Những giai thoại có một không hai về vị Trạng Nguyên quê Hải Dương




Năm 1308, Sứ thần nhà Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua Trần bèn sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên triều kiến và chúc mừng. Thời điểm ấy, việc Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên được dự báo là “đầy nguy hiểm”, bởi người phương Bắc vẫn chưa quên nỗi đau thất bại trong ba cuộc xâm lược trước đây.
Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên ban đầu rất bị khinh thường vì vẻ ngoài thấp bé, xấu xí. Ở buổi tiếp kiến đầu tiên tại kinh đô Yên Kinh, vua Nguyên ra câu đối thử tài Mạc Đĩnh Chi: “Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy mặt trăng). Ý nói nhà Nguyên lớn mạnh, luôn dễ dàng tiêu diệt các tiểu quốc như Đại Việt.
Mạc Đĩnh Chi liền ứng đối lại: “Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (Mặt trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời). Ý nói rằng nước nhỏ cũng có thể đánh bại quân đội nước lớn khi thời cơ đến. Vua Nguyên nghe xong tức lắm, nhưng cũng phải khen Mạc Đĩnh Chi đối hay, đối chuẩn.
Một hôm khác, viên Tể tướng nhà Nguyên mời ông vào phủ dự tiệc trà. Lúc ấy đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu trên cành trúc. Đĩnh Chi giả vờ ngỡ đây là con chim sẻ thực, vội chạy đến xem. Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa thô lậu. Thấy vậy, Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao. Đĩnh Chi trả lời: “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân vậy”. Nghe xong, mọi người đều hết lòng phục tài Đĩnh Chi và không ai còn dám cười ông nữa.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép về Mạc Đĩnh Chi quê ở Chí Linh, Hải Dương: Là người liêm khiết, sống rất đạm bạc. Vua rất hiểu ông, sai người ban đêm đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Hôm sau, Đĩnh Chi vào chầu, tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: “Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu”. Thời vua Hiến Tông, Mạc Đĩnh Chi làm quan đến chức “Nhập nội hành khiển Hữu ty lang trung”, rồi sau lại được thăng lên chức “Tả ty lang trung”. Trong thời gian ở Yên Kinh – nước Nguyên, ông có kết thân với sứ thần Cao Ly. Mến mộ tài năng của Mạc Đĩnh Chi, vị sứ thần này mời ông sang Cao Ly chơi và gả người cháu gái xinh đẹp của mình cho ông. Người thiếp này có sinh hạ một con gái, một con trai với Mạc Đĩnh Chi. Sau này hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi ở lại Cao Ly và lập ra một dòng tộc tại đó. Trong tờ An Nam tạp chí, số 4 năm 1926 từng đăng bài của học giả Lê Khắc Hòe với tiêu đề: “Người Triều Tiên đi bán sâm là hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi”.

Lão Đồng Nát




Xem thêm