Việt Nam có nguồn gốc tên gọi như thế nào?



>> Nguồn gốc tên gọi 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam

“Việt Nam” là chữ mà nhà Nguyễn của An Nam được nhà Thanh của Trung Quốc ban cho làm quốc hiệu. Năm 1802 vua Gia Long cho người mang quốc thư và cống vật sang Trung Quốc xin nhà Thanh cho đổi quốc hiệu thành “Nam Việt” và phong hiệu cho vua Gia Long. Nhà Thanh không đồng ý cho đổi quốc hiệu thành Nam Việt vì cho rằng trước kia có nước Nam Việt cương vực rộng lớn, bao gồm cả hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc, An Nam thì chỉ nằm trên đất Giao Chỉ.

Nhà Thanh đảo ngược tên “Nam Việt” thành “Việt Nam”, ban cho triều Nguyễn lấy làm quốc hiệu. Chữ “Việt” biểu thị đất Việt Thường, cương vực nước này trước đây chỉ có đất Việt Thường, chữ “Nam” thể hiện đất An Nam, cương vực sau này của nước này. Đặt quốc hiệu là “Việt Nam” vẫn có hai chữ “nam việt” trong tên mà lại không nhầm lẫn với nước Nam Việt, lại thể hiện được vị trí địa lí của nước này là nằm ở phía nam Bách Việt. Năm Gia Long thứ ba (1804), vua Gia Khánh nhà Thanh cho án sát sứ Quảng Tây Tề Bố Sâm sang tuyên phong Gia Long làm “Việt Nam quốc vương”.

Quốc danh Việt Nam được chính thức sử dụng lần đầu dưới thời vua Gia Long từ năm 1804 đến 1813. Tên gọi này sau đó xuất hiện trong tác phẩm “Việt Nam vong quốc sử” của Phan Bội Châu năm 1905, và sau đó được sử dụng bởi Việt Nam Quốc dân Đảng. Thời Pháp thuộc, đất nước thường được gọi bằng tên An Nam cho tới sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền Việt Minh ở Hà Nội chính thức đặt quốc hiệu là Việt Nam, sau đó chiến tranh kéo dài đến năm 1975 mới thống nhất đất nước.

Hai Hội




Xem thêm