Khám phá Ba Đình - Hà Nội, xưa và nay



Điện Kính Thiên do vua Lê Thái Tổ xây năm 1428, vua Gia Long sửa lại năm 1816 và đặt tên là điện Long Thiên, ảnh chụp năm 1870, thực dân Pháp phá huỷ điện năm 1886.

Ba Đình xưa lấy tên gọi từ chiến khu Ba Đình của cuộc khởi nghĩa Ba Đình diễn ra từ năm 1886 - 1887 hưởng ứng phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX của các nhà cách mạng yêu nước là Phạm Bành, Đinh Công Tráng và nhân dân huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Nơi đây nguyên xưa là một vùng trũng ngập nước, bùn lầy của 3 làng: làng Mậu (Mậu Thịnh), làng Thượng (Thượng Thọ), làng Mỹ Khê. Mỗi làng đều có một ngôi đình riêng, từ đình làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng kia. Ngoài ra, 3 làng còn có chung một ngôi nghè thờ tự ở làng Mỹ Khê, gọi là Tam Đình.

Địa bàn quận Ba Đình hiện nay nằm trên nền đất xưa vốn thuộc tổng Hữu Nghiêm (sau đổi là Yên Hòa), huyện Thọ Xương và các tổng Yên Thành, Nội, Thượng, Trung, huyện Vĩnh Thuận.


Năm 1945 tên gọi Ba Đình được đặt cho vườn hoa ngã sáu phía sau vườn bách thảo, nơi này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Sau năm 1954, khu vực này được chia thành hai khu, gọi là khu Ba Đình và khu Trúc Bạch.

Năm 1981 khu phố Ba Đình được đổi tên thành quận Ba Đình như tên gọi hiện tại.

Ba Đình nay bao gồm 14 phường: Cống Vị, Điện Biên, Đội Cấn, Giảng Võ, Kim Mã, Liễu Giai, Ngọc Hà, Ngọc Khánh, Nguyễn Trung Trực, Phúc Xá, Quán Thánh, Thành Công, Trúc Bạch, Vĩnh Phúc.

Về vị trí địa lí, Ba Đình là một trong 4 quận trung tâm của Hà Nội, nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng của Việt Nam nói chung và thủ đô nói riêng. Phía đông giáp quận Long Biên với ranh giới tự nhiên là sông Hồng, phía đông nam giáp quận Hoàn Kiếm, phía tây giáp quận Cầu Giấy, phía nam giáp quận Đống Đa, phía bắc giáp quận Tây Hồ.

Trần Nhật Giáp



Xem thêm