Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi, Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh, Trên con đường viền trắng mép đồi xanh, Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết. Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc; Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon, Vài cụ già chống gậy bước lom khom, Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ. Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ, Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu, Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa, Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa, Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh, Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh. Người mua bán ra vào đầy cổng chợ. Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ, Để lắng nghe người khách nói bô bô. Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ, Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán. Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản, Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân. Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm, Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ. Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ, Nước thời gian gội tóc trắng phau phau. Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu, Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu. Áo cụ lý bị người chen sấn kéo, Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra. Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà, Quên cả chị bên đường đang đứng gọi. Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi, Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa. Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha. Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết, Con gà trống mào thâm như cục tiết, Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm, Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh, Trên con đường đi các làng hẻo lánh, Những người quê lũ lượt trở ra về. Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê, Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
Bài thơ đăng lần đầu trên báo Ngày nay vào dịp Tết Nguyên đán 1939. Bản trên dẫn theo Đoàn Văn Cừ toàn tập, dưới đây là bản trong Thi nhân Việt Nam, có một số khác biệt:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi, Trên con đường viền trắng mép đồi xanh, Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết. Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc; Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon, Vài cụ già chống gậy bước lom khom, Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ. Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ, Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu, Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau. Sương trắng dỏ đầu cành như giọt sữa, Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa, Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh, Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ. Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ, Để lắng nghe người khách nói bô bô. Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ, Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán. Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản, Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân. Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm, Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ. Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ, Nước thời gian gội tóc trắng phau phau. Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu, Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu. Áo cụ lý bị người chen sấn kéo, Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra. Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà, Quên cả chị bên đường đang đứng gọi. Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rợi, Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa. Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha. Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết, Con gà trống màu thâm như cục tiết, Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm, Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh, Trên con đường đi các làng hẻo lánh, Những người quê lũ lượt trở ra về. Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê, Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
1939, Đoàn Văn Cừ
Tết Nguyên đán là lễ quan trọng trong văn hóa Việt Nam; Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, và thường chỉ gọi đơn giản là Tết. Do cách tính của âm lịch khác nhau nên Tết của Việt Nam không hoàn toàn trùng với các nước có Tết Âm lịch khác. Cũng vì Âm lịch tính theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch, lại do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày mùng 1 Tết không bao giờ trước ngày 21/1 và sau ngày 19/2 Dương lịch. (WikipediB)
|