Tem thư hay tem bưu chính là một mảnh giấy nhỏ do một bưu điện, bưu chính, hoặc các nhà cung cấp có thẩm quyền khác cho các khách hàng thanh toán cước phí (chi phí liên quan đến việc di chuyển, bảo hiểm, hoặc đăng ký gửi bưu phẩm), và bưu điện sau đó đóng dấu lên mặt hoặc bên cạnh địa chỉ của bất kỳ bưu phẩm nào - phong bì hoặc vỏ bưu phẩm khác (ví dụ, gói, hộp, thùng gửi qua bưu điện) - mà họ muốn gửi. Bưu phẩm này sau đó được xử lý bởi hệ thống bưu chính, trong đó dấu bưu điện hoặc dấu hiệu hủy bỏ trong sử dụng hiện đại cho biết ngày và điểm xuất phát của thư gửi được đóng dấu đè lên tem và đè lên bên trái và bên phải của nó để ngăn chặn việc tái sử dụng tem. Các bưu phẩm này sau đó được giao cho người nhận.
Con tem thư đầu tiên của nhân loại
Con tem có tên Penny Black, do Sir Rowland Hill, một giáo viên người Anh thiết kế, ông vẫn được xem như là người phát minh ra tem thư. Tuy nhiên, từ năm 1653 người điều hành Bưu điện Paris (Pháp), Jean-Jacques Renouard de Villayer, đã cho ra đời billet de port payé, một mảnh giấy dùng làm cước phí tương tự như tem thư sau này, vì không có mặt phủ keo nên phải dùng kẹp hay dây để gắn mảnh giấy này vào thư, rất tiếc hiện nay không còn một bản nào còn tồn tại.
Con tem đắt nhất thế giới hiện nay
"3 skilling vàng" là con tem bưu chính của Thụy Điển. Theo quy định khi in, con tem có mệnh giá 3 skilling có màu xanh, 8 skilling có màu vàng, tuy nhiên do lỗi nào đó nên vào năm 1855 có một con tem 3 skilling lại được in màu vàng và trở thành con tem siêu quý. Con tem này được một cậu bé có tên Georg Wilhelm Baeckman phát hiện vào năm 1886 khi lục lọi gian phòng của ông nội. Năm 1990, con tem này gây xôn xao khi được bán với giá 1,07 triệu USD. Năm 1996, con tem này lại lập kỷ lục khi được bán với giá 3,14 triệu USD. Đến tháng 5/2010, một người mua bí mật đã mua con tem này với mức giá... bí mật. Nhân viên đấu giá David Feldman của buổi đấu giá này tiết lộ rằng “đây là con tem đắt hơn bất kỳ con tem bưu chính nào trên thế giới.
Hình dáng của tem
Nói đến tem thư, hẳn nhiên ta nghĩ đến hình chữ nhật, nhưng thực tế tem còn có nhiều hình dạng khác. Tem hình tam giác cũng đã xuất hiện khá sớm, hình dạng này cũng dễ sắp xếp khi in như hình chữ nhật, được biết đến nhiều nhất là con tem Mũi Hảo Vọng. Gần đây còn có tem hình tròn; cộng hòa Sierra Leone là quốc gia được nhiều người sưu tập tem biết đến vì hay phát hành tem có những dạng đặc biệt như huy hiệu, trái cây, chim, bản đồ hay hình trái dừa. Bưu chính Pháp đã phát hành nhiều tem hình trái tim; Bưu chính Nga có tem năm mới hình quạt, mỗi tờ tem hình tròn chia làm tám con tem, mới trông như hộp pho mát vậy.
Tem tẩy và tem giả
Thế hệ 9x đời đầu trở về trước hẳn không quên được kỹ năng tẩy tem khi còn đang đi học, việc này hẳn không phải trình bày lại. Tuy nhiên, đó chỉ là những thiệt hại kinh tế lìu tìu, đỉnh cao phải kể đến là những vụ làm tem giả trong các cuộc chiến tranh thế giới trước đây, đa số là với mục đích tuyên truyền, nội dung hay hình ảnh của con tem bị thay đổi đi theo các mục đích tuyên truyền, ví dụ như sửa dòng chữ "Deutsches Reich" (Đế chế Đức) được chữa thành "Futsches Reich" (Đế chế sụp đổ).
Hai Hội |