Nguồn gốc chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”



Câu này xuất xứ sâu xa là từ cụ Khổng: “Quân tử bác học ư văn, ước chi dĩ lễ, diệc khả dĩ phất bạn hĩ phu” (Quân tử học văn chương cho rộng, lấy lễ giáo mà ước thúc bản thân, thì có thể không trái đạo). Dĩ nhiên cụ Khổng thì luôn đề cao "lễ", như câu: Bất học lễ vô dĩ lập (Không học lễ thì không lập thân được), và mặc dầu trong câu nói ở trên, cụ Khổng không nói cái nào trước, cái nào sau, nhưng văn từ theo thứ tự học rộng văn chương rồi mới tới ước thúc bằng lễ, có thể thấy ý cụ Khổng là học văn trước đã, rồi mới tới lễ, chưa học thì biết chi mà lễ giáo với chả ước thúc.

Tới "Tiên học lễ", ý này xuất phát từ "Lễ ký", thiên "Học ký": Tố nhân tiên học lễ (Đối nhân xử thế trước hết phải học lễ). Ý "học lễ" trong câu này không liên quan tới "học văn".

Dần dà về sau, thứ tự văn (chỉ chung các môn học) và lễ dần đảo ngược, đặc biệt với ngạch võ, với các câu như: Vị tằng học nghệ tiên học lễ, vị tằng tập vũ tiên tập đức (Chưa học nghề thì đã phải học lễ trước, chưa tập võ thì đã phải tập đức trước).

Câu chuyện "tiên học văn" hay "tiên học lễ" một thời gây tranh cãi khá rộng (bên Tàu), rốt cuộc "tiên lễ hậu văn" đã thắng nhưng hình như không thành khẩu hiệu như "tiên học lễ hậu học văn" giống bên ta.

Hai Hội (Tổng hợp)




Xem thêm