Kinh tế Việt Nam có ưu, nhược điểm và những thành công nào?



Từ ngàn năm nay, Việt Nam là một nước nông nghiệp. Trước năm 1986, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế kế hoạch tương tự nền kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa. Chính sách Đổi Mới năm 1986 thiết lập mô hình kinh tế mà Việt Nam gọi là “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Các thành phần kinh tế được mở rộng nhưng các ngành kinh tế then chốt vẫn dưới sự điều hành của Nhà nước. Sau năm 1986, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển to lớn và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 9% hàng năm từ 1993 đến 1997, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam năm 1994. Tăng trưởng GDP 8,5% vào năm 1997 đã giảm xuống 4% vào năm 1998 do ảnh hưởng của sự kiện khủng hoảng kinh tế Á châu năm 1997, và tăng lên đến 4,8% năm 1999. Tăng trưởng GDP tăng lên từ 6% đến 7% giữa những năm 2000-2002 trong khi tình hình kinh tế thế giới đang trì trệ. Hiện nay, giới lãnh đạo Việt Nam tiếp tục các nỗ lực tự do hóa nền kinh tế và thi hành các chính sách cải cách, xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để đổi mới kinh tế và tạo ra các ngành công nghiệp xuất khẩu có tính cạnh tranh hơn.
Mặc dù có tốc độ phát triển kinh tế cao trong một thời gian dài nhưng do tình trạng tham nhũng không được cải thiện và luôn bị xếp hạng ở mức độ cao của thế giới cộng với các khó khăn về vốn, đào tạo lao động, đất đai, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng gây ra cho việc kinh doanh với hàng chục ngàn thủ tục từ 20 năm trước đang tồn tại và không phù hợp với nền kinh tế thị trường nên với con số cam kết đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) cao kỷ lục 61 tỉ USD năm 2008 chưa nói lên được mức độ tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam và Việt Nam đang bị các nước trong khu vực bỏ lại khá xa. Theo thống kê năm 2015 của Ngân hàng Thế giới thì PPP đầu người của Việt Nam năm 2014 là 5.294,4 USD, bằng 55,4% so với Indonesia, 37% so với Thái Lan và chỉ bằng 6,7% so với Singapore
Ngày 7 tháng 11 năm 2006, Việt Nam được phép gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả các nước có yêu cầu (trong đó có những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc). Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức WTO ngày 11 tháng 1 năm 2007.
Ngày 3 tháng 4 năm 2013, tại một hội thảo tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế của Việt Nam đã nhận định nền kinh tế Việt Nam đi xuống sau 5 năm gia nhập WTO. Cụ thể, trong giai đoạn 2007-2011, chỉ có 1 năm (2008) Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP trên 8%. Tuy xuất khẩu tăng 2,4 lần lên 96,9 tỷ USD trong giai đoạn này nhưng mức tăng trưởng lại thấp hơn 5 năm trước khi gia nhập WTO. Đa phần tỷ trọng xuất khẩu là do khối doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 60%, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là nông - lâm sản, và khoáng sản thô. Sau hội nhập, tỷ trọng nhập siêu cũng tăng mạnh,18 tỷ USD vào năm 2008. Kinh tế Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng bởi giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ 2007-2008 đến nay. Đến năm 2013, sau 7 năm hội nhập, tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực, từ nợ xấu đến lạm phát, tín dụng tăng trưởng thấp.
Về địa lí kinh tế, chính phủ Việt Nam phân chia và quy hoạch thành các vùng kinh tế-xã hội và các vùng kinh tế trọng điểm ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Các tỉnh thành có GDP bình quân đầu người cao nhất (xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp): Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Cần Thơ, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Phòng, Tây Ninh, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, đạt trên 2450 USD, theo sau là Khánh Hòa, Long An,...Các tỉnh thành có GDP bình quân đầu người thấp nhất (xếp theo thứ tự từ thấp lên cao): Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Quảng Bình, Ninh Thuận, Nghệ An, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Bình, Đồng Tháp, Phú Yên khoảng dưới 1530 USD, xếp sát là Thanh Hóa, Trà Vinh,...(2015). GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2015 ước đạt 2.109 USD.

Hội Quán




Xem thêm