Thống kê về truyện kể dân gian An Giang




Truyện kể dân gian sưu tầm tại tỉnh An Giang-trên địa bàn của tất cả các đơn vị hành chánh cấp thành phố, thị xã, thị trấn và các huyện như thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc, và các huyện Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn, Tri Tôn, Tân Châu, Phú Tân, An Phú, Tịnh Biên (ở trên hai phần ba số phường, xã trong tỉnh), qua ba đợt sưu tầm điền dã tháng 4- 2004, tháng 4-2005 và tháng 4-2006 của sinh viên chuyên ngành văn học 3 khóa 2002-2006, 2003-2007 và 2004-2008 và giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, đã thu hoạch được trên 2000 truyện thô, bước một biên tập được 939 truyện và bước hai tinh tuyển được 682 truyện hoàn chỉnh.
682 truyện tinh tuyển gồm đủ các thể loại tự sự dân gian với số lượng cụ thể như sau:

- Thần thoại (12 truyện; chiếm 1,75%): suy nguyên về vũ trụ (3; 0,43%); suy nguyên về nhân loại, tộc người (4; 0,58%); về sáng tạo văn hóa (5; 0,73%);
- Truyền thuyết (97; 14,22%): lịch sử (5; 0,73%); anh hùng (11; 1,61%); địa danh (34; 4,98%), phong tục tập quán (47; 6,89%);
- Truyện cổ tích (277; 40,61%): loài vật (36; 5,27%), thần kỳ (79; 11,58%), thế tục (110; 16,12%), phật giáo (31; 4,54%), ma quỉ (21; 3,07%);
- Truyện cười (259; 37,97%): khôi hài và trào phúng (188; 27,56%), trạng (34; 4,98%), tiếu lâm (37; 5,42%);
- Truyện ngụ ngôn (35; 5,13%): chủ đề triết lý về thế giới quan, nhân sinh quan về xã hội (14; 2,05%); chủ đề về răn dạy luân lý, lối sống, cách đối nhân xử thế ở đời (8; 1,17%); chủ đề về ý chí đấu tranh, chống áp bức, bóc lột, đòi quyền sống, quyền bình đẳng (5, 0,73%); chủ đề về chế giễu các thói hư, tật xấu, tính huyễn hoặc và sự ngu dốt (8; 1,17%).

Về nguồn gốc, mỗi truyện kể được tuyển chọn đưa vào tập sách Văn học dân gian An Giang (Công trình tập thể đạt giải Nhì B của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2010) đều có ghi ở bên dưới lai lịch của người kể chuyện để tiện việc tra cứu phần xuất xứ của tác phẩm gồm các mục như: họ và tên, năm sinh, địa chỉ hiện nay (đường, tổ - ấp, phường - xã, thị trấn - huyện, thị xã - thành phố của tỉnh An Giang). Ngoài ra, sau phần lai lịch của người kể chuyện, nếu nội dung truyện cần được làm rõ về địa danh, từ ngữ địa phương hay một tích điển nào đó thì phần chú thích sẽ giúp cho người đọc nắm bắt cốt truyện được tường tận và dễ hiểu.
Riêng ở phần các tác phẩm thuộc thể loại truyền thuyết, nếu xét thấy ở một số truyện cần có sự đối chiếu so sánh với các bản kể khác để có thể đánh giá chất lượng của những truyện truyền thuyết được lưu truyền ở An Giang, chúng tôi có đưa vào ở cuối mỗi truyện đó các dị bản và phần khảo dị là những tác phẩm tương tự đã được công bố trước đó trong nhiều công trình sưu tầm và sưu tập truyện kể dân gian Nam Bộ. Nếu dẫn ra một vài so sánh với các văn bản khảo dị thì có thể cho rằng các bản kể truyền thuyết được lưu hành ở các địa phương An Giang có phần giản lược hơn và không đầy đủ chi tiết và tình tiết bằng, tuy nhiên chúng vẫn có giá trị về nội dung và nghệ thuật vì là những văn bản sưu tầm tại thực địa và trực tiếp từ những cộng tác viên sinh sống lâu đời tại đây. Trong khi đó, ở một số văn bản khảo dị được dùng để so sánh với truyện kể tại địa phương, lại có khả năng phần lớn đều do những người ở địa phương khác ghi chép lại từ nhiều nguồn tư liệu lịch sử thành văn lẫn tư liệu lịch sử bất thành văn.
Về tập thể tác giả dân gian sáng tác nguồn truyện kể ở tất cả các huyện thị của tỉnh An Giang ta thấy có đủ các thành phần tộc người vốn sinh sống cộng cư, xen cư từ xưa nay ở địa phương này, gồm có các tộc người Việt, Hoa, Khmer và Chăm.
Nội dung phản ánh của tất cả các thể loại truyện kể dân gian ở An Giang hội đủ các đề tài-cốt truyện cùng những môtip cơ bản của loại hình tự sự dân gian của các dân tộc cùng chung sống lâu đời tại địa phương mới được khai phá trên 300 năm này.
Ở thể loại thần thoại (từ truyện số 1 đến truyện số 12), có thể xem đó là những mẩu kể thần thoại suy nguyên về vũ trụ và muôn loài của người Việt như các truyện Mặt trăng, mặt trời (truyện số 1), Sự tích gà trống đi gọi mặt trời (2) và Núi bay (3); đề tài suy nguyên về nhân loại, tộc người có các truyện Nguồn gốc loài người trên trái đất (4), Trái bầu mẹ (5), Vì sao gọi là có bầu? (6) và Sự tích lòng bàn chân (7); và cuối cùng là đề tài suy nguyên về những thành tựu sáng tạo văn hóa của con người gồm các truyện từ (8) đến (12) chủ yếu nói về nguồn gốc của cây lúa nước kèm theo đó là lời khuyên nhủ của ông cha ta rằng nên biết quý trọng cây lương thực chủ lực này đã từng nuôi sống bao thế hệ người dân Việt từ xưa nay.
Ở thể loại truyền thuyết (13-108), ta thấy trong các nhóm truyền thuyết vốn có của kho tàng truyền thuyết của một địa phương như truyền thuyết lịch sử (13-17), truyền thuyết anh hùng (18-28), truyền thuyết địa danh (29-62) và truyền thuyết về phong tục tập quán (63-108) phải kể đến nét đặc trưng cả về số lượng tác phẩm cũng như về nội dung phản ánh hiện thực khá phong phú và đặc sắc của ba nhóm truyền thuyết: truyền thuyết anh hùng, truyền thuyết địa danh và truyền thuyết về phong tục tập quán. Về nhóm truyền thuyết anh hùng, phải kể đến loạt truyền thuyết về các nhân vật anh hùng được dân gian nơi đây xưng tụng và ngưỡng mộ như Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), Mai Bá Cao, Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành... Trong nhóm truyền thuyết địa danh có nhiều câu chuyện kể về những sự tích cùng lai lịch nguồn gốc của các di tích vật chất như núi, đồi, sông, kênh, cù lao,... , các di tích văn hóa như cột đá thờ, đền thờ, thánh thất, miếu, miễu, hang, chùa, lăng,... có mặt ở khắp các huyện của tỉnh An Giang, dày đặc nhất là từ Núi Sam đến vùng Bảy Núi giáp ranh với biên giới Việt Nam-Campuchia. Còn ở nhóm truyền thuyết về phong tục tập quán có nhiều truyện đề cập đến tập tục, phong vật cùng nhân vật văn hóa của địa phương tỉnh An Giang. Đó là những truyền thuyết nói về các tập tục, nghi lễ hôn nhân, tang ma của tộc người Khmer, người Việt, người Chăm, người Hoa. Đặc biệt là những truyện kể, sự tích về các nhân vật linh ứng của tín ngưỡng dân gian bản địa như tín ngưỡng thờ mẫu với Bà Chúa Xứ ở Núi Sam-Châu Đốc; những chuyện lạ tích hay về những nhân vật phi thường là những vị “giáo chủ” của các tông phái Phật giáo nhập thế cứu đời có mặt lâu đời ở linh địa Thất Sơn huyền bí - vùng sơn xuyên linh tú có địa thế độc đáo thuộc miền biên tái cực tây nam Nam Bộ. Về những nhân vật phi phàm ấy có thể kể đến: ở huyện Tịnh Biên có Đức Phật Thầy Tây An với các đệ tử khả kính Đình Tây-Bùi Văn Tây, Tăng Chủ-Bùi Văn Thân; Đức Bổn Sư Ngô Lợi với giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa; hay ở huyện Chợ Mới có Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáng lập ra tông phái Phật giáo Hòa Hảo...
Phần truyện cổ tích (109-333) gồm có đủ ba tiểu loại: tiểu loại truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt. Tiểu loại truyện cổ tích loài vật (109-144) có số lượng khá ít song cũng có đầy đủ nội dung chủ đề như: suy nguyên về đặc điểm sinh học của loài vật, mô tip “mẹo lừa” cùng đề tài xử kiện.Tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ (145-223) gồm các đề tài-cốt truyện và mô tip sau: các kiểu truyện về nhân vật chàng trai khỏe-dũng sĩ (145-152), về các nhân vật bất hạnh như người mồ côi (153-154), người con riêng (155-162), người em út (163-168), về nhân vật xấu xí mà tài ba hay người lấy người đội lốt vật (169-181), về mô tip “lấy vợ / chồng tiên” (182-187), “vợ chồng chung thủy” (188-192), “loạn luân và ngoại tình” (193), “đi tìm lời giải đáp những điều bí ẩn” (194-197), “những điều ước” (198), “vật trả ơn” (199-209), “hôn nhân tiền định và kiếp luân hồi” (210-216), và về những người nghèo khổ (217-223). Tiểu lọai truyện cổ tích sinh hoạt (224-333), có số lượng thật phong phú (nhiều hơn hẳn so với tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ: 109/78) và đa dạng với các đề tài-cốt truyện như: về những mối quan hệ trong gia đình có các chủ đề như cha mẹ, con cái, gia đình (224-244), làm dâu làm rể (245-251), tình yêu, hôn nhân, vợ chồng (252-263); về những mối quan hệ ngoài xã hội có các chủ đề như tình bạn (264-269), tình thầy trò (270), chủ-tớ (271-273), thương-ghét (274), tham thì thâm (275), thời vận (276-277), người trung thực (278-279), người bất nghĩa (280-281), người thất đức (282), sự hiểu biết, kinh nghiệm, sự từng trải, sự thử thách, sự hiếu học (283-284), tội ác-quả báo (285-291), nhân vật chàng ngốc (292-298), nhân vật người thông minh (299-333).
Cùng có mặt trong phần truyện cổ tích còn có hai nhóm truyện khác: đó là nhóm truyện cổ tích Phật giáo (334-365) gồm các chủ đề như: tu tại gia, lễ vật cúng dường, tu phật đắc đạo, tu phật không đắc đạo, tu nhất kiếp ngộ nhất thời, căn tu, kiếp luân hồi, giác ngộ, luật vô thường, nhân đức, chữ trung trong đạo, phật sống,... ; và nhóm truyện về thế giới ma quỉ (366-388) gồm các chủ đề như: căn nhà ma, ngôi mộ hoang, ánh lửa ma, người lấy ma, ma hóa người, giết vợ ma, cô hồn đền ơn, các loài ma quỉ như ma heo, ma đất sét, ma dưới nước, ma giấu người, ma ráp đầu,...
Truyện cười là thể loại truyện dân gian chiếm số lượng nhiều nhất ở các huyện của tỉnh An Giang (259 truyện, 389-647). Các đề tài, chủ đề gồm có: ở mảng truyện cười khôi hài có các chủ đề như cười về những khuyết tật bẩm sinh ở người (389-415), đối đáp ứng xử (416-445), hôn nhân và gia đình (446-447), và nội dung linh tinh về các tính cách và tình huồng gây cười như ngây thơ, rắn mắc (448-451), thật thà (452), đam mê (453), chờ đợi (454), lo xa (455-457), sốt sắng (458), luyến tiếc (459), tò mò (460); ở mảng truyện cười trào phúng có các chủ đề như: ngốc nghếch (461-483), lười biếng (484-492), keo kiệt (493), gàn dỡ (494-500), xu nịnh (501-502), tham ăn tham uống (503-516), sợ vơ (517-519), nói đùa, nói dối, nói láo, nói dóc, khoác lác (520-533), ranh mãnh (534-536), bịp bợm (537-538), mẹo lừa (539-541), thầy lang (542), thầy cúng (543-544), thầy chùa, sư sãi (545-553), cha cố (554), thầy giáo và học trò (555-559), kén rể (560-572), quan lại (573-574), nhân vật có chức sắc (575-576); nhóm truyện Trạng (577-610); và nhóm truyện tiếu lấm có yếu tố tục (611-647).
Sau cùng là thể loại truyện ngụ ngôn (648-682) có nội dung nhằm nêu lên bốn chủ đề phổ biến của loại truyện ngụ ngôn như sau: triết lý về thế giới quan, nhân sinh quan về xã hội (648-661); răn dạy luân lý, lối sống, cách đối nhân xử thế ở đời (662-669); thể hiện ý chí đấu tranh, chống áp bức bóc lột, đòi quyền sống, quyền bình đẳng (670-674); và chế giễu các thói hư, tật xấu, tính huyễn hoặc và sự ngu dốt (675-682).

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 10/2010
Phan Xuân Viện




Xem thêm