Nhật ký Bố già - tập 1



Truyền đơn và bom nổ

Lâu nay cứ tưởng chuyện tình yêu có thể viết được nhiều nhất, nhưng hóa ra không phải như vậy. Chủ đề về con cái mới là điều suy nghĩ và có thể viết đến bất tận.

Là trưởng họ đến 7, 8 đời gì đó, lại đã đến tuổi “băm mấy nhát” nên mình luôn là chủ đề săm soi của cả họ hàng mỗi dịp lễ tết, giỗ chạp. Tất nhiên, người nói đến việc đã già mà chưa lấy vợ của mình nhiều nhất là mẹ. Thôi thì “thằng Tèo xóm Bạng vừa cưới đấy, nó kém mày gần 10 tuổi đấy”, “vợ thằng Tị khu Ba Làng vừa sinh đứa thứ hai, đứa đầu của nó sắp học cấp ba đến nơi rồi”, “hay là mày bị làm sao?” (ý là nghi thằng con bị đồng tính)... nếu đem cộng dồn hết của mọi người lại rồi chia trung bình mỗi ngày bị khoảng 12 câu nhắc nhở, nghĩa là 2 tiếng bị nhắc một lần trong suốt 10 năm qua!

Bây giờ mình rất thông cảm cho những người lấy vợ muộn, thực ra có ai muốn lấy muộn đâu, nhưng mà cái số nó thế, nói như thiên hạ thì giày dép còn có số huống gì con người.

Mình không có mối tình đầu, chính xác là thế, nhưng mối tình giữa cũng không ít, ấy thế mà cứ vì lý do này rồi lý do kia khiến cho những mối tình ấy thành tổ mối hết. Cho đến lúc gặp bà xã bây giờ, biết ngay là mối tình... cuối, tất nhiên là muốn cưới nhanh nhanh rồi, thế là a lô về nhà bảo một tháng nữa cưới, không ngờ cách đó mấy tiếng cô em gái cũng a lô về nhà bảo chúng nó dự định cưới đúng ngày ấy (ngày đẹp có khác), mẹ cuống lên: “Chúng mày được mùa hay sao đấy?”. Rõ khổ, tự nhiên trùng hợp thế chứ, đành hoãn lại đúng 3 tháng nhường cô em xuất chuồng trước.

Lúc chuẩn bị cưới cũng có khối chuyện để nói, riêng việc đi mời vừa đau đầu vừa buồn cười. Ở quê cũng cần cưới vì anh em họ hàng ở quê cả, ở thành phố cùng cần tổ chức vì bạn bè đồng nghiệp ở đây cả. Rồi thì ai mời ai không, ai mời bằng giấy ai mời qua điện thoại (đưa giấy mời mấy trăm nhà rải rác khắp các tỉnh thành huyện thị có mà cả năm mới hết), cuối cùng quyết định a lô tất, trừ cơ quan, vì cơ quan chỉ đi rải truyền đơn các phòng hết có 10 phút là xong.


Thế rồi chuyện cưới xin cũng qua nhanh, nhìn lại thấy cũng dễ như ăn ớt, thế mà hồi sắp cưới hỏi kinh nghiệm mấy thằng bạn, chúng nó bảo dễ lắm, không có gì để truyền đạt cả, mình nhất định không tin, còn chửi toáng lên rằng thì là chúng mày thế này thế kia, giờ có ai hỏi kinh nghiệm chắc cũng chỉ cười xòa “có cái quái gì đâu, cứ đặt mâm, mời mọi người đến xơi là xong”! Thì đâu có biết, lâu nay đi ăn cơm bụi giá cao nhiều nhưng đã làm chủ quán bao giờ đâu.

Tưởng cưới vợ xong là xong, không dè cưới xong anh em họ hàng lại hỏi sang chuyện bầu bí, dân Việt mình là thế, chuyện con cái quan trọng hơn hết. Đến nhà bác chơi, bác gái thủ thỉ thù thì với vợ “đã thấy trong bụng có giun chưa?”, mấy cô bạn thân của vợ cũng thỉnh thoảng lại “trong bụng có giun chưa đấy?”... hai vợ chồng quyết định nếu trong bụng có... giun sẽ đặt bí danh cho con là giun, viết là Jun cho nó Tây.

Tết đến vợ đã có bầu mấy tháng, qua phố ông đồ ở Quốc tử giám xin chữ cụ Cung Khắc Lược, ý là sau này lớn lên mỗi lần những chữ đó con sẽ nhớ đến những cụ đồ, nhớ Quốc tử giám và những gì cổ điển. Biết hoài cổ rất tốt cho tâm hồn.

Vậy mà cũng nhanh, vừa đúng 9 tháng sau ngày cưới, không thừa không thiếu một ngày, vợ chuyển dạ, nếu chậm 1 ngày nữa thì sau này cứ 4 năm mới có một sinh nhật cho Jun, theo dự đoán của mấy lần đi siêu âm thì sinh sớm 20 ngày.

2h sáng, 28-2-2012 vợ kêu bụng đau lâm râm, càng về sáng càng đau, lúc ấy buồn ngủ quá bảo chờ cho sáng hẳn sẽ đưa đến viện sản. Tưởng tranh thủ nằm ngủ tí lấy sức chiến đấu, ai dè ngủ một phát đến 6h, hỏi vợ nãy giờ có đau không, vợ kêu sắp đẻ đến nơi rồi hay sao í, đau quá nhưng cứ để bố Jun ngủ. Hoảng quá, ra đầu phố gọi ngay một chú taxi đi làm đêm về.

Đến viện sản, một ngày chờ vợ đẻ mới thấy nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Nhưng có một việc không thể dừng dù đang đưa vợ đi đẻ, đó là chụp ngay cái biển hiệu “Cháo sản phụ” chỗ từ cổng chính đi vào gần chục mét.

Trong lúc chờ y tá gọi vào làm thủ tục, rút a lô ra gọi khắp nơi thông báo, cuối cùng là cho sếp “vợ em sắp nhảy ổ, dự kiến trưa nay bom nổ, em xin nghỉ cả ngày hôm nay nhá”! Sếp cười lớn ra vẻ như “chuyện này tao hiểu và thông cảm”!

- OK. Chúc mừng ông bố trẻ, à không, chúc mừng ông bố già!

Chuyện chờ vợ đẻ


Đưa vợ lên taxi, chạy một lèo đến viện sản, trời còn mờ sáng mà đã thấy đông ơi là đông. Làm thủ tục xong được đưa lên phòng chờ, những phút giây căng thẳng bắt đầu.

Người nhà đứng hết ngoài hành lang, tất cả đều hóng vào mấy phòng bên trong, trong đó là mấy bà bầu vừa ôm bụng vừa đi chầm chậm hơn cả lúc tắc đường, mặt mũi nhăn nhăn nhó nhó như... đau đẻ (!!!).

Thỉnh thoảng vợ lại ra cửa sổ gọi, lúc thì chai nước lúc bát phở, thỉnh thoảng lại động viên vợ: “Yên tâm đi, đẻ không đau đâu, cùng lắm như là bị táo bón lâu ngày ấy mà” làm bà nào bà nấy cười ầm ĩ nhao nhao phản đối, bà chị vợ bảo dễ thế lần sau đến lượt chú nhá. Giờ ạ, nếu đẻ được thì mình đã ở trong kia.

Có một bà mách nước rằng thì là có thể đẻ xong chậm sữa, cần lấy là mít (trai 7 lá, gái 9 lá) ngâm nước nóng rồi xoa vào đầu ti, bà rút trong túi xách ra cả cành mít to tướng ý khoe là phải chuẩn bị như thế này này, ôi nhiều thế, bu cho con xin 9 lá cho chắc (sau này chỉ dùng có 7). Bà khác lại mách nước là dùng lược chải ti, đến trưa thấy bà nội Jun đi xe 200 cây số từ sáng ra đến bệnh viện, vai khoác đồ một tay cầm điện thoại một tay lăm lăm cầm cái lược mới toe. Cả lá mít cả lược thế này đảm bảo sữa đủ cho cả bố lẫn con!

Thật đúng là không có gì sốt ruột bằng chờ bà đẻ, vì chẳng biết lúc nào về đích, trong bệnh viện chỉ có nơi đây là không theo quy luật “xếp hàng”, đến trước vẫn xong sau là chuyện thường ngày ở viện sản. Mấy bà có vẻ quen với cảnh này nên vẫn ngồi buôn dưa lê kinh nghiệm đẻ, thỉnh thoảng lại ngó vào trong xem người nhà được gọi “lên bàn” chưa?

Mấy ông bố thì tụ tập ra hành lang tán gẫu, nhìn mấy bờ tường cũng chán, rủ nhau ra quán nước trước cửa viện, trà đá thuốc lào tán phét um cả lên. Hóa ra bố nào cũng tự trang bị kiến thức về chăm sóc bà đẻ và trẻ sơ sinh, nhiều bố đến đây lần 2, lần 3 thì kể kinh nghiệm những lần trước, ông thì kể những chuyện đọc trên in tơ nét cứ gọi là cười ra nước mắt.

Một ông kể chuyện sinh đứa đầu, lần đó đẻ mổ, ông bảo nếu đẻ mổ nhất định không cho ở cùng bà nào có chồng là diễn viên hài hoặc làm nghề viết truyện cười, hỏi tại sao ông bảo nó mà kể chuyện cười thì bà đẻ cười đứt chỉ thì hỏng hết bánh kẹo à, vợ tớ lần trước chỉ ho một cái mà đứt chỉ đấy. Mình ngồi im thin thít, lúc hỏi thăm nhau về nghề nghiệp phải nói tránh là phóng viên chuyên lấy tin... thế giới, trong khi ngồi lì một chỗ viết truyện cười.

Có ông kể, không biết thật hay bịa, rằng có người sắp sinh con được một cô y tá thực tập đỡ, lúc cháu nó sắp chào đời, cô y tá kết luận sinh đôi vì sờ thấy 2 cái đầu mềm mềm, hóa ra cháu nó ra ngược, cô sờ phải cái mông. Đúng là cười sặc thuốc lào, chắc bố này đọc ở đâu đó vì sờ đầu với sờ mông nó phải khác xa nhau chứ.

Nhân nói chuyện lá mít với lược, một ông bảo đẻ xong mà không có sữa khổ lắm, từ lúc đẻ xong về phòng nằm là phải mua cái máy hút hoặc ít ra là ống hút sữa bằng nhựa để hút, nếu không thì chịu khó mà ngồi vắt cho vợ cứ như hồi đang yêu nhau ngồi trong công viên. Chết cười với chuyện với trò.

Ông này còn bảo, bây giờ đẻ đứa thứ ba rồi nên được xuống đây, chứ hồi đẻ đứa đầu mẹ vợ bắt đứng chờ ngay cửa, mà chờ đủ một ngày một đêm mới đau chứ. Làm mình lúc nào cũng phải ra vẻ căng thằng, đầu tóc phờ phạc, quần áo thì y hệt dáng đứng bến... xe để cả mẹ để lẫn mẹ vợ thấy mình đang hồi hộp lắm. Hồi hộp thì đã hồi hộp từ 9 tháng trước khi vợ báo 2 vạch, đến lúc đi đẻ cũng chuẩn bị tinh thần đủ cả rồi còn đâu, với lại mình có sốt ruột cũng làm được gì cho đời, vợ đẻ chứ có phải mình đâu!

Đang phì cười vì nhận ra quán của bệnh viện ngoài cháo sản phụ còn bán cả nước xôi thì mẹ gọi, bảo lên ngay, khẩn cấp lắm. Chạy lên gần đứt hơi, hóa ra vợ trao nhẫn cưới lần nữa, bệnh viện cẩn thận thế đấy, gửi hết đồ đi kẻo đến lúc đau làm rơi đâu đấy lại đổ cho chúng tớ. Lại trêu vợ: “Sao hôm cưới đã hứa là không bao giờ tháo nhẫn ra cơ mà? Nghĩ lại rồi à?”. Vợ cười nhăn nhó rồi xoay cái bụng to tướng vào phòng tiếp tục đi lẹt phẹt, một lúc thì y tá chạy ra gọi vào phòng chờ đẻ, vợ cứ làm như sắp vào nam chiến đấu, quay lại dặn chồng khi nào đẻ xong em mới gặp lại đấy. Không nhẽ đẻ được một nửa lại chạy ra thăm chồng?

Tưởng thế là một lúc sẽ xong, không dè chờ thêm nửa ngày.

Đến 17h mới có y tá ra báo vào nhận con, mình nhìn kỹ, trông Jun không giống ông bà nội ngoại, không giống bố mẹ, cũng không giống ai trong số họ hàng bạn bè, nhưng vẫn thấy hao hao giống ai đó mình đã từng nhìn thấy, quái lạ thật?!!


Con mình giống ai?

Nhận con xong quên mất vợ mấy phút, lát sau mới “chị ơi vợ em đâu?”, thì ra còn phải chăm sóc sau sinh mươi phút nữa. Y tá đòi lại thằng nhóc, chỉ cho số phòng bảo về đó chờ cả hai mẹ con.

Hai bà cùng với chị vợ và em vợ hối hả xách đồ về phòng được chỉ, tranh thủ rút điện thoại báo tin cho mọi người, nghe mọi người hỏi thăm mới thấy đàn ông thật sự vô tâm hơn phụ nữ. Cánh mày râu chỉ chăm chăm hỏi con trai hay con gái, còn phụ nữ dù già hay trẻ đều hỏi mẹ có khỏe không? Con có khỏe không? Câu cuối cùng mới là con trai hay con gái!

Gấu mẹ vĩ đại của Jun nằm trên xe được một bác sĩ và một ý tá đẩy vào phòng, đặt lên giường rồi đặt Jun bên cạnh, hai người thay nhau dặn mình từ chuyện cho vợ ăn đến việc có gì gọi ngay bác sĩ trực rồi đi ra. Giường bên cạnh cũng có một gấu mẹ nữa chở đến, chồng trẻ hơn mình nhiều tuổi cứ vừa nghe dặn vừa chằm chặp nhìn vào... ngực của bác sĩ và y tá. Tưởng nó là thằng vô tâm có phần... bố láo, té ra không phải, nó cũng cảm ơn bác sĩ y tá như mình, nhưng gọi đúng tên người ta ra cảm ơn, trẻ tuổi mà kinh nghiệm cao, người ta gắn thẻ sờ sờ ra đấy mà mình không biết để gọi tên cho thân mật! Đúng là đưa vợ đi đẻ một lần học một sàng không.

Nhớ lúc vợ đang có bầu, thấy trên các diễn đàn nói đi đẻ mà không có tiền đút cho bác sĩ thì chỉ có nằm đấy mà chờ đau, hai vợ chồng lo lắm, gì chứ khoản này thì thằng ngu phải gọi mình là cụ! Vợ thì cũng một đời chưa biết lót tay lót chân là gì. Lại không biết chuyện này có thật hay không, để chắc ăn, lúc đi trên taxi mình giúi vào tay vợ hai tờ tiền mới cứng, dặn đi dặn lại “vào đó đưa cho bác sĩ tờ lớn, đưa y tá tờ bé, đau mấy cũng phải nhớ đấy”! Lúc này chợt nhớ ra chuyện đó, mặc dù vợ đang mệt thiêm thiếp mình vẫn hỏi bác sĩ có tận tình không, vợ gật gật đầu. Y tá có nhiệt tình không, vợ gật đầu. Có ai cáu gắt gì không, vợ lắc đầu. Mình cười đểu nói thầm với vợ rằng có tiền có khác, nhiệt tình thế. Vợ nghe nói giật mình, mở choàng mắt thì thào: “Thôi chết, đau quá nên em quên đưa tiền rồi”!

Lại nhớ lúc nãy nhận con, thấy mang máng giống ai đó, nhưng không dám nói với vợ, sợ vợ tưởng mình nghĩ ngợi gì. Trầm ngâm nhìn kỹ một hồi mới à lên một cái, Jun trông giống hệt... cái ảnh lúc siêu âm!!! Tự nhiên cười sặc sụa, may mà bịt miệng kịp, vợ mở mắt ra ý hỏi chuyện gì, bảo không có gì, nói tránh ra là sợ lúc người ta làm giấy chứng sinh vợ quên mất lại đọc tên con là Jun thì khổ. Vợ bảo đúng đấy, khi nãy suýt đọc nhầm!

Jap Tiên Sinh



Xem thêm