Khám phá Mê Linh - Hà Nội, xưa và nay



Mê Linh xưa là vùng đất có từ thời sơ sử, thời thuộc Hán là bộ Văn Lang cũ (có bị thu hẹp một phần trong thời thục An Dương Vương) là địa bàn cư trú của các lạc tướng, lạc dân dòng dõi vua Hùng Phạm vi huyện này gồm một vùng rất rộng trải dài hai bên sông Hồng từ núi Ba Vì đến dãy Tam Đảo tương đương với tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và miền Sơn Tây ngày nay.

Mê Linh là một tên riêng mà lạc dân dùng để gọi xứ sở của mình, thậm chí có thể là tên thường gọi của bộ Văn Lang lúc bấy giờ, là một thổ âm đại đũa âm kép Mang hay Mạnh mà người Hán đã phiên âm bằng chữ của họ, về sau ta đọc theo âm Hán - Việt thành ra Mê Linh. Địa danh Mê Linh tồn tại trong vòng 600 năm, đến thời nhà Tuỳ thì Mê Linh bị chia thành Gia Ninh và Tân Xương.

Năm 1977 huyện Mê Linh được tái lập trên cơ sở hợp nhất 2 huyện Bình Xuyên và Yên Lãng; 4 xã Văn Tiến, Nguyệt Đức, Minh Tân và Bình Định của huyện Yên Lạc và 2 xã Kim Hoa và Quang Minh của huyện Kim Anh. Năm 1978, một phần huyện Mê Linh được sáp nhập vào Hà Nội. Năm 1991, Mê Linh tách khỏi Hà Nội và trở về tỉnh Vĩnh Phú, về sau lại thuộc Vĩnh Phúc.

Năm 2008, huyện Mê Linh tách ra khỏi tỉnh Vĩnh Phúc và sáp nhập vào thành phố Hà Nội.

Mê Linh nay bao gồm thị trấn Chi Đông, thị trấn Quang Minh và 16 xã: Đại Thịnh, Chu Phan, Mê Linh, Hoàng Kim, Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiền Phong, Tiến Thắng, Tiến Thịnh, Tráng Việt, Tự Lập, Văn Khê, Vạn Yên.

Về vị trí địa lí, Mê Linh là huyện nằm ở phía bắc thành phố Hà Nội. Phía bắc giáp thị xã Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc, phía đông bắc giáp huyện Sóc Sơn, phía đông nam giáp huyện Đông Anh, phía tây nam giáp huyện Đan Phượng, phía tây giáp một phần nhỏ với huyện Phúc Thọ.

Trần Nhật Giáp



Xem thêm