất hạnh. Lòng hiếu thảo của Chử Đồng Tử được thể hiện trong một hoàn cảnh đầy thử thách, trớ trêu, song chính sự thử thách này, hoàn cảnh này mới lột tả đỉnh điểm lòng hiếu thảo của Chử Đồng Tử, sự hy sinh tuyệt đối của Chử Đồng Tử với cha mà không phải bất kỳ người con hiếu thảo nào cũng có thể làm được.

Theo quan niệm phong kiến con cái phải nhất nhất tuân theo lời cha dặn mới là có hiếu, thậm chí Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu" (cha bảo con chết, con không chết là bất hiếu). Nhưng cả Chử Đồng Tử và Tiên Dung dường như đều quên mất nghĩa vụ máy móc đó. Chử Đồng Tử không nghe lời cha dặn trước lúc lâm chung: “bố chết con cứ táng trần cho bố, cái khố con giữ lấy mà dùng", còn Tiên Dung cũng không chịu theo tập tục "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" lại chọn một chàng trai nghèo nhưng có nghĩa để kết hôn. Họ không theo đúng tập tục phong kiến một cách cứng nhắc, mà trên hết họ là những người hiếu thảo, trọng tình nghĩa, hành động của Chử Đồng Tử đúng là chí hiếu, Tiên Dung cũng không nghe lời cha chọn người chí hiếu làm chồng bởi nàng là người chí tình.

Mà theo quan niệm dân gian hiếu tình là tấm lòng, là tình cảm yêu thương hy sinh đến quên mình. Chử Đồng Tử, Tiên Dung xét ở góc độ đó chính là những người đẹp cả phẩm chất lẫn tâm hồn, đại diện cho cái đẹp, cái thiện theo quan niệm đạo đức, thẩm mỹ dân gian. Vì vậy mà họ được nhân dân yêu thích và ngưỡng mộ vượt qua mọi thời đại.

Chử Đồng Tử - Tiên Dung còn là bài ca về hôn nhân, tình yêu tuyệt vời đến kỳ lạ. Đó là cuộc hôn nhân chưa từng có xưa nay bởi lẽ Chử Đồng Tử và Tiên Dung gặp nhau trong cảnh ngộ thật đặc biệt. Tiên Dung đi chơi thuyền trên sông, thấy bãi sông rộng thuộc làng Chử Xá bèn sai thị nữ giăng màn tứ vi để tắm. Không ngờ chỗ Tiên Dung tắm lại là chỗ CĐT náu mình. Họ gặp nhau như một thứ duyên trời run rủi, như tự trời xe duyên mà nên vợ nên chồng.

Đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến với nhiều quan niệm khắt khe, con cái bị ép duyên, rẽ duyên, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, cuộc hôn nhân này không chịu bất cứ một sự ràng buộc nào, họ tự nguyện đến với nhau, không có ép buộc, không một vụ lợi, toan tính mà nó trong sáng, đẹp đẽ vô cùng. Cuộc hôn nhân đối cực giàu nghèo không phân biệt địa vị, sang hèn, không phân biệt danh phận, chỉ có hai con người thuần khiết, trong trẻo. Tiên Dung xuất thân tầng lớp lá ngọc cành vàng, nhưng nàng không tha thiết mặn mà với cuộc sống danh gia vọng tộc, nên mãi rong chơi du ngoạn, gặp gỡ Chử Đồng Tử giữa cảnh trời nước mênh mông, nghe câu chuyện tình nghĩa của chàng, Tiên Dung cảm động và trân trọng tình cảm đó, nàng quyết định kết hôn với người con trai dân nghèo ấy. Tiên Dung đã hành động theo chỉ dẫn của trái tim không phân biệt địa vị, sang hèn…. Quyết định của nàng là sáng suốt của ý thức chứ không phải hành động theo bản năng mù quáng.

Hơn nữa, Tiên Dung đã đến tuổi thành thân mà chẳng chịu lấy chồng, có lẽ vì con người nàng có trái tim không màng danh lợi, hoặc là nàng không tìm thấy tình yêu đích thực ở chốn phồn hoa đô hội, cho nên trước một người như Chử Đồng Tử nàng đã xiêu lòng, nàng nói: "Thiếp đã nguyện không lấy chồng, nay duyên trời run rủi, gặp chàng chốn này mới biết không cưỡng lại được duyên trời" (nhân duyên trời định). Phải chăng trước Chử Đồng Tử, trái tim chai sạn sắt tưởng đã ngủ yên của Tiên Dung đã được đánh thức, đã hồi sinh. Trái tim ấy không rung động vì giàu sang phú quý mà rung động vì tấm chân tình của một chàng trai nghèo. Chử Đồng Tử là người đàn ông đầu tiên và cũng là duy nhất của Tiên Dung. Với nàng đó là một tình yêu lý tưởng. Quan niệm của dân gian rất dân chủ: giữa hai người không có áp bức, tường rào nào cả, thì không có lý do gì để không đến được với nhau, quan niệm này là tuyên ngôn chống lại thứ tình yêu giả dối mà ở đó tình yêu thường gắn với vụ lợi, vì thế quan niệm này còn là tiếng nói đấu tranh cho những mối tình lý tưởng.

Một tình yêu nảy nở hồn nhiên giữa đất trời, sông nước phóng khoáng chỉ có thể là tình yêu của những tâm hồn khỏe khoắn yêu đời, ham sống. Nó thể hiện ước mơ về tự do hôn nhân của người xưa.

Phần cuối của truyện xoay quanh chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung lập nghiệp và bay về trời. Sau khi kết hôn, Tiên Dung, Chử Đồng Tử ở lại bến sông lập nghiệp, cùng nhân dân xây dựng xóm làng, làm ăn ngày một thịnh vượng. Vợ chồng Chử Đồng Tử học được phép tiên, được ban tặng gậy và nón thần. Đó chính là những vật thần kỳ, sản phẩm của trí tưởng tượng kỳ ảo, giúp họ nhanh chóng đạt được ước mơ. Nhờ gậy nón thần, chỉ trong một đêm giữa vùng đất hoang, họ đã xây lên một cung điện lộng lẫy. Đó là ước mơ lao động nhẹ nhàng hơn và hiệu quả hơn, cuộc sống đầy đủ sung túc, ước mơ đó mang tinh thần lạc quan, và khát vọng tự do của người lao động. Đó cũng là ước mơ chinh phục đầm lầy, khai phá đất hoang của cha ông ta xưa. Sự nghiệp đó chắc chắn vô cùng gian nan vất vả, thế mà trong truyện nó được gắn với hai vật thần kỳ là nón và gậy thần, nó được dồn tụ vào chỉ một đêm, nó mang đến sự biến đổi kỳ diệu từ không đến có. Sự kiện đó thể hiện: những ước mơ trên vừa bình dị, vừa lãng mạn, vừa thiết thực vừa phóng khoáng thể hiện tinh thần yêu đời, nhân văn sâu sắc của nhân dân lao động.

Sự xuất hiện các yếu tố kỳ ảo mang dấu ấn “tự trời”. Tuy nhiên mọi việc đều do con người muốn làm và tự làm: tự trời xe duyên nhưng để thành vợ thành chồng phải dám “việc gì mà từ chối”, tự trời cho nhưng phải thuận vợ thuận chồng để làm ăn buôn bán, phải chân thật thì mới học được phép tiên, phải thương yêu chia sẻ với nhau (cùng ngồi tựa vào cây gậy mà ngủ) thì phép màu mới hiển linh.

Chi tiết cuối, cả hai người cùng tòa lâu đài bay về trời; ảnh hưởng của đạo Phật; đó là cõi bất tử, nơi con người có thể hưởng hạnh phúc mãi mãi. Họ đã về trời và vẫn sống bên nhau chung thuỷ, son sắt. Hình ảnh đó thể hiện khát vọng của nhân dân, mong muốn tình yêu giữa họ luôn bất tử với thời gian. Và dù có thoát tục, họ vẫn không quên được quê hương đất nước khi giúp Triệu Việt Vương đánh thắng quân giặc. Tình yêu đôi lứa hoà chung trong tình yêu đất nước quê hương thật đẹp và đáng quý. Ước mơ lên trời một mặt mang khát vọng khám phá thế giới khác từ lâu đã phổ biến trong truyện cổ. Giống như chàng Từ Thức đến cõi tiên tìm gặp Giáng Hương, Ngưu Lang lên trời tìm vợ.

Truyện cổ tích luôn là những giấc mơ đẹp, những giấc mơ đưa tâm hồn con người thoát khỏi thế giới trần gian, hệ lụy. Truyện Chử Đồng Tử là giấc mơ về tình yêu, về hạnh phúc đôi lứa. Là một bài ca neo giữ những giá trị tốt đẹp của con người hôm nay và mai sau. Bài ca ấy sẽ đi cùng năm tháng và mãi mãi trường tồn với thời gian.

Phạm Diệu Linh




Xem thêm