Nếu ai khóc cho nhà thờ Bùi Chu




Hình ảnh nhà thờ Bùi Chu trên thông báo, ảnh: Thái Lộc

Tuy không theo đạo nhưng tôi sống ở giáo xứ Ba Làng từ nhỏ đến giờ nên rất có cảm tình với các nhà thờ Thiên chúa. Vì thế khi nghe tin nhà thờ Bùi Chu, công trình kiến trúc hơn 134 năm sẽ bị đập bỏ để xây mới cũng thấy tiếc nuối.

Nhiều người đã bắt đầu nói với vẻ châm biếm rằng những người đã từng khóc khi Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy, sao nay không khóc cho nhà thờ Bùi Chu. Bỏ qua việc can thiệp vào cảm xúc của người khác thì đây cũng là sự so sánh lạ lùng. Nhà thờ Đức Bà Paris thiệt hại vì một vụ tai nạn ngoài mong muốn, còn việc xây dựng lại nhà thờ Bùi Chu là việc chủ động của Giáo xứ và giáo dân.

Từ chuyện này người ta lại chửi cả chính quyền. Nhiều người chỉ nghe tin “sắp phá nhà thờ cũ xây nhà thờ mới” là kết luận luôn “chính quyền đang phá hết những gì của Thiên chúa giáo để làm lại theo ý của họ”, kỳ lạ chưa. Nhà thờ Bùi Chu, rất tiếc và không hiểu tại sao lại không nằm trong danh sách di sản được bảo vệ như nhà thờ Phát Diệm, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Lớn và nhà thờ Cửa Bắc. Theo quy định, nhà nước không chủ động việc xếp hạng di tích mà chủ thể công trình phải có hồ sơ đề nghị. Thế nên việc xóa bỏ xây mới hoàn toàn phụ thuộc Giáo xứ và giáo dân chứ nhà nước nào quyết định? Thậm chí chính quyền có muốn phá hay cấm người ta phá đều không được.

Cũng từ chuyện xây mới này người ta còn trách các cha xứ và giáo dân Bùi Chu rằng tại sao không chịu bảo vệ công trình lâu năm như thế. Nhiều thuyết âm mưu được comment không cần nghĩ, thậm chí dùng những từ ngữ không được văn hóa cho lắm khi nằng nặc đòi giữ lại “di sản văn hóa”. Chuyện này tôi tin các cha xứ cũng không quyết định được, giáo dân cũng không quyết định được, chỉ có chính chất lượng công trình của nhà thờ Bùi Chu quyết định. Không ai muốn giữ lại nhà thờ bằng các cha xứ và giáo dân, nên chắc chắn việc trùng tu hay xây mới cũng đã được các kiến trúc sư mục sở thị nghiên cứu và tư vấn rất nhiều rồi, không thể một ngày đẹp trời cha xứ bảo thôi ta xây mới.

Trùng tu tất nhiên là tốn kém hơn xây mới, nhưng việc kêu gọi đóng góp trùng tu nhà thờ cũng không phải là khó khăn, tuy nhiên nếu trùng tu mà “mái, cột, tường, nền” đều phải bỏ cả thì đó gọi là gì? Còn như chỉnh sửa chỗ này, chắp vá chỗ kia thì hãy xem những ngôi nhà cũ nát trong phố cổ Hà Nội, Đường Lâm, Sơn Tây, Hội An... không được phép xây mới. Hơn nữa, đây còn là nhà thờ, nơi sinh hoạt của hàng ngàn giáo dân và nhiều hơn thế khách du lịch mỗi dịp lễ, sự an toàn phải được đặt lên hàng đầu.

Nhà cổ rất nên bảo tồn, nhưng nhà cũ quá không thể giữ được thì biết phải làm sao. Nếu có khóc hãy khóc vì tiếc nuối công trình kiến trúc lâu năm đã bị hư hỏng, rồi sau đó mỉm cười với công trình mới lớn hơn, đẹp hơn, trường tồn cùng thời gian do công nghệ xây dựng hiện đại.

Trần Nhật Giáp (30/4/2019)



Xem thêm