Khám phá Cầu Giấy - Hà Nội, xưa và nay



Cầu Giấy xưa là địa danh lấy theo tên một cây cầu mà khoảng thế kỉ 17 có tên là cầu Sông Tô, đến thời nhà Nguyễn có tên Cầu Giấy, cầu dài ba trượng trên cầu có nhà lợp ngói, gọi tên là "Giấy" vì cầu nằm tại làng Thượng Yên Quyết, vốn là làng có nghề làm giấy cổ truyền từ thế kỷ 13, trước cả vùng giấy Bưởi. Ngõ vào làng xưa có tên gọi "Chỉ Tác", có nghĩa là "làm giấy".

Thời trước Cầu Giấy là một phần của huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Từ năm 1831 thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Sau năm 1954 thuộc quận VI. Đến năm 1961, Hà Nội mở rộng địa giới, xóa bỏ các quận, lập ra 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành, từ đó huyện Từ Liêm được lập lại, Cầu Giấy thuộc vùng Kẻ Cót - Giấy.

Năm 1982, thành lập thị trấn Cầu Giấy trên cơ sở tách ra từ xã Dịch Vọng.

Năm 1996, thành lập quận Cầu Giấy trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 thị trấn: Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch và 3 xã: Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa thuộc huyện Từ Liêm. Trong đó, thị trấn Cầu Giấy được đổi tên thành phường Quan Hoa. Khi mới thành lập, quận có 7 phường: Dịch Vọng, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Quan Hoa, Trung Hòa, Yên Hòa. Năm 2005, thành lập phường Dịch Vọng Hậu.

Cầu Giấy nay bao gồm 8 phường: Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Quan Hoa, Trung Hòa, Yên Hòa.

Về vị trí địa lí, quận Cầu Giấy nằm ở phía tây trung tâm thành phố Hà Nội. Phía đông giáp các quận Ba ĐìnhĐống Đa với ranh giới là sông Tô Lịch, phía tây giáp quận Nam Từ Liêm, phía nam giáp quận Thanh Xuân, phía bắc giáp các quận Tây HồBắc Từ Liêm.

Trần Nhật Giáp



Xem thêm