Lịch sử Thăng Long - Hà Nội



Hà Nội còn đó di sản và tinh thần Thăng Long. Ngược thời gian trở về quá khứ, nghe tiếng hát quan họ vẫn quanh quẩn đâu đây, kinh đô ngàn năm chưa từng cũ, bởi người nay vẫn nhớ chuyện xưa.
Xưa, ở huyện Tống Bình là trung tâm của An Nam, có Trương Bá Nghi cho xây thành đất ngay năm đầu nhậm chức Kinh lược sứ (767). Mặc dù khi nhà Đường bị diệt vong, là vùng đất bị đô hộ nên An Nam cũng thay đổi nhiều, nhưng vẫn còn những dấu tích tướng Cao Biền sửa chữa, củng cố thành trì và đổi tên Tống Bình thành Đại La (866).
Qua nhiều biến cố của lịch sử, như năm 931 Dương Đình Nghệ giải phóng thành Đại La, rồi 6 năm sau bị Kiều Công Tiễn giết hại. Năm 938, Ngô Quyền tiêu diệt Kiều Công Tiễn, xưng là Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa. Thế rồi Đại La trầm mặc kể từ năm 968, khi các triều Đinh, Tiền Lê đều đóng đô ở Hoa Lư.


Quan cai quản Đại La từ năm 971 là Lưu Cơ, người “giao chìa khóa” thành Đại La cho Lý Thái Tổ, đã cho tu sửa Hoàng thành quay về nam, hướng về kinh đô Hoa Lư. Chiếu dời đô ban hành tháng 5 mà tòa thành Đại La trở thành Thăng Long kinh đô Đại Cồ Việt vào tháng 7/1010, sau lần dời đô từ sông Hoàng Long, lên sông Đáy, vào sông Hồng rồi vào sông Kim Ngưu. Những con sông tạo nên đường thủy huyền thoại ấy nay vẫn còn những dòng chảy chở thời gian.


“Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng chầu, hổ phục, đã đúng ngôi Nam - Bắc - Đông - Tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng, tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh”, thành Đại La được Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long với mong muốn kinh thành ngày càng phồn thịnh như rồng bay lên, hồn nước linh thiêng ngày ấy như còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng.
Ngay trong năm 1010, đức Lý Thái Tổ gấp rút cho xây dựng kinh thành cùng những công trình bên trong. Kinh thành sau đó giới hạn bởi “tứ giác nước” gồm ba con sông: sông Hồng ở phía Đông, sông Tô phía Bắc và sông Kim Ngưu phía Nam. Đầu năm 1011 Kinh thành Thăng Long hoàn thành cơ bản theo mô hình Tam trùng thành quách: La Thành là vòng ngoài cùng được xây dựng lại từ thành Đại La, còn gọi là kinh thành. Hoàng Thành là vòng thứ hai được xây dựng gần hồ Tây với các cung điện hoàng gia, các công trình chính trị. Vòng trong cùng gọi là Cấm Thành, hay Tử Cấm Thành hoặc Long Thành là nơi ở của nhà vua. Các thời sau đều theo cách ấy mà phân chia.
Quanh khu vực Hồ Tây, mặt gương và lá phổi của chốn Long thành với bề dày lịch sử mấy nghìn năm, lúc bấy giờ được xây nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, như cung Thúy Hoa, cung Từ Hoa... Ngày xưa vườn Ngự uyển là đây, này cây, này hoa, này nước, này trời thật giống nơi tiên cảnh.


Bên ngoài Hoàng Thành là nơi dân chúng ở, buôn bán. Khu dân cư sinh hoạt và buôn bán sầm uất phía đông, ra đến sát sông Hồng, chính là khu vực mà nay còn lại một phần và được gọi là khu Phố cổ Hà Nội. Nơi đây, không chỉ đã từng là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm văn hoá... Những tên gọi Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài, Hàng Chuối... bây giờ không giản đơn chỉ là tên phố mà ẩn sau mỗi tên gọi là một hoài niệm lịch sử. Như tên gọi Hàng Bạc gợi về những người thợ tài hoa xưa chuyên làm sang trong cho cung vua, phủ chúa, làm tôn thêm vẻ đẹp kiêu sa của các cô gái chốn kinh kỳ.
Những năm tiếp theo, nhiều công trình tôn giáo nhanh chóng được nhà Lý dựng lên, chùa Diên Hựu, chùa Báo Thiên, Văn Miếu, Quốc Tử Giám... Ngoài ra hàng loạt cung điện trong Hoàng thành cũng được xây dựng, nhiều cung điện còn thấy ghi tên trong sử sách, như: Điện Càn Nguyên trên núi Nùng (sau này bị phá do chiến tranh và trên nền cũ được xây dựng điện Thiên An),... Như vẫn còn đây lối xưa cung tần mỹ nữ ngời son phấn theo gót nhà vua nở gót sen, hương đưa bát ngát ngoài trăm dặm.


Còn đây một Liên Hoa Đài như đoá hoa sen thanh thoát trên một cột đá. Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là biểu tượng cho trời tròn đất vuông, Chùa Một Cột vươn lên cái ý niệm cao cả về lòng nhân ái soi tỏ thế gian, gần gũi, tinh khiết, thanh lịch. Còn đây trường đại học lâu đời nhất Việt Nam - Văn Miếu Quốc Tử Giám, biểu tượng của nền học vấn quốc gia, truyền thống hiếu học, thái độ trân trọng, tôn vinh người hiền tài của dân tộc.
Thăng Long còn là nơi chứng kiến cuộc sống của nữ hoàng duy nhất của Việt Nam, Chiêu Thánh hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng, người làm vua, làm vợ vua, rồi làm vợ bề tôi của vua. Sự bất công bà phải gánh chịu là ví dụ điển hình về cuộc sống người phụ nữ thời phong kiến. Cuộc sống của bà còn được xem là sự giải mã bí ẩn khi Chiếu dời đô có đúng 214 chữ, trùng với 214 năm trị vì của nhà Lý, nếu không tính thời gian làm vua của bà. Hậu thế cảm thông cho cảnh ngộ của một con người đã từng trải qua đủ trầm luân vinh nhục của cuộc sống đế vương, kể từ khi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.
Nhà Trần nối bước nhà Lý cai trị Đại Việt từ năm 1225, coi Thăng Long là kinh đô thứ nhất, Thiên Trường là kinh đô thứ hai nơi các Thượng hoàng ở. Kinh thành Thăng Long tiếp tục được xây dựng với việc củng cố Hoàng thành và xây thêm cung điện. Cho đắp lại vòng Cấm Thành trong cùng và đổi ra tên Phượng Thành, hay Long Phượng Thành. Điện Thiên An và Hoàng Thành cũng đều được tu sửa. Giai đoạn này cũng ghi nhận sự xuất hiện của những cư dân ngoại quốc, như người Trung Quốc, người Indonesia, người Ấn Độ... cùng tầng lớp thị dân, học giả, trí thức. Trong cuộc chiến tranh với nhà Nguyên, kinh thành Thăng Long từng ba lần bị chiếm giữ. Thăng Long vẫn nhớ Thái Tông thương dân không hiếu chiến, gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân, tình lân bang được thắt chặt muôn lần, để Chiêm Việt hòa bình giao hảo.


Qua nhiều biến cố lịch sử, Thăng Long trở thành Đông Đô của nhà Hồ; Đông Quan khi nhà Minh đô hộ; Đông Kinh và Trung Đô của các nhà Lê - Mạc - Trịnh với điện Kính Thiên hiện vẫn còn đôi rồng đá; Bắc Thành thời vua Quang Trung; cho đến khi đổi thành tỉnh Hà Nội dưới thời vua Gia Long; Năm 1888 khi người Pháp được nhà Nguyễn nhượng hẳn đã đổi Hà Nội thành Thành phố Hà Nội.

Đất kinh đô ngàn năm văn hiến đã hội tụ kết tinh văn hoá của mọi miền đất nước, với nhiều lễ hội dân gian cổ truyền, với những những tục lệ, hương ước do dân Kẻ Chợ từ khắp nơi đem về, và còn là nơi đã sinh ra hoặc nuôi dưỡng những danh nhân, nhân cách lớn đã làm rạng danh dân tộc.
Hà Nội nay còn đó nhiều nét tinh tế, lãng mạn, mảnh đất linh thiêng hào hoa này là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng. Này là những mái phố thâm nâu, này những bóng dáng cây cầu lịch sử, Tháp Rùa trầm mặc rêu phong, là màu trắng tinh khôi mùa hoa loa kèn xuống phố gọi đông về, là hoa phượng đỏ chói hay bằng lăng tím ngắt chiều hạ, là bước chân thiếu nữ ngập ngừng giữa cơn mưa lá trút, là bất chợt hương hoa sữa nồng nàn, là những món ăn đậm đà hương vị Hà Thành. Tất cả đều gợi nên niềm thương nỗi nhớ không chỉ trong ký ức tuổi thơ của những người Hà Nội xa quê, mà cả những người từng sống giữa thành phố nghìn năm yêu dấu.
Sau đợt mở rộng địa giới hành chính năm 2008, văn hóa và danh lam thắng cảnh của Hà Nội ngày nay càng đa dạng hơn khi có thêm văn hóa xứ Đoài sâu lắng.

 

Hà Nội hiện nay có 12 quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân; có 1 thị xã là Sơn Tây và 17 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa.

Về vị trí địa lí, Hà Nội tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc; Hà Nam, Hòa Bình phía Nam; Bắc Giang, Bắc NinhHưng Yên phía Đông; Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây.

Trần Nhật Giáp



Xem thêm