Trang phục Việt Nam, thời trang Việt và phục sức qua hơn 4000 năm văn hiến
Trang phục hay y phục là những đồ để mặc như quần, áo, váy... để đội như mũ, nón, khăn... và để đi như giày, dép, ủng... Ngoài ra, trang phục còn có thể thêm thắt lưng, găng tay, đồ trang sức... Chức năng cơ bản nhất của trang phục là bảo vệ thân thể. Tiếp đó, trang phục cũng có chức năng thẩm mỹ, làm đẹp cho con người. Vì những khác biệt văn hóa, trang phục của từng quốc gia, địa phương có những điểm khác nhau. Lý do xuất phát từ những khác biệt về lịch sử, trình độ văn minh, kinh tế, địa lý, khí hậu, tín ngưỡng, phong tục, tập quán... Trang phục cũng là thứ có thể giúp nhận biết đẳng cấp, giai cấp của người mặc. Quần áo Có sách ghi người Việt trước thời Bắc thuộc mặc áo cài bên trái, nhưng hình dạng thì không rõ. Kể từ thời tự chủ thế kỷ thứ 10 trở đi thì áo người Việt đại thể có ba loại căn cứ theo cách cắt cổ áo: Áo giao lĩnh, phía trước cổ là vạt bên trái buộc chéo sang hông bên phải; Áo trực lĩnh, phía trước cổ để buông thõng thành hai vạt song song; Áo viên lĩnh, hay bàn lĩnh, cổ áo cắt tròn ép sát vòng cổ, cài bên phải. Ba loại áo này cùng có mặt nhưng khác nhau ở mức phổ biến trong dân gian tùy từng thời kỳ. Đàn bà còn dùng yếm một mảnh vải vuông che phần ngực, một góc cắt lẹm đi rồi đính hai dải vải buộc vào sau gáy. Hai góc trái và phải cũng đính hai dải vải, gọi là dải yếm, dài đủ để quành ra sau lưng rồi buộc lại ở trước ngực. Khi ở nhà làm lụng người đàn bà có khi chỉ mặc yếm. Khi ra ngoài giao tiếp mới mặc thêm áo. Ở phía dưới bụng thì ngày xưa đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy. Khố là mảnh vải hẹp mà dài. Người mặc quấn quanh bụng vài vòng rồi chèn từ phía trước bẹn ra sau cài chặt lại. Tích Chử Đồng Tử từ thời Hùng Vương đã nhắc tới việc trang phục dùng khố. Có người cho rằng sau khi người Việt tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa mới có lệ mặc quần. Thời Lý, Trần Thời Lý, Trần, người Việt mặc loại áo dài cổ tròn (viên lĩnh) 4 vạt, gọi là áo "tứ điên" (“điên” nghĩa là đỉnh nhưng ở đây phiếm chỉ vạt áo); dưới thì vận thường đen. Đàn ông đàn bà đều có thể mặc vậy. Ngoài ra, còn có các kiểu khác như: áo giao lĩnh (cổ tréo) ở trên, dưới quây thường bên ngoài hay mặc váy bên trong (với nữ) hoặc mặc áo giao lĩnh hay viền lĩnh trên mặc quần hay khố (với nam). Áo may dài quá đầu gối, cài khuy với áo viền lĩnh, buộc vạt bên phải với áo giao lĩnh. Sứ giả Triệu Nhữ Thích bình rằng lối ăn mặc người Việt thời bấy giờ (1125) không khác người Tống là mấy. Nam đầu đội mũ đinh tự, nhìn như con ốc. Cả nam và nữ, quý tộc và thường dân đều đi đất và nhuộm răng đen. Qua bức "Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ" vẽ cảnh vua Trần Nhân Tông đắc đạo, xuất sơn, vua Trần Anh Tông cùng quan lại ra đón, ta thấy được cách ăn mặc của người Việt thời Trần. Thời Lê đến Trịnh - Nguyễn Sang thời nhà Lê thì áo giao lĩnh phổ biến hơn, dùng làm thường phục trong dân gian. Màu sắc áo cũng đã thành lệ: đàn ông thường dùng áo màu xanh, khi có việc trọng đại thì dùng màu đen, màu thẫm. Người làm ruộng thì dùng màu nâu. Bông vải là hàng chính. Chỉ người sang trọng mới dùng hàng tơ lụa. Quần thì chỉ có hai màu trắng và nâu. Họa hoằn những người giàu có hay già cả mới dùng quần màu đỏ. Theo minh họa trong sách Vạn quốc nhân vật chi đồ của Nhật Bản soạn năm 1645 thì vẽ người đàn bà đội nón rộng, để tóc dài, mặc váy ở dưới, phía trên mặc thứ áo trông như áo giao lĩnh buông thõng hai vạt. Đàn ông thì búi tóc, mặc một loại rộng, cài bên phải. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ 18, chúa Nguyễn Võ Vương ở Đàng Trong có sắc quy định y phục trong Nam, nhất là lối ăn mặc của phụ nữ, bỏ váy mà mặc quần, còn áo thì cài khuy, bỏ lối thắt vạt. Đàng Ngoài thuộc chúa Trịnh thì vẫn giữ áo tứ thân buộc vạt. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là "Áo tứ thân" có thể đã ra đời từ thế kỷ 12. Áo tứ thân hình dạng tương đồng với áo Bối Tử thời Tống. Thời Nguyễn Thời Nguyễn thì nam giới cả hai miền Nam Bắc đã quen mặc áo dài, một loại áo viên lĩnh cổ đứng may bằng năm khổ vải, thân áo dài quá đầu gối, tay áo hẹp. Đàn bà từ Hoành Sơn vào Nam cũng mặc áo dài nhưng khác áo đàn ông chút ít với thân áo may dài hơn; gấu áo dài quá bắp chân. Phía dưới mặc quần. Đàn bà từ Hà Tĩnh trở ra vẫn mặc áo tứ thân, một loại áo giao lĩnh xẻ trước ngực và mặc váy. Lễ phục thì còn vẫn dùng áo giao lĩnh buộc chéo, nhưng khoác ra bên ngoài cùng khi hành lễ, gọi là áo thụng hay bổ phục. Áo trực lĩnh (xẻ trước ngực) với tay áo thật rộng thì là lễ phục khoác ra ngoài của nữ giới quyền quý trong chốn cung đình, gọi là áo mệnh phụ. Ngoài ra áo viên lĩnh không có cổ đứng gọi là áo bào, dùng làm lễ phục của các quan đại thần, vương tôn. Đến thế kỷ 19 thường phục người Việt đại để mặc một loại áo ngắn, cài giữa ngực. Miền Bắc gọi là áo cánh, miền Nam dùng loại áo tương tự nhưng dài hơn và xẻ ở hai bên hông, gọi là áo bà ba. Áo cánh thì không xẻ ở bên hông. Phía dưới thì đàn ông mặc quần lá tọa. Quần này may sâu đũng để có thể kéo cạp quần lên cao hay xuống thấp để cho ống quần dài hay ngắn tùy ý; cạp quần buông loà xòa, buộc bằng thắt lưng ở bụng. Đàn bà miền Bắc mặc váy, buộc thắt lưng và ruột tượng; miền Nam mặc quần. Đàn bà ở nhà có khi chỉ mặc yếm. Ra ngoài thêm áo cánh, áo tứ thân, hay áo dài. Về mắu sắc thì người dân quê làm ruộng, quần áo hay nhuộm màu nâu hay đen, chỉ những khi nhàn nhã mới mặc màu trắng hay màu tươi như yếm màu hồng, màu đào. Vào thập niên 1930 họa sĩ Cát Tường trong nhóm Tự lực Văn đoàn đưa áo dài đi một bước dài bằng cách tân kiểu áo cho hợp với thời đại. Áo dài trắng đã trở thành trang phục bắt buộc tại nhiều trường phổ thông cấp III ở Việt Nam. Các giáo viên nữ mặc Áo dài mỗi buổi lên lớp. Một số nữ nhân viên văn phòng như tiếp tân, thư ký, hướng dẫn viên du lịch cũng mặc Áo dài khi làm việc. Ngày nay các Trường Đại học nữ SVHS chỉ mặc vào ngày đầu tuần. Và theo đánh giá của một tờ báo ở Nhật dường như chỉ có dáng của người con gái Việt Nam mặc áo dài đẹp nhất. Ngày nay Hoa hậu trái đất cũng mặc Áo dài khăn đóng Vì sự phổ biến của nó, áo dài đã trở thành biểu tượng quốc gia, đại diện cho các giá trị văn hóa Việt Nam. Thời Lý, Trần đàn ông đàn bà đều để tóc ngắn, đầu trần. Đàn bà để tóc dài hơn đàn ông độ 1 tấc. Thời Lê Trung Hưng lại để tóc dài, xõa ra sau lưng. Quấn tóc hoặc búi tóc được coi là kém trang trọng. Đến thời nhà Nguyễn thì đàn ông thường búi tóc. Người nhiều tóc thì búi tó to được cho là đẹp. Đàn bà phía nam sông Gianh cũng búi tóc còn đàn bà phía bắc cuộn tóc vào trong khăn rồi quấn thành một vòng quanh đầu. Hình dáng búi tó thông tục gọi là "búi tó củ hành" hay "búi tó củ kiệu". Phục sức trên đầu thì người Việt dùng khăn. Thời Lý đàn ông dùng khăn vấn quấn đỉnh đầu, nhưng khăn vấn nhỏ và che kín đỉnh đầu chứ không để lộ đỉnh như thời Nguyễn. Thời Trần, Lê không còn thấy người ta vấn khăn. Người lớn tuổi, người quyền quý thì dùng 1 khổ vải vuông phủ lên tóc mà thôi. Vấn khăn như ta thấy ngày nay chỉ xuất hiện vào thời Nguyễn. Khăn là một mảnh vải gồm 12, 13 vuông vải bằng nhiễu hay lượt khâu lại thật dài dùng quấn quanh đầu. Người đội khăn quấn năm hay bảy vòng. Số năm tượng trưng cho ngũ thường và số bảy là bảy vía của người đàn ông. Đội khăn có công dụng giữ búi tóc cho chặt, khỏi tung ra. Sau này sang thế kỷ 20 để thêm tiện, người đàn ông khi mặc áo dài thì dùng khăn đóng sẵn, gọi là khăn đóng hay khăn xếp không cần quấn. Khăn đàn ông thì chỗ chân tóc trên trán có thể xếp thành dạng chữ "nhất" hoặc chữ "nhân" với nếp trái đè lên nếp phải tạo bằng hai vòng quấn đầu tiên. Đàn bà miền Bắc thì dùng khăn bao lấy tóc rồi quấn vòng chung quanh đầu, trùm khăn, gọi là khăn mỏ quạ. Trong Nam thì chỉ búi tóc rồi trùm khăn. Người Việt còn dùng nhiều loại nón như nón lá, nón quai thao. Giày dép Người nhà quê thuở trước thường đi chân đất. Khi có việc thì mới xỏ chân đi guốc bằng gỗ hay gộc tre, buộc quai dọc tết bằng dây mây, sau mới dùng quai ngang bằng da. Guốc phụ nữ đẽo thon hơn trong khi guốc đàn ông to bản, tục gọi là guốc xuồng. Gỗ thường để mộc nguyên màu không sơn phết nên gọi là guốc mộc. Người sang hơn thì mới dùng guốc sơn. Không rõ người Việt dùng guốc từ thời nào nhưng sách Giao Châu ký của Trung Hoa thì kể rằng Bà Triệu (thế kỷ thứ 3) chân đi guốc bằng ngà voi. Ở thành thị đàn ông lẫn đàn bà còn dùng dép. Dép một đơn giản nhất chỉ là một lớp da trâu, có khi đan bằng sơ dừa hay bằng cói, không có đế. Người đi xỏ ngón chân vào lỗ khuyết ở đằng mũi. Ở mu bàn chân có thêm một quai thẳng ngang như chữ "nhất" nên gọi là dép một. Sang trọng hơn thì đàn bà đi dép cong đóng bằng bốn năm lớp da trâu. Đầu mũi dép vót nhọn và dùng đanh tre uốn cao vồng lên che hẳn đầu ngón chân. Người đi xỏ ngón chân thứ hai vào vòng bằng da ở đằng mũi. Vì loại dép này nặng nên người đi dép cong không thể đi đứng nhanh nhẹn được. Đàn ông thì đi dép Gia Định, cũng gọi là giày Gia Định. Một đặc danh nữa là dép Chi Long. Dép làm bằng da, gót cao 2–3 cm. Mũi giày bọc da ôm lấy mu bàn chân và chạy bọc quành ra đến gót. Giày sơn đen hoặc đỏ. Vào thế kỷ 19-20 người đàn ông chân đi giầy Chi Long hay Gia Định thì coi là đã ăn bận sang trọng lắm. Lễ phục Vua quan thì có lễ phục riêng, có đai mãng, xiêm, ủng, hia, mũ Đinh Tự, Phốc Đầu, mũ cánh chuồn, mũ trụ. Vua thì dùng màu vàng. Phẩm phục các quan thì tùy theo cấp bậc, dùng màu đỏ hay màu tía. Khi tế lễ trong dân gian thì dùng loại áo rộng, ống tay dài, gọi là áo tế hay áo thụng. Khi có tang thì dùng màu trắng và vải sô, đầu thắt khăn trắng hoặc mũ mấn hình dạng theo tang chế. Trong đời sống thường nhật ngày nay, lễ phục và trang phục hằng ngày đã theo phong cách phương Tây. Những bộ quần áo truyền thống thường chỉ thấy trong dịp lễ, Tết hoặc trên sàn diễn thời trang cùng những buổi biểu diễn văn nghệ. Trang phục Việt Nam thời mở cửa hội nhập đã hoàn toàn khác, có thể nói là mang tính tổng hợp của các thời cộng lại, thêm sự cải tiến táo bạo của giới trẻ hiện nay. Từ năm 1975 đến nay, đa số đàn ông mọi lứa tuổi trong cả nước đều mặc quần Âu (thường gọi là quần Tây): Kiểu quần Âu này xuất xứ từ châu Âu, vào nước ta từ khi Pháp sang đô hộ.Do quan niệm là quần soóc có tính chất thể dục thể thao, nên tuy thời tiết nước ta nóng nực nhưng nam giới ít mặc soóc cho mát. Tư tưởng bảo thủ vẫn còn phổ biến: cho rằng mặc soóc ra đường không được đứng đắn.Về áo, nam giới thường mặc áo sơ mi may bó, ve cổ áo và măng sét to bản. Có người mặc áo phông, áo dệt kim ba lỗ v.v... phong phú về màu sắc, đa dạng về kiểu may. Có người mặc áo hoa, loại vải mỏng…Mùa đông cũng như những ngày lễ, ngày hội, đàn ông thành thị mặc com-lê các màu, gần đây ưa màu sáng như màu sữa, màu be, màu ghi nhạt... Nhìn chung trang phục của đàn ông trong cả nước, nhất là ở thành thị, đã được may theo các kiểu trang phục châu Âu, xem ra cũng có phần gọn gàng, thuận tiện. Tuy vậy, với những đặc điểm khí hậu, thói quen thẩm mỹ, điều kiện kinh tế... ở từng vùng Việt Nam, các loại trang phục đàn ông cũng đã được cải tiến nhiều cho thích hợp. Điều thấy rõ là qua trang phục đàn ông, người ta không thấy còn sự cách biệt giữa các tầng lớp con người như trong xã hội cũ nữa. Còn về phía nữ, trong những năm kháng chiến chống Pháp, trang phục của phụ nữ nông thôn có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu. Chị em mặc gọn gàng: áo cánh nâu, cổ tròn hay cổ quả tim, trong mặc áo lót không tay, quần đen bằng vải phin hay láng. Vấn khăn và chít khăn vuông mỏ quạ. Những người thoát ly làm cán bộ mặc áo kiểu sơ mi đại cán, tay thẳng, cổ hình cánh nhạn, áo thường may bằng vải màu xanh hòa bình hay ka-ki màu xi-măng, màu be hồng. Búi tóc hoặc cặp tóc. Ở miền Trung và miền Nam, phụ nữ vẫn giữ được nền nếp ăn mặc truyền thống. Ở vùng Pháp tạm chiếm cũng không có gì thay đổi, đặc biệt lắm trong tầng lớp phụ nữ lao động, tiểu thương, và một số phụ nữ tiểu tư sản. Kể từ năm 1954, chiếc áo dài Việt Nam đã được nhiều nữ sinh mặc đến trường với kiểu tà rộng, eo thắt, cổ cao có lót cứng, ống tay hẹp. Năm 1960, nhất là khi hàng ni lông tràn ngập miền Nam, thịnh hành nhất là kiểu áo dài mỏng được mặc ra ngoài một loại áo lót, cổ khoét rất sâu xuống, không tay, may liền với quần sa-tanh đen. Ít năm sau, bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu tung ra một kiểu áo dài khoét cổ ngang - bị phản đối kịch liệt - nhưng rồi người ta lại khoét cổ tròn, cổ vuông, cổ nhọn... tay áo ngắn hơn, tà rộng, dài ra, nhưng thân áo bó sát, thắt eo. Năm 1954 – 1959, phong trào mặc áo, váy đầm cũng song song phát triển. Thời gian đầu vẫn là các kiểu đơn giản như sơ-mi cổ tròn, cổ bẻ, rồi không có ve cổ, cổ khoét sâu hình bầu dục, hình tròn, kiểu cổ ngang, cổ vuông... Áo tay ngắn, tay phồng... may bằng vải trắng, vải màu hay vải hoa. Váy, từ kiểu dài quá đầu gối, may phồng và hơi khum phần dưới (gọi là váy chuông) đến những năm 1960 lại may thẳng, xẻ chút ít ở giữa thân sau, hoặc may xếp li, hoặc may bó. Mặc với áo ngắn tay hoặc áo không tay, ngang lưng có dải vải thắt ngoài, bỏ giọt bên cạnh hay ở giữa. Hoặc mặc với áo thẳng, cổ viền, túi viền... một màu hay nối màu. Sau năm 1968, chiếc váy mi-ni ra đời, ngắn trên đầu gối, càng ngắn càng hợp thời trang. Loại áo khoét cổ có bớt đi, áo không tay và ngắn tay lại phát triển. Áo dài tay cài khuy "măng xét" cũng được sử dụng. Đặc biệt áo sơ mi may rất dài. Có loại thân trước xẻ làm ba vạt. Quần Âu ống loe 30cm - 40cm xuất hiện với nhiều loại thắt lưng da các màu, to bản. Người ta dùng cả thắt lưng bằng kim khí. Và cho đến những năm về sau này, ống loe đã phát triển lên tới 50cm rồi 60cm, hai bên ống quần không nối, gấu quần không vén, không máy mà được đốt thành những hình sóng lượn. Kể từ những năm đó đến nay, thời trang Việt Nam ngày càng phát triển với tốc độ nhanh để hội nhập với làng thời trang thế giới. Bắt đầu từ việc xuất hiện nhiều tiệm may trong những năm 1954 đến trước những năm 1986. Rồi khi đất nước mở hội nhập với thế giới năm 1986, Việt Nam đã có những khóa đào tạo thiết kế chuyên nghiệp. Những nhà thiết kế thời kỳ đầu tiên của ngành thời trang Việt Nam là Minh Hạnh đã tạo ra những dấu ấn riêng và sự mở đầu đầy ấn tượng cho làng thời trang Việt sau này. Các thế hệ học trò tiếp nối của Minh Hạnh như Trương Thanh Hải, Phạm Anh Tuấn, Công Trí, Thuận Việt, Võ Việt Chung, Lê Quý Khánh... Trong đó có nhiều nhà thiết kế trẻ Việt Nam đã thành công và tạo dựng được tên tuổi với những nhãn hiệu thời trang của riêng mình. Đặc biệt, nhà thiết kế trẻ Công Trí là nhà thiết kế Việt Nam đầu tiên được tham gia vào Tuần lễ thời trang London năm 2013. Đây không chỉ là vinh dự đặc biệt đối với Công Trí mà còn là niềm tự hào của thời trang Việt Nam nói chung. Mặc dù Việt Nam là đất nước có chiều dài lịch sử song ngành thời trang Việt Nam lại chỉ mới bắt đầu hơn chục năm nay. Khái niệm về nhà thiết kế, nhà tạo mốt, stylist (người tạo dựng hình ảnh, thời trang)..đều là những khái niệm mới mẻ với người Việt Nam. Vậy nhưng trong hơn chục năm qua, ngành thời trang Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kinh ngạc và tạo được ấn tượng đối với thế giới. Phong cách ăn mặc của người Việt cũng ngày càng hiện đại bắt kịp với xu thế thời trang thế giới nhưng lại biết điều tiết để phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Chính những điều này càng làm cho thời trang Việt Nam có nét riêng biệt và có nhiều cơ hội phát triển. Hai Hội (tổng hợp) |