Khám phá Gia Lâm - Hà Nội, xưa và nay
Gia Lâm xưa xuất hiện lần đầu tiên trong sử sách với tư cách là tên gọi một miền đất nhỏ, được dùng làm Phủ đệ cho một công chúa nhà Lý. Đó là công chúa Thiên cực ở Gia Lâm đệ, cùng chồng là quan Nội hầu Vương Thượng. Điều này được chép trong sách Đại Việt sử lược, đoạn về năm 1211 đời vua Lý Huệ Tông. Gia Lâm là chữ được biến âm của Lầm, hiện nay xã Lệ Chị vẫn còn thôn Gia Lâm, tên nôm ngày xưa của làng là Kẻ Lầm, chỉ khu vực lầy lội nhiều nước. Trước năm 1945, huyện Gia Lâm thuộc phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1948, huyện Gia Lâm sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên. Năm 1949, huyện Gia Lâm lại sáp nhập trở lại tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961 huyện Gia Lâm được sáp nhập vào Hà Nội, sau đó được mở rộng dần cho đến năm 2003 tách ra một phần để thành lập quận Long Biên. Gia Lâm nay bao gồm 2 thị trấn Trâu Quỳ, thị trấn Yên Viên và 20 xã: Bát Tràng, Cổ Bi, Đa Tốn, Đặng Xá, Phú Thị, Đông Dư, Dương Hà, Dương Quang, Dương Xá, Kiêu Kỵ, Kim Lan, Văn Đức, Lệ Chi, Ninh Hiệp, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Mầu, Yên Thường, Yên Viên, Kim Sơn. Về vị trí địa lí, Gia Lâm là một huyện ngoại thành nằm ở phía đông ngoài cùng của thành phố Hà Nội. Phía đông giáp huyện Thuận Thành của tỉnh Bắc Ninh, phía đông nam giáp huyện Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên, phía tây giáp quận Hoàng Mai, phía tây bắc giáp quận Long Biên, phía nam giáp huyện Văn Giang của tỉnh Hưng Yên, phía tây nam giáp huyện Thanh Trì, phía bắc giáp huyện Đông Anh và thị xã Từ Sơn cùng huyện Tiên Du của tỉnh Bắc Ninh. Trần Nhật Giáp |